Giới thiệu những sách cổ, quý, từ các triều vua Nguyễn
Ngày 20/4, tại lầu Tàng Thơ (thành phố Huế, Thừa Thiên - Huế), Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam 2022.
Mở đầu là hoạt động trưng bày triển lãm với chủ đề “Quốc Sử Quán triều Nguyễn với việc biên soạn chính sử - kết nối dòng chảy nghiên cứu, bảo tồn, phát huy giá trị Di sản văn hóa Huế”
Triển lãm là một trong chuỗi các hoạt động hưởng ứng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam, có ý nghĩa đặc biệt, kết nối dòng chảy quá khứ; góp phần tôn vinh các giá trị lịch sử và khẳng định vai trò, vị trí, tầm quan trọng của văn hóa đọc, giá trị của sách trong đời sống xã hội, ý thức và sự phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng.
Đây cũng là dịp để Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế giới thiệu đến độc giả những sách cổ, quý được lưu giữ, bảo quản công phu từ các triều vua Nguyễn. Qua đó, giúp giới trẻ tiếp cận văn hóa truyền thống về vùng đất, con người Huế trong xu thế phát triển hiện đại.
Triển lãm trưng bày hàng chục văn bản giới thiệu về quá trình hình thành, biên soạn, xuất bản, lưu trữ về các hoạt động của Quốc Sử Quán và hàng chục đầu sách viết về triều Nguyễn do Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế xuất bản. Bên cạnh hình thức trưng bày trực tiếp, triển lãm cũng được thực hiện dưới hình thức online qua địa chỉ https://storage.net-fs.com/hosting/6985669/38/ nhằm thuận tiện cho các độc giả, du khách thưởng lãm từ xa.
Ông Hoàng Việt Trung, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cho biết, Quốc Sử Quán được thành lập vào năm 1820 dưới thời vua Minh Mạng nhằm biên soạn, lưu trữ và in ấn sách.
- Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam 2022: Chấn hưng văn hóa và phát triển văn hóa đọc
- Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam 2022 có chủ đề 'Chấn hưng văn hóa và phát triển văn hóa đọc'
Đây là cơ quan biên soạn lịch sử lớn, chặt chẽ và thành công nhất trong nền sử học phong kiến Việt Nam. Suốt 125 năm (1820-1945), Quốc Sử Quán là nơi đã để lại khối lượng tư liệu đồ sộ và một số lượng lớn công trình lịch sử - địa lý quy mô. Nhờ đó, các nhà nghiên cứu có sử liệu để nghiên cứu về các hoạt động của đất nước trên mọi lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội của Việt Nam từ thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX.
Bạn Hứa Ngọc Bảo Châu (học sinh lớp 11A8, Trường Trung học Phổ thông Nguyễn Huệ, thành phố Huế) chia sẻ: Em thấy vui và hạnh phúc khi tham gia ngày hội đọc sách hôm nay. Em hy vọng thông qua chương trình sẽ quảng bá văn hóa đọc sách đến các bạn trẻ cũng như mong muốn tìm hiểu thêm về lịch sử Việt Nam.
Cùng quan điểm, bạn Nguyễn Hoàng Minh Thảo (học sinh Trường Trung học phổ thông Nguyễn Huệ) cũng cho rằng, việc trực tiếp đọc, tham quan, tìm hiểu các tư liệu sách tại triển lãm không chỉ góp phần kích thích lòng ham muốn học hỏi của em và các bạn về lịch sử, văn hóa, truyền thống của quê hương, mà còn có giá trị rất lớn đối với các bạn trẻ để thêm tự hào về quê hương, đất nước.
Tại đây, các học sinh Trường Trung học Phổ thông Nguyễn Huệ cũng đã tôn vinh sách, văn hóa đọc qua Hội thi “Chia sẻ cuốn sách hay”.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên- Huế Nguyễn Thanh Bình cho hay, là địa phương lưu trữ kho tàng sách, kiến thức đồ sộ, thời gian qua tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động giới thiệu, tuyên truyền và ra mắt sách. Đồng thời, các cấp chính quyền, nhà nghiên cứu, nhà văn hóa của tỉnh đã nỗ lực duy trì, phát huy giá trị sách và kiến thức để phát triển giá trị văn hóa vùng đất Cố đô.
Nhân dịp này, nhiều học giả, nhà nghiên cứu đã trao tặng Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế một số cuốn sách, đầu sách quý về lịch sử, văn hóa Huế dưới triều Nguyễn.
Mai Trang/TTXVN