Góc Anh Ngọc: 10 năm, ngày Roberto Baggio rời xa sân cỏ
Anh chạy một vòng quanh sân, cánh tay đặt lên trái tim và ánh mắt anh nói lên tất cả: có một điều gì đó kìm nén, chịu đựng, đau buồn nhưng lại như được giải thoát. Hôm ấy là 16/5/2004, Baggio chơi trận cuối cùng trong một sự nghiệp dài và đầy trắc trở.
10 năm đã trôi qua kể từ ngày ánh mắt ngước lên những khán đài để chia tay tất cả ấy, 20 năm kể từ lúc mái đầu có tóc đuôi ngựa gục xuống sau cú luân lưu ở Pasadena, khiến Italy thất bại trước Brazil ở chung kết World Cup 94, Roberto Baggio vẫn là cái tên được biết bao tifosi nhắc đến. Với sự tiếc nuối, lòng biết ơn, sự ngưỡng mộ, như một cầu thủ lớn đã đi qua đời họ và để lại những vị đắng ngắt của thất bại, nhưng sau đấy là nghị lực để đứng dậy và làm lại tất cả, như một tấm gương lớn trong cuộc sống mà gia đình là tất cả, như một hình mẫu về sự khiêm tốn và chung thủy.
Sự nghiệp của Baggio trải qua nhiều những giây phút thế này.
Những bộ đĩa DVD về sự nghiệp của anh bán rất chạy và phải in lại nhiều lần, bởi những người yêu bóng đá Ý muốn sưu tập những hình ảnh ấy như là kỉ vật. Những lần hiếm hoi anh xuất hiện trong các sự kiện liên quan đến thể thao và văn hóa luôn đầy chật những người hô tên anh và xin anh chữ kí. Bài hát dành tặng anh mang tên “Alla mia età” của Tiziano Ferro thậm chí trở thành một hit ăn khách ở Ý mấy năm trước. Trong clip ấy, nhân vật chính đã đá hỏng một quả luân lưu quyết định, đã chìm vào những cơn trầm cảm và bị chỉ trích, để rồi cuối cùng vượt lên tất cả, để trở lại với sân cỏ, và với đời. Tiziano Ferro hát: “Bây giờ tôi hỏi anh là anh sẽ làm gì/Khi không ai đến cứu anh/Chúc mừng cuộc đời của một nhà vô địch/Bị sỉ nhục do sai lầm trên chấm phạt đền”.
Ở một đất nước mà người ta thích thần tượng những ngôi sao còn đang thi đấu, dán ảnh của những Totti hay Insigne lên những bức tường, những cánh cửa xe ô tô, những cửa kính cửa hàng, Roberto Baggio và những ngôi sao quá khứ đã rời đi như một cơn gió sau mỗi mùa bóng ở đâu trong họ? Tôi không thấy ở nơi nào có ảnh Baggio, cả ở những thành phố nhỏ gần nơi anh đã sinh ra, ngoại ô thành phố Vicenza, miền Bắc Italy. Tôi hỏi một tifoso trung niên của thủ đô điều ấy trong một lần đi uống cà phê.
Baggio sau cú sút phạt đền hỏng ăn ở chung kết World Cup 1994.
Ông không nói, lặng lẽ móc ví, rút ra một tấm ảnh cũ đã hơi bị sờn và tróc màu. Tấm ảnh chụp lúc Baggio cúi đầu trước chấm 11 mét, cái cúi đầu của một người dường như còn chưa hiểu tại sao mình lại sút trượt. Thủ thành Brazil Taffarel, ở gần người chụp ảnh và hơi bị mờ đi, đang giơ hai tay ăn mừng chiến thắng. Trái bóng đã được đá đi vài giây trước đó. Nó bay vọt xà ngang, trượt khung thành nhưng lại đi vào lịch sử. Một cú penalty định mệnh từ một cơn bĩ cực ghê người đã theo đuổi Italy đến những cái chết trên chấm phạt đền.
Người đàn ông bảo, ông và nhiều người ở thế hệ ông thần tượng Roberto Baggio một phần vì anh là kẻ thất bại. “Tôi cũng thất bại và mỗi lần không vui, không thành công, tôi lại nghĩ đến tấm gương của anh để có thêm nghị lực. Nhưng nhiều người trong số chúng tôi cũng luôn mong anh ấy sẽ có một kết thúc có hậu. Một danh hiệu nào đó ở cấp CLB hoặc đội tuyển quốc gia. Những danh hiệu đó chẳng bao giờ tới. Bây giờ, tôi nghĩ, kết thúc có hậu nhất chính là việc anh ấy luôn sống trong tim chúng tôi”. Luigi Garlando, một cây bút nổi tiếng của nhật báo thể thao số 1 nước Ý “Gazzetta dello Sport” có lần viết rằng, hình tượng Roberto Baggio trở nên lung linh và mang tính huyền thoại bởi vì anh thất bại. Có lẽ thế, thất bại trên khía cạnh danh hiệu, thất bại khi phải rời Juventus lúc mà đội này đã tìm thấy người thay thế anh (Del Piero) và từ đó anh không thành công với những CLB lớn nữa; thất bại, vì một tên tuổi lớn như anh lại chỉ phải hài lòng với những sân khấu nhỏ của các đội bóng trung bình và hướng đến mục tiêu cao nhất là trụ hạng, như Bologna và Brescia. Nhưng những danh hiệu không thể làm nên một con người, và kẻ thất bại ấy trở nên vĩ đại, bởi vì anh không chiến thắng. Như trên chấm phạt đền ở sân Pasadena một ngày đỏ lửa năm 1994.
Baggio sút phạt, khi còn chơi cho Fiorentina.
Sau quả penalty ấy là 10 anh lưu lạc ở Milan, Bologna, Inter và cuối cùng đóng lại tất cả ở Brescia, một câu chuyện cổ tích thực sự được viết ra bằng những bàn thắng ở mọi tư thế và cự li, cùng những lần trụ hạng. Những năm ấy cũng là những năm tháng mà anh hồi sinh, những lần trì hoãn giải nghệ khi cảm thấy những chấn thương đã đi suốt cả đời anh đột nhiên không hành hạ anh nữa, những lần mẹ Matilde của anh ôm anh vào lòng mỗi khi anh lái xe về nhà vào ngày sau trận đấu và hỏi anh thích ăn gì để mẹ nấu, những bài báo ca ngợi anh và biết bao lời kêu gọi của các tifosi đòi hỏi các HLV đội Thiên thanh mở cửa đón anh trở lại. World Cup 98 là lần cuối cùng chúng ta thấy anh có mặt trong một giải đấu lớn, giải đấu mà nhiều người đã kì vọng là thảm đỏ để Del Piero bước ra thế giới. Sau đó, không còn ai thấy anh nữa. Zoff không cần anh. Trapattoni không cần anh. EURO 2000 và World Cup 2002, anh không có mặt. Cả một chiến dịch truyền thông đòi đưa anh trở lại. Thế rồi, anh trở lại, một lần duy nhất, lần cuối cùng, trong một trận giao hữu với Tây Ban Nha vào tháng 2-2004.
Ba tháng và hai cuộc chia tay, với đội tuyển quốc gia và với bóng đá, là những lần cuối cùng người ta thấy anh trên sân cỏ. Những cuộc phỏng vấn ít ỏi được thực hiện, những tuyên bố hiếm hoi trên báo, và sau đó, không còn gì nữa. Anh ở ẩn trong trang trại của mình ở gần Vicenza, tự tay lái máy xúc để làm hồ nước, tự tay trát vữa và gạch để xây nhà, và trong một lần “chiếu cố” trả lời trên báo chí, anh bảo, bây giờ anh đang hạnh phúc với những điều trước kia rất ít khi được hưởng: những cuộc đi chơi với gia đình, những lần dạy con học hoặc tự tay lái xe chở con đến trường, những lần cùng vợ đi thăm bố mẹ và anh em. Anh bảo, “cả đời tôi là thi đấu, với liên tục khách sạn và sân tập, đến cả lần vợ tôi đẻ con tôi cũng không có mặt. Bây giờ, tôi đã có những điều ấy để bù vào những năm tháng trước kia tôi không thể có được”. Anh biến mất giữa cuộc đời như thế, cứ như thể anh không hề tồn tại.
Anh cứ chìm vào cuộc sống ấy, vui thú với nó, để rồi bỗng nhiên có lúc trong anh trỗi dậy nỗi khao khát quay trở lại với sân cỏ. Anh hăm hở nhận lời của Liên đoàn bóng đá Italy (FIGC) về việc trở thành một điều phối viên quan trọng của công tác đào tạo trẻ của họ, để rồi cuối cùng nhận ra anh vẫn luôn là một người đi lạc đội hình, hệt như trước kia anh đã từng khiến các HLV quá cứng nhắc về chiến thuật khó xử khi luôn lo ngại xếp anh vào đội hình sẽ làm hỏng những tính toán của họ. Anh không hợp thời cuộc cả trong chính trị lẫn trong bóng đá. Và thế là anh rút lui. Những người mong đợi anh sẽ làm được một điều gì đó cho bóng đá nước nhà cảm thấy thất vọng. Tôi thì không thế. Tôi không mong anh trở thành một quan chức, một HLV. Sự ích kỉ trong tôi đã thắng thế. Tôi chỉ muốn anh mãi là Roberto Baggio đã đá hỏng quả penalty định mệnh vào tháng 7-1994 ấy. Lịch sử không thể viết lại được. Thời gian không thể đi ngược lại được để sửa chữa sai lầm. Một quảng cáo của hãng rượu Johnny Walker còn dựng lại cả cảnh Baggio đá lại phạt đền và sút chính xác giúp Italia vô địch thế giới. Những điều ấy mãi mãi là viễn tưởng.
Baggio trong màu áo Milan, gặp lại đội bóng cũ Juventus.
Bởi phải có những con người thất bại, những loạt đấu súng trên chấm phạt đền khiến bao nước mắt đã đổ mới có được một World Cup phi thường của năm 2006. Nước Ý của những nghệ sĩ, những thiên tài, những cầu thủ đẹp trai lẽ ra phải làm diễn viên hoặc người mẫu đã luôn thất bại trong bóng đá, sau khi viết nên bao nhiêu bi kịch. Nhưng nước Ý khắc khổ đặt lối chơi phòng ngự chắc chắn lên hàng đầu, với những con người bặm trợn như Gattuso, với những chiếc áo đấu lúc nào cũng ướt đẫm mồ hôi đã đoạt Cúp vàng. Cuộc đời này xét ra là một hệ thống những triết lí về sự bù trừ. Không điều gì xảy ra lại không có ý nghĩa. Không có sự mất đi nào lại không được đền bù theo một cách nào đó. Thế hệ thất bại của Roberto Baggio mãi ghi dấu ấn trong tim của những người hâm mộ theo cái cách họ đã dệt nên những giấc mơ, gục ngã, đứng dậy và sau đó trở thành những biểu tượng của một thời bóng đá lãng mạn đã qua không trở lại. Và những người từ thời đại ấy cứ rơi rụng dần qua mỗi mùa bóng. Mùa này, Zanetti treo giày. Giờ chỉ còn lại mỗi Totti.
10 năm đã qua kể từ ngày Baggio rời sân cỏ. Nỗi nhớ dành cho anh và những người thuộc thế hệ anh vẫn nhức nhối, kể cả khi Italy đã đoạt chức vô địch thế giới 2 năm sau ngày anh treo giày. Nhớ và tiếc, bởi người ta vẫn tin là Chúa bất công đối với anh trên sân cỏ, dù vẫn biết là cái đẹp hoàn hảo và chiến thắng hoàn hảo trong bóng đá không tồn tại. 10 năm nữa, cũng ngày này, calcio sẽ ra sao? Người ta sẽ vẫn nhớ anh và những người hùng thời của anh một cách cháy bỏng, khi calcio thất bại và không còn ai có thể thổi bùng lên trong họ sự đam mê lớn lao như anh đã từng đem đến cho họ, hay người ta sẽ quên anh, khi calcio leo lên một đỉnh cao mới?
Trương Anh Ngọc (Phóng viên TTXVN tại Italy, từ Rome)