Giữ lửa cho V-League
(Thethaovanhoa.vn) - Tuần này, bóng lăn trở lại ở sàn diễn V-League. Rất nhiều trông đợi và cả những câu hỏi đặt ra. Thế độc tôn của CLB Hà Nội ở mùa bóng trước có bị phá vỡ. CLB TP.HCM có phất cờ không khi điều kiện đã đến tay?
Bầu Đệ tái xuất, bóng đá xứ Thanh hừng hực trở lại lâu không? Hay có đội nào xung phong đua vô địch cho xôm tụ. Nhà tài trợ của giải đấu là một hãng đồ uống được quảng bá là làm người ta tỉnh ngủ.
Bây giờ khi trở về màu áo CLB sau thành công từ King’s Cup, các cầu thủ có giữ được hưng phấn, để tiếp tục những khởi sắc hay không?
V-League 2019 phải chờ đến những vòng đấu gần đây mới bắt đầu có chất và vị trở lại. Đó là thời điểm Hà Nội thua trận đầu tiên trước Thanh Hóa. Trận đấu đó cũng đánh dấu ngày quay lại bóng đá của ông Nguyễn Văn Đệ.
thanh-hoa-phut-87
Sự trở lại của bầu Đệ trên cương vị người cầm lái giúp bóng đá xứ Thanh như lột xác. Họ thắng liền 2 trận, leo lên giữa bảng xếp hạng. Ngoài ra, những khán đài xứ Thanh vốn vắng bóng khán giả, nay đông đảo trở lại.
Bầu Đệ, trong ngày tìm lại niềm vui từ bóng đá, đã cho sửa câu slogan giăng trên sân Thanh Hóa. Từ câu: “Tài sản lớn nhất của CLB là khán giả” thành “Tài sản lớn nhất của CLB là người hâm mộ”. Rất đơn giản nhưng cũng thể hiện tâm ý sâu xa của bầu Đệ. Đó là câu chuyện về màu cờ sắc áo và thương hiệu địa phương còn âm ỉ và chờ thời cơ để ngùn ngụt cháy ở bóng đá xứ Thanh.
Còn nhớ, cuối năm 2018, lúc V-League vinh dự nhận được giải thưởng Giải đấu phát triển tốt nhất châu Á, phần thưởng được trông đợi như cú hích quan trọng để các nhà tổ chức hướng đến V-League ổn định và chất lượng hơn, ông Trần Anh Tú - Chủ tịch VPF, đã trải lòng: "Ước mơ lớn nhất của tôi trong năm 2019 là cố gắng làm sao khán đài của các sân vận động được lấp đầy khán giả, chất lượng các giải đấu, sân bãi được nâng cao”. Và đó không chỉ là tâm tư của mỗi mình ông Tú.
Vẫn thấy có những nghịch lý của bóng đá quốc nội. Ở đó, ĐTQG luôn khát khao để chiến thắng. Ngược lại, không mấy đội mặn mà với ngôi vương V-League. Thậm chí, có rất nhiều CLB chỉ quan tâm đến việc trụ hạng.
Có khi không nghịch lý lại không phải bóng đá Việt Nam. Cũng dễ hiểu khi câu chuyện lấy bóng đá nuôi bóng đá đối với các CLB V-League lúc này vẫn là chưa thể.
Rất khó mong họ phải đầu tư để vô địch, rồi để đi đá sân chơi khu vực. Nói thể, để thấy, khi quay về sân chơi trong nước, vẫn tồn tại những bất cập, không phải dễ khắc phục một sớm một chiều.
Để thay đổi một nếp nghĩ, một thói quen đã ăn sâu vào tiềm thức như thế, chẳng hề giản đơn. Nếu không có được những đột phá cùng bước tự chuyển mình trơn tru, rất khó mong chờ thành công từ cấp CLB, để tiếp tục làm nền cho ĐTQG, đương nhiên cũng để cho thành tích của CLB ngày càng tương xứng với cấp độ đội tuyển.
Nhìn lại hành trình đã đi của bóng đá nước nhà trong gần 2 năm qua đủ đầy những cảm xúc, đủ đầy dư vị. Nhưng mọi thứ không hẳn tự nhiên mà có và lứa cầu thủ hôm nay cũng không phải “lúa trời” sẵn gặt.
Từ sân chơi V- League, hãy biết cảm ơn những ông bầu, những lò đào tạo trẻ, đã có cách làm, biết làm và dám làm. Thành công đến không phải tự nhiên. Đó là lộ trình bài bản, khoa học và chuyên nghiệp hẳn hoi.
Ông Park và học trò đã biết cách đem lại niềm vui. Phần còn lại lúc này, không chỉ là V-League kích cầu và lan tỏa niềm vui đó. Tất cả những bộ phận liên quan cần biết làm gì để phát huy và giữ lửa khát khao cho bóng đá Việt.
Trần Tuấn