Góc chiến thuật: Argentina đang lãng phí bóng chết
(Thethaovanhoa.vn) - Trong bóng đá hiện đại, những pha bóng chết, hay cụ thể hơn nữa là phạt góc, được xem như giải pháp quan trọng để tạo khác biệt. Nhưng Argentina rất kém khâu này, ít nhất là sau 3 trận vòng bảng World Cup 2018.
- Pháp vs Argentina: Phán quyết Kante vs Messi, Argentina quá già và đại chiến trên mặt báo
- Cựu danh thủ Vũ Mạnh Hải: Quá khó cho Argentina khi phải gặp Pháp
Argentina đang rất lãng phí những pha phạt góc. Mà có vẻ như họ không có người giỏi thực hiện những tình huống bóng chết này.
World Cup của bóng chết
Trong ngày thi đấu cuối cùng của vòng bảng, Colombia rất bế tắc trước Senegal. Khi mà chiến thắng là cách duy nhất để Colombia có thể tự quyết về vận mệnh của mình, HLV Pekerman đã làm mọi thứ có thể, bao gồm cả việc mạnh dạn rút James Rodriguez - người trước đó chấn thương nhẹ - khi trận đấu mới trôi qua 31 phút. Rồi khác biệt xuất hiện, khi Quintero đá phạt góc và Yerry Mina đánh đầu ghi bàn.
Trước đó, khi dẫn Serbia 1-0, Brazil vẫn không hoàn toàn làm chủ thế trận. Brazil còn gặp nhiều khó khăn, với nguy cơ bị gỡ hòa đến bất kỳ lúc nào. Rồi tất cả được kiểm soát, khi Thiago Silva đánh đầu thành bàn từ pha đá phạt góc của Neymar. Trong khi đó, tuyển Anh ghi 3 bàn đầu tiên ở World Cup 2018 (2 của Harry Kane, 1 của John Stones), đều từ việc khai thác tối đa cơ hội từ phạt góc.
World Cup 2018 rất đa dạng về chiến thuật, nhưng rất nhiều trận đấu được quyết định bởi các pha cố định. Sau 48 trận vòng bảng, có 122 bàn thắng được ghi. 55 trong số đó đến từ các pha bóng cố định, tính cả 18 lần các cú sút 11 mét được thực hiện thành công. Trong đó, 13 đội tuyển có ít nhất 1 lần chuyển hóa những pha phạt góc thành bàn thắng.
Diego Simeone từng thừa nhận, ông xem phạt góc là giải pháp rất quan trọng. Nhờ vậy, Atletico trở thành một trong những CLB hiệu quả nhất ở phạt góc nói riêng, và các pha cố định nói chung. Khi cùng Real Madrid giành 3 danh hiệu Champions League liên tiếp, một trong những chìa khóa quan trọng của Zinedine Zidane là phạt góc. Nhà cầm quân người Pháp thường xuyên thực hiện các bài đá tập phạt góc, để các trung vệ như Ramos, Varane (trước có Pepe), tiền vệ Casemiro, và tất nhiên cả Cristiano Ronaldo nữa, tạo ra khác biệt.
Argentina không biết khai thác bóng chết
Argentina đã chết đi sống lại ở vòng bảng, trước khi giành vé vào vòng knock-out World Cup 2018. Lối chơi của Argentina không được định hình cụ thể, hết sức rời rạc. Các cầu thủ cũng không thể hiện được chính mình. Messi không hiệu quả ở phạt trực tiếp, điều mà anh làm tuyệt hay trong mùa giải 2017-18 với Barca. Ngay đến phạt đền anh cũng không thành công (trước Iceland).
Về việc khai thác bóng chết, Argentina nằm trong số những đội kém nhất. Không tính phạt trực tiếp và phạt đền, Argentina có tổng cộng 26 tình huống được hưởng phạt góc và gián tiếp (20 pha phạt góc). Họ thực hiện những pha đá phạt thế nào? 15 lần bóng được treo vào vòng cấm và bị cầu thủ đối phương cản phá thành công; 5 lần bóng đi lố ra ngoài; chỉ 6 lần cầu thủ Argentina chạm được vào bóng nhưng không tạo nên sự khác biệt. Otamendi, Mercado, Higuain, Aguero, Rojo và Tagliafico là những cầu thủ Argentina đã có dịp chạm bóng khi tổ chức phạt gián tiếp.
Đã có 5 cầu thủ luân phiên thực hiện các pha đá phạt cho Argentina, gồm Messi, Di Maria, Banega, Meza và Pavon. Không thể nói về chiều cao, mà ở đây Argentina đã không có sự tổ chức hợp lý. Otamendi vốn là một chuyên gia trong những tình huống tham gia phạt trực tiếp ở Man City, và đặc biệt là với Valencia trước đây. Nhưng với Argentina, anh không có nhiều cơ hội để chạm bóng, vì thiếu sự tổ chức hợp lý.
Argentina dứt điểm rất kém, với 42 pha dứt điểm để mang về vỏn vẹn 3 bàn thắng. Bên cạnh việc cải thiện điều này, HLV Sampaoli phải nhanh chóng tìm ra giải pháp hợp lý để khai thác bóng chết. Chỉ như thế, Argentina mới có thể nghĩ đến việc vượt qua Pháp, và tiếp tục tiến bước trên con đường mơ về chức vô địch thế giới.
Ngọc Huy