Góc Anh Ngọc: Niềm hy vọng lớn lao ở bên kia đại dương
Khi Mateo Retegui được Roberto Mancini đưa vào đội tuyển Ý cho các trận đầu tiên của vòng loại EURO 2024, không ít người hâm mộ đội Thiên thanh, trong đó có chính tôi, thốt lên, "Cậu ta là ai nhỉ?".
1. Đương nhiên, trong cái thế giới hiện đại mà chỉ cần vài cú click chuột là thông tin về một ai đó có thể hiện ra đầy đủ và chi tiết trong tích tắc, chúng ta hoàn toàn có thể biết cậu ấy là ai. Nhưng vào ngày mà Italy chiến đấu với Anh ở sân Diego Armando Maradona, người ta vẫn phải viết về cậu, với một cái họ chẳng hề Ý như Maradona. Đơn giản bởi đó là họ bố cậu, một cái họ Tây Ban Nha, trong khi chàng trai 23 tuổi này chỉ có nửa dòng máu Ý qua mẹ cậu, cháu của một người Italy di cư sang Argentina hơn một thế kỷ trước. Khi nhật báo Gazzetta dello Sport dành hẳn 2 trang đầu để ca ngợi cậu, gọi Retegui là "Hoàng tử Thiên thanh". Đó là một hành động quá hào phóng của tờ báo thể thao lớn nhất nước Ý, với một cầu thủ mấy tháng trước còn không ai biết đến ở Italy, chưa từng chơi một phút nào cho đội tuyển Thiên thanh và cũng mới chỉ bắt đầu học tiếng Ý từ tháng Ba, khi cậu biết chắc mình sẽ được triệu tập vào đội tuyển bóng đá của quê ông ngoại.
Nhưng cũng không ngạc nhiên nếu Mancini nói riêng và người Ý nói chung giờ đây phải đặt niềm tin vào những người chưa từng được thử thách ở cấp độ đội tuyển như Retegui, hay thậm chí Simone Pafundi, mới 17 tuổi và lưng vốn chỉ có 9 phút ra sân mùa này ở Serie A với Udinese. Họ chỉ có thể biết hy vọng vào những tài năng ấy và chờ được Mancini biến thành những viên ngọc quý giá thực sự, trong hoàn cảnh Serie A hiện tại tràn ngập các tiền đạo nước ngoài và đội tuyển Ý đang khủng hoảng chân sút do chấn thương của Ciro Immobile. Có thể tin tưởng rằng, Retegui, cao to lực lưỡng (cao 1m86, nặng 86 kg), sẽ là một Vieri, Toni hay thậm chí là Batistuta mới như dư luận Italy đang kỳ vọng không? Liệu cầu thủ trưởng thành ở Boca và River Plate và đang đá khá thành công ở Tigre của giải vô địch Argentina này có thể thích hợp với những sơ đồ 4-3-3 hay 3-5-2 thử nghiệm của Mancini không?
2. Mọi câu trả lời đang được bỏ ngỏ, nhưng Mancini, người đã đưa về từ Đức một chân sút có tên Vincenzo Grifo, đã kéo từ Thụy Sĩ một Wilfried Gnonto, tức là những người bị bóng đá Ý ruồng bỏ đến mức phải ra nước ngoài thi đấu, có lẽ có công thức để giúp Retegui thành công. Nhưng rõ ràng, ngay cả khi phải triệu tập Retegui vì những lí do nội tại về nhân sự của đội tuyển thì điều này cũng nằm trong một lộ trình quan trọng nhằm trẻ hóa Thiên thanh của Mancini. Hơn 600 ngày đã trôi qua kể từ trận chung kết EURO 2020 ở Wembley cùng với một thảm bại sau đó khi không được dự World Cup 2022, Italy đã thay đổi toàn diện, trong khi vẫn chờ sự trở lại của Leonardo Spinazzola và Federico Chiesa. Có một thực tế đáng lo ngại vẫn đang diễn ra: Chất lượng đội hình hiện tại của Italy được cho là tiếp tục xuống, thấp hơn so với giai đoạn vinh quang EURO 2020. Việc Italy có tới 6 đại diện vào đến vòng tứ kết 3 Cúp châu Âu, nhiều nhất trong các quốc gia dự giải, không nói lên sự thịnh vượng của cả nền bóng đá theo hướng cung cấp nhân tài cho đội tuyển. Và việc Mancini gọi điện vượt Đại Tây Dương sang tận Argentina để mời Retegui khoác áo Thiên thanh chỉ là một chi tiết mới của việc ông và các cộng sự đã và đang cào xới khắp thế giới để săn tìm các tài năng có dòng máu Ý (dù ít hay nhiều) để làm giàu chất lượng cho đội tuyển.
Nhưng đó cũng là canh bạc. Đã từng có những oriundi (cầu thủ Nam Mỹ nhập tịch) tài ba như Raimundo Orsi hay Omar Sivori, nhưng trong những năm qua là vô số những oriundi thất bại, như mới nhất là Joao Pedro, được đưa vào sân ở phút 90 trong trận thua Bắc Macedonia giờ này năm ngoái và Italy thua, bị loại. Từ đó đến giờ, anh không trở lại. Hay như Amauri, có mặt trên sân chưa đầy 60 phút trong trận giao hữu với Bờ Biển Ngà, và sau đó cũng mất hút luôn. Giờ đây là canh bạc lớn mang tên Mateo Retegui…