Góc Anh Ngọc: Viết cho Senna, thần tượng không chỉ của riêng đời tôi
(Thethaovanhoa.vn) - Con đường đi đến nơi anh nằm xuống vĩnh viễn từ trung tâm thành phố rất xa. Phải đổi tàu điện ngầm mấy lần, leo lên một chiếc taxi, nhắc đến chữ Senna là cô tài xế đưa tôi đến đó, không nói một lời, cho xe lướt qua những khu phố vây quanh bởi những tòa nhà chọc trời, rồi khu ngoại ô và một cánh rừng.
Trước đó, ở Rio de Janeiro, khi tôi vừa nhắc đến tên Ayrton Senna, người lái xe taxi đã lẳng lặng cho tôi xem hình nền của chiếc smartphone ông đang dùng. Một tấm chân dung của tay đua huyền thoại là thần tượng của hàng triệu người Brazil. Ông bảo, “Senna đã chết 20 năm qua, nhưng anh ấy vẫn sống mãi trong tim tôi”.
Được tôn thờ hơn cả những siêu sao bóng đá
Anh nằm đó ở giữa nghĩa trang Morumbi, dưới bóng một cây nở đầy hoa tím. Hoa rơi lác đác bên bia mộ anh, một nấm mộ không có gì quá đặc biệt so với những ngôi mộ xung quanh, trừ việc nó được trang trí bởi rất nhiều hoa và một lá cờ vàng-xanh của Brazil bằng nylon. Khu vực mộ được bao quanh bởi một dây nhựa mỏng mảnh. Ai đó đã đặt lên bia mộ một tấm ảnh anh trong trang phục của đội Ferrari, với đôi mắt xa xăm nhìn về một nơi vô định, chiếc mũ vải trùm đầu sắp bước vào vòng đua. Tấm ảnh chụp khá lâu trước khi anh qua đời. Trên bia mộ, có dòng chữ anh rất thích nhắc đến khi còn sống: “Không gì có thể chia cắt tôi với tình yêu của Chúa”.
Tròn 20 năm đã qua kể từ ngày tay đua Công thức 1 huyền thoại ấy đột ngột ra đi trên đường đua Imola (San Marino) ở tuổi 34, những kỉ niệm về anh vẫn còn in đậm trong lòng hàng triệu người Brazil và biết bao người yêu anh trên thế giới, trong đó có tôi. Năm 1994 ấy vô cùng đặc biệt, bởi đã xảy ra những sự kiện và biến cố làm thay đổi cuộc đời của nhiều con người và làm rơi nước mắt của những ai đã chứng kiến. Những ai yêu Milan đã khóc khi nhìn thấy đội quân của Capello đánh bại Barcelona 4-0 trong trận chung kết trên sân Athens.
Những người Ý đã rơi lệ khi chứng kiến mái tóc đuôi ngựa của Roberto Baggio cúi xuống bất lực lúc trái bóng luân lưu từ chân anh bay vọt xà ngang Brazil. Những người yêu Brazil cũng rớt nước mắt vì chiếc Cúp vàng đầu tiên đoạt được sau 24 năm. Nhưng hai tháng trước trận chung kết ở Pasadena ấy, họ và thể thao thế giới đã sững sờ và rơi lệ vì cái chết của Ayrton Senna. Đội tuyển Brazil đã dành tặng chiến thắng ấy cho anh, cũng là một người hùng của họ. Từ ngày ấy, đã đau đáu trong tôi một câu hỏi, tại sao một đất nước yêu bóng đá, mê samba và yêu cuộc sống sôi động đến thế lại thần tượng một tay đua ô tô, thần tượng hơn cả những ngôi sao bóng đá (còn sống và đã chết của họ), kiểu như Argentina đã thần tượng vua tango Carlos Gardel hay bà Evita Peron?
Tôi biết về cái chết của anh mấy ngày sau đó qua một bài báo trên tờ Thể thao & Văn hóa. Ngày ấy không có internet, thế giới vừa thoát chiến tranh Lạnh và một trật tự mới đang thành hình, những tin tức đến với chúng ta phải qua nhiều ngày mới tới. Tôi không được xem anh đua xe trên tivi, vì tivi không chiếu đua Công thức 1. Và tôi yêu anh qua sự tưởng tượng ở những câu chữ của từng bài báo, về mối quan hệ đầy trắc trở của anh với đồng nghiệp và đồng đội Alain Prost, về những câu anh đã nói về đua xe, về cuộc đời và số phận. Nhưng tôi yêu anh theo cách ấy, và sốc khi anh ra đi không một lời từ biệt.
Một thanh niên mới ra đời luôn cần một thần tượng theo cách nào đó để mình hướng tới và mở chân trời ra với thế giới. Tôi yêu Ayrton Senna như đã yêu Marco Van Basten, và sau này, Roberto Baggio. Yêu một người hơn những người khác vì anh đã chết, sau khi là tấm gương lớn cho sự phấn đấu không ngừng để chiến thắng. Yêu một cầu thủ Hà Lan vì anh là hiện thân của sự hoàn hảo, nhưng cuối cùng đã chia tay sân cỏ khi đang ở độ chín của sự nghiệp vì chấn thương. Yêu cầu thủ có mái tóc đuôi ngựa vì anh là hiện thân của thất bại, nhưng cũng là một nhân cách lớn, một con người tuyệt vời.
“Về nhì nghĩa là đứng đầu trong số những kẻ thất bại”
Cái chết của Senna đã để lại một nỗi đau lớn trong người Brazil hơn bất cứ cái chết nào khác. Hàng triệu người đã đổ ra đường trong nước mắt để đón quan tài anh chuyển từ Ý về trên một chuyến bay đặc biệt. Brazil dành 3 ngày để quốc tang anh. Juca Kfouri, một trong những nhà bình luận thể thao nổi tiếng nhất Brazil, viết, “anh ấy là người mà tất cả nhân dân Brazil muốn xem những ngày Chủ nhật, ở những chặng đua Công thức 1, khi anh ấy phất lá cờ Brazil. Họ tự hào khi nhìn thấy hình ảnh đất nước trên thế giới trong thời buổi Brazil khủng hoảng chính trị.
Anh ấy là biểu tượng của Brazil. Cái chết của Senna đã tác động mạnh mẽ lên nhận thức của tất cả. Cú sốc đối với cả quốc gia còn lớn hơn nữa, khi tất cả đều được chứng kiến cái chết ấy trực tiếp trên tivi”. Tai nạn ấy xảy ra ngày 1/5/1994 ở đường đua Imola (San Marino), khi xe của Senna đâm vào hàng rào. Một cái chết trực tiếp trên tivi.
Ayrton Senna, chứ không phải đội tuyển bóng đá Brazil, mới là người làm trỗi dậy tinh thần Brazil trong con mắt thế giới. Những năm 1980, 1990 ấy, khi Senna chinh phục ba chức vô địch thế giới và thu hút hàng triệu người hâm mộ qua truyền hình, đội tuyển Brazil trắng tay trên các mặt trận và nền kinh tế, chính trị Brazil chìm trong khủng hoảng nghiêm trọng. Không ngạc nhiên khi anh chết, Brazil rơi vào cú sốc lớn lao đến thế, bởi anh là hiện thân của hy vọng, của những niềm vui ít ỏi mà cuộc đời đem lại, đặc biệt là với những người nghèo khổ của đất nước này. Hàng loạt ngôi trường, con đường, garage và cửa hàng được đặt tên Ayrton Senna để tôn vinh anh.
Con đường cao tốc chạy từ Sao Paolo đến sân bay thành phố cũng mang tên anh. Ở Rio de Janeiro, một trong những con đường ở ngoại ô được đổi tên thành Ayrton Senna. Cả một thế hệ người Brazil lớn lên với những hình ảnh và câu nói của anh đã trở thành huyền thoại, vì anh là tấm gương của một người Brazil hiện đại và đầy nghị lực. Trong quá khứ, hình ảnh tiêu biểu của những người hùng Brazil là ranh mãnh và láu cá. Senna không như thế. Anh luôn khẳng định, chiến thắng chỉ có được nhờ sự trung thực và siêng năng. Anh luôn nhắc đi nhắc lại câu nói, “về nhì là đứng đầu trong số những kẻ thất bại”, và “tôi không có thần tượng, tôi say mê công việc, sự cống hiến và bản lĩnh”. Bao đứa trẻ Brazil đã lớn lên với hình tượng về người hùng của chúng theo cách ấy. Tôi cũng đã bước ra cuộc đời với những hình ảnh và câu nói của anh.
…Tôi đặt hoa trên mộ anh vào một chiều tháng 7 đầy nắng ở Sao Paulo. Nghĩa trang Morumbi như một công viên trên thiên đường. Những bia mộ không dựng lên, mà nằm trên bãi cỏ chạy dài suốt một khu đất rộng, như nhìn lên trời. 20 năm sau ngày đặt ra câu hỏi về việc tại sao người Brazil mê bóng đá và samba lại thần thánh hóa một tay đua Công thức 1, tôi rơi nước mắt vì đã có câu trả lời. 20 năm ấy, tôi chỉ có một câu hỏi đeo đuổi đằng đẵng trong những chặnng đời và những chuyến đi, và luôn mang theo mơ ước đến viếng mộ anh để tìm câu trả lời.
Cuộc sống và cái chết đối với con người ấy luôn có một ý nghĩa nào đó, không chỉ với chính anh mà còn tất cả. Một ngày anh nói, “nếu như có một tai nạn nào đó cướp đi đời tôi, tôi mong nó chỉ xảy ra trong một tích tắc”. Tích tắc ấy đã đến, cướp anh khỏi thế gian và để lại trong tôi một huyền thoại bất tử.
Ở nghĩa trang Morumbi, chim hót trên cây, mây bay trên trời, gió vẫn thổi vi vu trên những hàng cây, nắng nhảy nhót bên những nhành hoa tím. Cuộc sống đang sôi động ngoài kia. Chỉ có anh là ra đi mãi mãi…
Mãi bất tử trong lòng tất cả Fernando Yamanishi, một người Brazil gốc Nhật vẫn nhớ như in cảm giác anh đã có 20 năm trước, khi biết Ayrton Senna đã qua đời: “Tôi xem vòng đua Imola trực tiếp qua tivi. Cả nước Brazil có lẽ cũng thế. Tất cả đều sốc và chết lặng trước cảnh chiếc xe mà Senna lái đâm vào hàng rào. Tiếng của cú đâm rất lớn. Đến bây giờ, sau 20 năm, tôi vẫn còn như nghe thấy tiếng đâm của chiếc xe ấy. Tôi òa khóc. Mọi người cũng thế. Sao Paolo yêu anh. Người Brazil cũng yêu anh. Anh ấy là một người đặc biệt, rất đặc biệt và có lẽ sẽ không thể có một người thứ hai như anh nữa”. Tôi bắt gặp Yamanishi đứng trước ngôi mộ giản dị của Senna, xúc động nhìn xuống tấm ảnh và khóc. Những cảnh tương tự như thế đã được ông Nogueira, một công nhân chăm sóc nghĩa trang Morumbi, chứng kiến biết bao lần trong 20 năm qua, kể từ ngày thi hài của anh được đưa đến đây. Mộ của anh luôn có hoa, những lẵng hoa giản dị như chính con người anh, như cách anh đã sống và thi đấu. Khi còn sống, Ayrton Senna đã tặng rất nhiều tiền cho các quỹ phúc lợi, các tổ chức từ thiện cho trẻ em nghèo mà không nói một lời. Sau khi anh mất, người ta mới biết điều ấy và hình ảnh thần tượng về anh, một người hết mình phấn đấu trong sự nghiệp, nhưng có một trái tim nhân hậu đối với người nghèo, càng trở nên lớn lên, bất tử. Senna đã trở thành thần tượng của người Brazil không chỉ về mặt thể thao, mà còn là một biểu tượng của văn hóa đại chúng, thể hiện ước mơ chiến thắng của họ, thắng một cách sạch sẽ và chân chính. Đấy chính là điều khiến anh được yêu mến hơn cả những huyền thoại bóng đá ở đất nước rộng lớn. Trước khi chết ít lâu, Senna có nói với chị gái Viviane là anh muốn làm nhiều điều có ý nghĩa cho trẻ em Brazil. Đấy là một suy nghĩ hoàn toàn thiết thực, bởi 20 năm trước, Brazil vẫn nghèo, hàng chục triệu người đang sống trong cảnh đói nghèo. Chị Viviane đã lập nên Viện Ayrton Senna vài tháng trước khi anh qua đời và cho đến nay, sau hai thập kỉ, Quỹ đã vươn tới hàng chục triệu trẻ em Brazil. Một trong những dự án quan trọng mà Quỹ thực hiện mang tên “Tăng tốc Brazil”, được áp dụng ở nhiều bang của Brazil nhằm giúp trẻ em xóa mù chữ, cung cấp các cơ hội tiếp cận thể thao. Guilherme Moreira, người bảo vệ ở nghĩa trang Morumbi nói với tôi, rằng khi Senna mất, con trai ông mới 4 tuổi, và thằng bé cũng được hưởng phúc lợi từ Quỹ này. Xúc động nhớ lại về Senna, Guilherme nói: “Anh ấy là một người tốt, rất tốt. Tiếc thay, những người tốt luôn ra đi quá sớm. Anh ấy là thần tượng của tôi và cả các con tôi nữa”. |
Trương Anh Ngọc
(Phóng viên TTXVN, từ Sao Bernardo do Campo)