Giữa quyền và hạn là 'Vòng eo 56'
(Thethaovanhoa.vn) - Quyền ở đây là quyền được tự bỏ tiền làm phim, quyền được lan tỏa bộ phim ấy và cả quyền từ chối xem cái bộ phim đang nổi đình nổi đám (ít nhất là trên mặt báo). Còn hạn là giới hạn của những chuẩn mực của nghệ thuật thời thương mại hóa.
- Phim 'Vòng eo 56': Ngọc Trinh chưa học hết lớp 9, và hơn thế nữa
- Người mẫu Ngọc Trinh: Không có gì phải che giấu trong 'Vòng eo 56'
Rõ ràng, Ngọc Trinh có quyền làm phim về cuộc đời mình, và cô may mắn có dư tài chính để thuê đạo diễn và ê-kíp giỏi làm điều đó.
Nhà phát hành càng thấy đây là một tình huống, một cơ hội nóng bỏng nên tận dụng tối đa khả năng truyền thông, quảng bá để bán vé càng nhiều càng tốt. Nếu dừng lại tại đây thì cả hai động thái vừa nêu đều đúng quy luật thị trường và đúng luật, nên chẳng có gì đáng bàn.
Thế nhưng, giới quan sát vẫn băn khoăn là liệu có hay không có những tác động dây chuyền từ bộ phim này. Ví dụ như nhiều bộ phim dạng này sẽ xuất hiện trong thời gian tới đây thì diện mạo phim ảnh có bị ảnh hưởng gì không? Nếu các đài truyền hình cũng tổ chức phát sóng rộng rãi những phim như thế này thì nó sẽ ảnh hưởng thế nào đến cái nhìn của trẻ em về cuộc đời?
Hai câu hỏi như vừa nêu được quy nạp từ thái độ, hành vi mà nhiều người đã viết ra, chủ yếu trên các diễn đàn và các trang cá nhân. Theo dõi các bình luận, các tranh cãi có thể thấy việc nhiều người chưa hề xem phim nhưng cũng thích có ý kiến, đôi khi nói như biết rồi kà có thật.
Đầu tiên là nói phim này tô hồng, cổ tích hóa cuộc đời Ngọc Trinh, trong khi thực chất phim không hề kết thúc có hậu. Ngọc Trinh ít học, sinh ra trong một gia đình rất nghèo, có tình yêu thương nhưng chẳng hề được giáo dục và chuẩn bị kĩ năng sống.
Cô bỏ quê lên Sài Gòn cũng chỉ nghĩ đơn giản là kiếm tiền, nhưng chẳng kiếm được, khi gần tuyệt vọng thì xuất hiện một đại gia, họ có tình yêu với nhau, nhưng cuối cùng Ngọc Trinh lại phát hiện anh này đang có vợ có con.
Khi yêu nhau thì người ta tặng quà cho nhau, đại gia yêu Ngọc Trinh quá giàu nên việc tặng xe tặng nhà quá đơn giản. Đại gia đó cũng chẳng phải hoàng tử trong truyện cổ, vì bản thân có nhiều tật xấu, thích vung tiền để có mỹ nhân, nhưng lại mua Ngọc Trinh không được, cảm mến mà yêu. Phim kết thúc ở “ngã ba đường”, nơi nhân vật chính chẳng hề nhận thấy hạnh phúc hoặc tương lai rõ ràng của mình.
Kế đến, có vẻ như nhiều người mong đợi phim này phải dở, nơi Ngọc Trinh sẽ diễn xuất ngây ngô, “não phẳng” như các phát ngôn trước đây của cô. Trong khi phim thì có vẻ ngược lại, Ngọc Trinh diễn xuất không hề tệ, chuyện phim có cảm xúc và gởi gắm được nhiều cách nhìn về cuộc đời, vốn không công bằng, nhưng vẫn còn đó những may mắn và phép màu.
Mọi người đều có quyền làm phim, thậm chí làm phim dở. Ngọc Trinh may mắn hơn nhiều người - ví dụ Lê Kiều Như khi công bố Sợi xích, hoặc Bà Tưng khi công bố Lạc giữa thanh xuân (do Khôi Nguyên Thảo chấp bút) - vì tác phẩm của cô không hề ngây ngô, không hề dở. Nhưng tại sao Ngọc Trinh bị phản ứng mạnh mẽ hơn, có vẻ do cô nổi tiếng hơn, do cái nghề người mẫu nội y, hoặc do cô may mắn hơn?
Trong một xã hội mà việc kiếm tiền vốn không hề dễ dàng, việc Ngọc Trinh “một tuần lên mây” (trong phim là 8 ngày yêu đại gia) làm nhiều người thấy bất bình, thấy khinh miệt. Phim cho thấy khía cạnh yêu rồi được đại gia tặng nhà, tặng xe khác với việc đi làm gái lấy tiền về mua nhà mua xe.
“Nhiều người bất mãn vì sao Ngọc Trinh may mắn như vậy, trong khi vô vàn người khác thì không. Rõ ràng trong phim tôi cũng nói về các trường hợp không may mắn đó thôi, 4 chị em Ngọc Trinh lên Sài Gòn chỉ có Trinh đổi đời, 3 người kia bầm dập. Rồi đồng nghiệp của Trinh nữa, nhiều người không thoát được cám dỗ phải đi làm gái, còn bị chết thảm đó thôi. Trong phim tôi không hề nói đồng tiền là may mắn, vậy mà nhiều khán giả cứ nghĩ Ngọc Trinh có tiền là có được may mắn, hạnh phúc. Ngọc Trinh trong phim, và có lẽ ngoài đời nữa, vẫn còn đang đi tìm may mắn, hạnh phúc cho mình”, Vũ Ngọc Đãng nói.
Còn khi được hỏi nếu một ngày nào đó có đến 4-5 phim như Vòng eo 56 ra rạp, như vậy có bình thường không? Vũ Ngọc Đãng trả lời: “Đương nhiên là không bình thường rồi, vì chẳng khi nào các nhà phát hành lại muốn dồn dập như vậy. Ngay các tuần phim tự truyện kiểu chuyên đề còn khó khi diễn ra, do khan hiếm phim, nên việc một năm có 4-5 phim giống như Vòng eo 56 ra rạp sẽ là viễn tưởng tại Việt Nam. Đây là người ta còn cố tình lờ đi khoảng mấy chục phim nội và gần 200 phim ngoại ra rạp trong một năm, khán giả luôn có chọn lựa phong phú để cân bằng. Đó là nói nếu khi Vòng eo 56 nhảm nhí, xấu xa trong khi phim này không hề như vậy”.
Vừa chia sẻ, vừa có cái nhìn khác, đạo diễn Trần Thăng Long viết: “Bình thường, người thích phim tình cảm sẽ đi xem phim tình cảm. Người thích phim siêu anh hùng sẽ đi xem phim siêu anh hùng. Người thích phim nghệ thuật nhân văn, thích hài, thích kinh dị... sẽ mua vé coi phim đúng thể loại mình thích. Nhưng Vòng eo 56 thì người ta chẳng cần quan tâm đến phim này hài không, xúc động không, người ta đi xem, ùn ùn chỉ cần một lý do: Ngọc Trinh. Người ta coi cái con nhỏ từng tuyên ngôn “không tiền cạp đất mà ăn” kể chuyện đời mình sao, đóng phim thế nào”.
Cho nên, ở trên chúng ta nói đến quyền của người làm phim, thì cũng không thể quên quyền của khán giả. Họ hoàn toàn có quyền chọn cách tiếp cận và cách diễn dịch một tác phẩm theo hướng riêng của mình.
Nếu những ai coi đây như một sự thỏa mãn thêm nữa những gì họ đã thấy nhan nhan mỗi ngày về Ngọc Trinh (cả hình lẫn chuyện) trên các tờ báo điện tử mà vẫn chưa đủ, đi xem là quyền của họ.
Nhưng nếu những ai coi Vòng eo 56 là bằng chứng của phim thị trường, của cái việc chấp nhận làm hẳn một bộ phim để nói với thiên hạ rằng cô kia không làm gái là cho thấy mặt trái và sự sa sút của điện ảnh Việt thì cũng khó có thể phản bác.
Và có lẽ cũng tốt khi có ai cho rằng bộ phim ấy là một dạng 18+ của đạo đức, cần phải cảnh báo và giới hạn thành phần đi xem để không noi gương Trinh.
Văn Bảy
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần