Giới nhà giàu chi tiền mua 'biển chữ xe' thể hiện cá tính, tranh nhau 1 con số phát tài với giá 'khủng'
Đi bộ trên đường phố Hồng Kông (Trung Quốc), bạn dễ dàng tìm thấy rất nhiều chiếc xe ô tô mang biển số đầy “phù phiếm”.
Jamie Lloyd, tay săn biển số nghiệp dư, cũng vậy: “Tôi thích nhất là 'BATMAN' trên chiếc Rolls-Royce”.
Jamie Lloyd là người Anh, xem Hồng Kông là quê hương trong 50 năm liền, cho biết thêm: “'BIMBO' trên chiếc Lamborghini cũng rất thú vị!".
Biển số cá nhân hóa được bán đấu giá bởi Bộ Giao thông vận tải của chính phủ - là ngành kinh doanh lớn.
Năm 2021, biển số “W” đã phá kỷ lục khi được bán đấu giá với giá 26 triệu đô la Hồng Kông (hơn 82,1 tỷ đồng). Danh tính của chủ sở hữu không được tiết lộ nhưng biển số đắt giá này được gắn trên chiếc Lamborghini màu đen.
Con số này đã vượt qua kỷ lục trước đó được lập vào năm 2016 bởi một người bỏ ra 18,1 triệu đô la Hồng Kông (hơn 57,1 tỷ đồng) để mua số “28”. Một năm sau, một chủ xe khác đã trả 13 triệu đô la Hồng Kông (hơn 41 tỷ đồng) cho chữ “V”.
Biển số xe chứa số “8” trong văn hóa Trung Quốc thể hiện sự may mắn và phát tài vì hiện tượng hài âm.
“Số 8, con số thần thánh, được bán vào năm 1988 với giá tương đối thấp là 5 triệu đô la Hồng Kông (hơn 15,7 tỷ đồng)”, Lloyd nói.
Ông cho biết thêm, biển số siêu may mắn 8888 được bán với giá 154.000 đô la Hồng Kông (hơn 486 triệu đồng) vào năm 1974, hiện tại con số này đã tăng đến 20 triệu đô la Hồng Kông (hơn 63,1 tỷ đồng).
Con số 18 được bán với giá 16,5 triệu đô la Hồng Kông (hơn 52,1 tỷ đồng) vào năm 2008. Trong khi số 9 tượng trưng cho sự trường tồn và vĩnh cửu, được bán với giá 13 triệu đô la Hồng Kông (hơn 41 tỷ đồng).
Trong khi số 13 được quan niệm là con số không may mắn ở phương Tây, nhưng nó đứng thứ chín trong bảng danh sách các biển số đắt nhất Hồng Kông, được bán với giá 7,4 triệu đô la Hồng Kông (hơn 23,3 tỷ đồng) vào năm 2010.
Lloyd chia sẻ rất nhiều kiến thức về biển số xe trên j3tourshongkong - trang website chứa dữ liệu trong vòng 30 năm.
“Tính đến ngày 14/11/2022, tôi đã ghi lại 3.859 biển số xe đã được bán với giá 100.000 đô la Hồng Kông trở lên”, Lloyd cho biết, trong đó có đến 103 tấm biển đạt giá trị hơn 1 triệu đô la Hồng Kông.
Lloyd cho biết địa vị và quyền khoe khoang là động cơ đằng sau việc sở hữu những tấm biển số xe độc lạ và đắt tiền.
“Việc bỏ 3 triệu đô la Mỹ vào một tấm biển để thông báo với thế giới rằng bạn có tiền và quyền. Đó là một thông điệp rất rõ ràng”, Lloyd nói.
“Tỷ phú Hồng Kông Cecil Chao có ba chiếc mà tôi biết: hai chiếc Rolls-Royces, một chiếc mang biển số '4', chiếc còn lại mang ký tự 'CECIL' và một chiếc Bentley mang biển 'CHAO'”, Lloyd nói.
“Một sự thật ít được biết đến là số tiền trả cho biển số xe tại các cuộc đấu giá sẽ được dùng làm từ thiện và có lẽ là khoản khấu trừ thuế, điều này giải thích tại sao ai đó có thể trả 26 triệu đô la Hồng Kông cho một biển số”, Lloyd nói.
Michele Salati, người Ý, đã bị mê muội bởi những tấm biển xe kể từ khi đến Hồng Kông 7 năm trước.
“Tấm biển đầu tiên tôi yêu thích là 'OK LA'”, Michele Salati. Ký tự này phiên âm cải thân phổ biến ở Hồng Kông, chính là cách viết cường điệu của từ OK.
“'MEATBALL' và 'HKHAPPY' cũng rất hay ho", Michele nói thêm.
Để giới thiệu nhiều biển số được cá nhân hóa của Hồng Kông, Salati đã lập nên trang website HKVANIT1ES kết nối Hồng Kông với các nghệ thuật gia quốc tế.
Michele Salati - giám đốc sáng tạo đến từ Paris của dự án HKVANIT1ES cho biết: “Tôi bắt đầu xem mỗi tấm biển như một dòng thơ chạy qua các con phố. Chúng chuyển động giống như thơ ca, khiến tôi có ý ng hĩ sáng tác và làm thơ”.
Michele Salati nói, mỗi tấm biển là một lời khẳng định về địa vị, sự giàu có, hài hước, tham vọng và tín ngưỡng.
“Hồng Kông không ngừng thay đổi. Đó có thể là hy vọng, tự hào, không sợ hãi, vui vẻ, điên rồ... Thật hợp lý khi một thành phố kích thích thị giác sử dụng những tấm biển để thay mặt người sở hữu chiếc xe khẳng định thân phận của mình”, Salati nói.
Về phần Lloyd, anh không thấy nhu cầu về biển xe đắt đỏ của người Hồng Kông giảm đi.
Lloyd dự đoán doanh số bán hàng đạt kỷ lục vào năm tới: “Các cuộc giao dịch lớn thường diễn ra vào dịp Tết Nguyên đán. Nhu cầu của nhiều người bị kìm nén vì ba phiên đấu giá năm mới trong 3 năm qua đã bị hủy do dịch bệnh Covid-19. Tôi nghĩ mốc 30 triệu đô la Hồng Kông sẽ dễ dàng bị phá vỡ”.