Góc nhìn 365: Chờ một "giao lộ sáng tạo" giữa Hà Nội
"Giao lộ sáng tạo" ở đây là chủ đề của Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2024, dự kiến diễn ra từ 9 - 17/11 tới. Và ở một cách nhìn khác, đó còn là điểm trung tâm của lễ hội, nằm tại Quảng trường Cách mạng tháng Tám - giao lộ của các không gian sáng tạo được thiết lập trên 2 trục Bắc Nam (phố Lý Thái Tổ - Lê Thánh Tông) và Đông - Tây (dốc Bác Cổ - phố Tràng Tiền).
Với tổng số khoảng 100 hoạt động, chắc chắn đây sẽ là một sự kiện nổi bật và được chờ đợi trong đời sống văn hóa Thủ đô.
Theo kế hoạch, không gian tổ chức Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2024 sẽ gồm 7 địa điểm chính, gắn với 7 công trình di sản lịch sử tiêu biểu của thành phố: Cung Thiếu nhi, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Di tích Bắc Bộ phủ, Nhà hát Lớn, Đại học Tổng hợp cũ, Bảo tàng lịch sử Quốc gia và tuyến phố Tràng Tiền.
Về cơ bản, các hoạt động và sự kiện xoay quanh 7 địa điểm này - cũng như tại khu vực trung tâm là Quảng trường Cách mạng tháng Tám - sẽ bao gồm việc thiết lập các công trình biểu tượng, sắp đặt mô hình không gian sáng tạo, trưng bày triển lãm hoặc tổ chức biểu diễn nghệ thuật trải nghiệm, tổ chức hội thảo quốc tế và trong nước về lĩnh vực sáng tạo...
Nhìn lại, năm 2023 vừa qua, Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội lần thứ 3 từng gây ấn tượng lớn với dư luận và cộng đồng, khi được tổ chức tại Nhà máy xe lửa Gia Lâm và tháp nước Hàng Đậu. Ở thời điểm đó, với những "tấm áo mới" từ các hoạt động sáng tạo và trải nghiệm, các không gian này đã xuất hiện với một sức hút - và công năng - hoàn toàn mới, đồng thời gợi mở những tiềm năng lớn về việc khai thác hệ thống di sản công nghiệp tại Hà Nội.
Còn lần này, có thể thấy rõ: Những điểm nhấn của Lễ hội Thiết kế sáng tạo năm nay lại hướng về những kiến trúc Pháp cũ giàu tính nghệ thuật, từng tồn tại cả trăm năm giữa Thủ đô, nhưng ít nhiều cũng chưa được khai thác hết tiềm năng ở góc độ văn hóa của mình.
Thậm chí, không gian trung tâm của sự kiện - quảng trường Cách mạng tháng Tám - từ lâu cũng gắn với đề xuất của các chuyên gia về việc cần được "đánh thức" và tôn vinh đúng với giá trị thẩm mỹ, cũng như vai trò lịch sử của nó.
Bởi thế, một cách tất yếu, nhiều kỳ vọng đang được đặt ra - khi mà theo những thông tin được chia sẻ, nhiều không gian tại lễ hội lần này sẽ lần đầu tiên mở cửa đón khách tham quan (như Di tích Bắc Bộ phủ, nay là Nhà khách Chính phủ) hay "kích hoạt" các tour tham quan như Nhà hát Lớn Hà Nội, trụ sở Đại học Tổng hợp cũ.
Giống như lần "đánh thức" không gian của các cơ sở công nghiệp cũ vào năm ngoái, việc tổ chức chuỗi hoạt động sáng tạo về kiến trúc, thiết kế, mỹ thuật, trình diễn, điện ảnh, quảng cáo…. rõ ràng là một cách tiếp cận rất hợp lý để những công trình kiến trúc này đến gần hơn với đời sống.
Nói cách khác, đó là sự kết hợp - và cũng là đối thoại - giàu tiềm năng giữa những di sản gắn với ký ức của cộng đồng, và những ý tưởng sáng tạo phần nhiều thuộc về người trẻ, để tiếp nối và cộng hưởng từ mạch nguồn văn hóa đang có.
Từ các di sản công nghiệp cho tới các kiến trúc công sở thuộc khu phố cũ, Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội đang dần cho thấy vị trí của mình, trong cái đích hướng về một Hà Nội - thành phố sáng tạo nổi bật.