Góc Anh Ngọc: Tái thiết Thiên Thanh bắt đầu từ Buffon
Những ai đã từng tham dự buổi họp báo ở Ngôi nhà Thiên thanh tại Iserlohn, Đức, sau khi Italy thua Thuỵ Sĩ trong trận đấu của họ ở vòng 1/8 EURO 2024 có thể nhớ sự tương phản giữa hai nhân vật có mặt hôm đó trước công luận.
Trong khi HLV Luciano Spalletti, trong lần cuối cùng đối thoại với báo chí ở đó trước khi đội tuyển về nước trong thất vọng và cay đắng thì ra sức biện hộ cho thất bại của Italy bằng những câu nói như "Tôi làm gì đã có đến 20 trận cầm quân như những HLV đi trước đâu" thì Gigi Buffon, trưởng đoàn của đội tuyển, ngồi im không nói gì, mặt nhợt nhạt và đầy thất vọng. Anh, người đã trải qua quá nhiều thăng trầm trong sự nghiệp khoác áo Italy, từng thi đấu dưới tuyết lạnh Moskva, từng chìm trong thất bại cay đắng cùng đội tuyển ở World Cup 2002 và EURO 2004, đã lên đỉnh vinh quang ở Đức những đêm Hè 2006, và rồi xuống đáy sâu lần nữa với việc không thể đến World Cup 2018, không biết phải nói gì nữa. Trước mắt anh và hàng biết bao nhiêu triệu tifosi là một thảm hoạ, một đội tuyển Italy nhợt nhạt, yếu đuổi, không bản sắc, không lối chơi, không thủ lĩnh, một con số 0 tròn trĩnh.
Sự bất lực của người thủ môn huyền thoại của bóng đá Ý là hoàn toàn hiểu được. Trong vai trò của một người trưởng đoàn, anh không có nhiều quyền lực. Anh chỉ là một người mang ý nghĩa biểu tượng của đội bóng, một nhân vật có tiếng tăm có trách nhiệm động viên tinh thần cho các cầu thủ trẻ, sâu sắc gần gũi với họ như một "linh mục" làm nhiệm vụ về mặt tinh thần cho họ trước khi ra trận. Việc còn lại của anh, trước công chúng, như cây bút nổi tiếng Luigi Garlando viết một cách thật phũ phàng, là "kí lưu niệm và chụp ảnh selfie cùng các cổ động viên". Chính vì thế mà khi EURO kết thúc quá sớm với đội Ý, lúc ấy đã trở thành nhà cựu vô địch, "trải nghiệm quan chức" của Buffon cũng kết thúc, không phải vì LĐBĐ Italy (FIGC) đề nghị anh thôi chức, mà vì anh muốn thế. Anh không còn muốn chỉ làm gương mặt trang bìa cho đội tuyển.
Chính vì thế, một sự thay đổi sẽ phải diễn ra trong nội bộ Thiên thanh, hướng đến những chiến dịch lớn sau EURO 2024, bắt đầu từ tháng 9 này, với Nations League 2024/2025 và xa hơn, là mục tiêu phải vượt qua vòng loại World Cup 2026. Tuần trước, một cuộc họp đã diễn ra ở trại tập Coverciano, với sự tham gia của Chủ tịch FIGC Gabrielle Gravina, HLV Spalletti, chuyên viên điều phối bóng đá trẻ của FIGC Maurizio Viscidi và Buffon. Kết luận của cuộc họp: Từ tháng 9 này, Buffon sẽ là Giám đốc thể thao (GĐTT) của đội tuyển Ý, trở thành người gần gũi với sân cỏ hơn, khi đóng vai trò kết nối giữa đội tuyển với các CLB và các cầu thủ.
Buffon đã tốt nghiệp khoá đào tạo GĐTT hồi đầu năm nay và rất mong được chung tay với Spalletti nhằm tạo ra một đội tuyển theo cấu trúc kiểu CLB. Nhưng người trong vai trò này không phải là một Giám đốc kĩ thuật (GĐKT), người sẽ tiếp tục dự án kĩ thuật của đội tuyển, trực tiếp làm việc với các đội tuyển lứa U để đưa người vào đội tuyển, kể cả khi HLV trưởng có thay đổi. Ông ta không phải là đối thủ của HLV, không đưa ra đội hình xuất phát, mà là một người hỗ trợ cho HLV trong nhiều vấn đề liên quan đến các cầu thủ. Thành công của đội tuyển Tây Ban Nha ở EURO 2024 không chỉ do HLV Luis de la Fuente đem đến mà còn cả nhờ người đứng ở phía sau, Francis Hernandez. Ở đội tuyển Đức, cựu tiền đạo Rudi Voeller đã làm rất tốt vai trò này và thỉnh thoảng còn trở thành người phát ngôn cho đội tuyển. Trước ông có cựu tiền đạo Oliver Bierhoff, người luôn sát cánh cùng HLV Joachim Low.
Đội tuyển Ý hiện không có một người như thế, không giống như các đội tuyển thành công hiện nay và Buffon không phải là người như vậy, vì vai trò của GĐTT lớn hơn, bao trùm hơn. Gravina đã từng đề xuất cựu HLV huyền thoại Marcello Lippi là GĐKT cho Roberto Mancini trước EURO 2020, nhưng bị từ chối. Spalletti cũng cho rằng vị trí này không cần thiết. Nhưng một cuộc tranh luận đang nổ ra về việc liệu đội tuyển Ý đã có một GĐTT là Buffon, có cần thêm một GĐKT, chẳng hạn như Viscidi, để thành công hay không?
Cuộc tái thiết đội tuyển Ý ở thượng tầng đang diễn ra, và hy vọng nó không phải là sự nửa vời do tình thế đòi hỏi.