Góc nhìn 365: Cần thêm gì cho công viên?
2 từ “công viên” đang thu hút sự chú ý đặc biệt của cộng đồng người dân Hà Nội từ cuối tuần qua, sau ý kiến của Chủ tịch UBND thành phố trong một cuộc họp.
Vắn tắt, vị lãnh đạo của chính quyền Hà Nội khẳng định: Trong năm 2023 này, các công viên trên thành phố cần được cải tạo nhằm làm “sống lại”, đồng thời cần tìm mô hình đầu tư để loại hình này không còn hàng rào, không bán vé, và người dân được thụ hưởng tiện ích một cách công bằng.
Vài ngày trước đó, Hà Nội cũng vừa thành lập một Ban chỉ đạo riêng cho việc xây dựng, chỉnh trang, nâng cấp các công viên, vườn hoa tại thành phố giai đoạn 2021 - 2025.
Một cách tự nhiên, những gì mà Chủ tịch UBND Hà Nội chia sẻ cũng rất gần với câu chuyện của công viên Thống Nhất. Đầu năm nay, khi đưa ra ý tưởng dỡ bỏ hàng rào, biến khu vực này thành không gian mở kết nối với xung quanh, phía chính quyền thành phố cũng nhận được sự hưởng ứng rất tích cực từ người dân. Thực tế, đề xuất này đã được đề cử Giải Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội lần 15 - 2022 (ở hạng mục Giải Ý tưởng).
Ai cũng biết, Hà Nội thiếu công viên. Và ai cũng biết một thực tế nữa: Công viên chỉ có giá trị khi thu hút sự có mặt của đông đảo người dân - cả ở nhu cầu vui chơi giải trí lẫn nhu cầu hưởng thụ không gian của cây xanh mặt nước. Chúng ta đã từng nói khá nhiều về việc nhiều công viên lớn trên thành phố hiện vẫn tồn tại lớp hàng rào bảo vệ và vô tình gây cản trở cho khả năng tiếp cận của cộng đồng. Nhưng đó chỉ là một trong rất nhiều vấn đề đang tồn tại ở những không gian đặc thù đang được quản lý theo kiểu “quốc doanh” này.
Ở phần còn lại, do thiếu kinh phí vận hành và bảo dưỡng, không ít công viên vẫn cho thấy sự nghèo nàn về tiện ích và dịch vụ - hoặc tệ hơn nữa, đang xuống cấp theo thời gian sử dụng. Thậm chí, từ góc độ quy hoạch, một số công viên hiện cũng cho thấy nhược điểm của cách thiết kế cũ khi được bao quanh bởi những trục đường có mặt cắt lớn, thu hút dòng xe đông với tốc độ cao và gây khó khăn cho khả năng tiếp cận từ phía bên kia đường của du khách. Điển hình, đó là các công viên Yên Sở, Hòa Bình và ngay công viên Thống Nhất, với các trục đường Đại Cồ Việt và Lê Duẩn.
***
Trở lại với lời chia sẻ về việc làm “sống lại” các công viên của lãnh đạo Hà Nội. Một mặt, đó là tín hiệu tích cực cần được ghi nhận trong việc cải tạo hạ tầng của thành phố. Và ngược lại, đó cũng là giải pháp không thể khác: Tối ưu hóa về giá trị sử dụng, cũng như các chức năng đặc thù, của hệ thống công viên đang tồn tại - trong khi chờ những công viên mới được dần bổ sung theo quy hoạch.
- Công viên Thống Nhất: Chuyện chưa dứt về 'lá phổi' của Thủ đô
- Đầu tư 64 tỷ đồng cải tạo Công viên Thống Nhất
- Sẽ quy hoạch đồng bộ Công viên Thống Nhất
Nếu theo cách nhìn ấy, rõ ràng vấn đề tận dụng nguồn lực xã hội hóa - thay vì trông vào ngân sách Nhà nước - sẽ là lựa chọn của tương lai cho việc cải tạo, bảo dưỡng và vận hành những không gian này. Như các chuyên gia phân tích, đó phải là những cơ chế hợp lý và khoa học về việc tạo cơ hội cho các doanh nghiệp khai thác kinh doanh các hệ thống trò chơi, dịch vụ, bãi đỗ xe ngầm trong công viên - thậm chí là “bù” thêm cơ hội ở những không gian khác - để gắn liền quyền lợi và trách nhiệm của doanh nghiệp với hệ thống công viên.
Và nữa, nếu tình trạng các công viên bị “cắt lìa” bởi những trục đường lớn có thể tạm khắc phục bằng hệ thống cầu bộ hành hoặc đèn tín hiệu thì trong tương lai, việc quy hoạch các công viên cũng cần sớm được rút kinh nghiệm. Thậm chí, như lời các chuyên gia, thay vì những công viên quá hoành tráng, nên cân nhắc đầu tư nhiều công viên rộng vừa phải, phủ khắptrên địa bàn thành phố để tăng hiệu suất sử dụng - ngoại trừ những trường hợp cá biệt tại ngoại thành với diện tích lớn để đáp ứng các nhu cầu cắm trại cuối tuần, trải nghiệm sinh thái.
Hóa ra, chúng ta còn quá nhiều việc phải làm nếu muốn thật sự phát huy vai trò của các công viên - thay vì chỉ tính theo những con số đơn thuần về diện tích và tỷ lệ.
Trí Uẩn