Giới chuyên môn nói gì về giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội?
(Thethaovanhoa.vn) - Nhà báo Hồ Quang Lợi, Nhà sử học Dương Trung Quốc, Nhà thơ Bằng Việt, Nhà văn Trần Chiến chia sẻ trong buổi lễ trao giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội 2015.
Nhà báo Hồ Quang Lợi: Giải thưởng ngày càng có tiếng vang
Là Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội, đồng thời là thành viên Hội đồng giám khảo, sát cánh cùng Giải thưởng, nhà báo Hồ Quang Lợi chia sẻ: “Tôi đánh giá cao Giải Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội sau 7 năm tổ chức thành công, không chỉ có tiếng vang đến nhiều tầng lớp của nhân dân Thủ đô, đồng bào cả nước mà còn có sự ảnh hưởng quốc tế, thể hiện ở các giải thưởng tôn vinh các tác giả quốc tế bằng những cống hiến, việc làm hết sức có ý nghĩa của họ.
Năm nay, các tác giả được tôn vinh đều hết sức xứng đáng. Từ Giải thưởng Lớn đến giải Việc làm, giải Ý tưởng và Giải Tác phẩm. Với những đề cử phong phú và rất chất lượng, hội đồng giám khảo đã phải làm việc rất nghiêm túc để chọn ra những người xứng đáng.
Có thể nói, bất cứ giải thưởng nào tôi đều ấn tượng, từ Giải thưởng Lớn dành cho nhà nghiên cứu Giang Quân - ông được mệnh danh là “từ điển sống” của Hà Nội với 70 năm cầm bút thật đáng ngưỡng mộ. Đặc biệt, những công trình, tác phẩm của ông không phải xếp trong tủ sách như tài liệu nghiên cứu, mà được phổ cập xã hội nên có tác dụng thiết thực. Nhờ đó, văn hóa Hà Nội, tinh thần Hà Nội, tình cảm Hà Nội cũng sẽ được lan tỏa.
Ở giải Tác phẩm, tôi nghĩ có một người nước ngoài mà yêu và cảm nhận về Hà Nội như tác giả Michael Waibel thì cũng đáng để chúng ta phải suy nghĩ.
Ngoài ra là ý tưởng phục dựng không gian Điện Kính Thiên tại Hoàng Thành Thăng Long. Vì đây là công trình dạng phế tích, nằm ở dưới lòng đất, cho nên ngày nay, chúng ta khá mơ hồ khi nhắc đến địa danh này.
Vì thế, nếu nếu phục dựng lại được, dù bằng 3D, bằng trí tưởng tượng và các tư liệu, sẽ vẫn là tuyệt vời. Tôi nghĩ đây là ý tưởng khả thi, nếu làm được sẽ góp phần giúp chúng ta hiểu thêm giá trị lịch sử của Điện Kính Thiên cũng như Hoàng Thành Thăng Long.
Với sự lựa chọn và tôn vinh tại giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội năm 2015, tôi tin sự ảnh hưởng của giải thưởng sẽ có sức lan tỏa mạnh mẽ hơn và tiếp tục khích lệ, thúc đẩy, cổ vũ các hành động, việc làm tốt đẹp của người Hà Nội, người Việt Nam và bạn bè quốc tế dành cho Hà Nội.
Trên tình thần đó, tôi tin tưởng và hết sức lạc quan: giải thưởng sẽ ngày càng có tiếng vang và đóng góp thiết thực vào việc phát triển Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại”.
Nhà sử học Dương Trung Quốc: Hà Nội hôm nay rất cần những giải Bùi Xuân Phái
Có một sự trùng hợp thú vị: giải Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội được bắt đầu tổ chức vào năm 2008. Đó cũng là thời điểm Hà Nội có sự thay đổi lớn về địa giới hành chính, khi sáp nhập thêm cả một vùng xứ Đoài rộng lớn vào diện tích của mình.
8 năm tồn tại của giải cũng là 8 năm mà Hà Nội phải đối diện với nhiều vấn đề lớn từ sự thay đổi ấy. Không chỉ là chuyện bảo tồn, gìn giữ những nét "Hà Nội cũ" từ ngàn năm, bản thân nhu cầu gìn giữ, tôn vinh những đặc thù văn hóa độc đáo của xứ Đoài cũng là một thách thức với chúng ta. Chưa kể, trong dòng chảy của cuộc sống hiện đại, Hà Nội phải chọn lọc và xác lập một vị trí hợp lý cho những giá trị văn hóa mới để bổ sung vào những gì vốn có của mình.
Trong giai đoạn đặc biệt ấy, để có được những đóng góp tương xứng với một Hà Nội của không gian mới, tình yêu với mảnh đất này là điều đầu tiên dẫn dắt suy nghĩ, hành động tự thân ở mỗi cá nhân trong cộng đồng. Và tôi tin, để có được những lựa chọn của mình, Hội đồng giám khảo của giải thưởng đã phải rất vất vả. Bởi, dù mọi thay đổi xảy ra, trong nhịp sống mỗi ngày vẫn có không biết bao người luôn bày tỏ tình cảm với Hà Nội qua ngòi bút, ống kính, nét vẽ... hoặc những ý tưởng nhiệt thành của mình.
Là nơi góp mặt của nhiều con người từ nhiều phương trời, là nơi có bề dày văn hóa tích tụ đủ để cảm hóa con người, làm con người nhập thân vào nó và đóng góp cho nó, Hà Nội rất cần giải thưởng mang tên Bùi Xuân Phái, như nó đã tồn tại trong suốt những năm qua.
Nhà thơ Bằng Việt, Chủ tịch HĐGK: Ghi nhận những gì suýt bị lãng quên
Giải Bùi Xuân Phái có 4 hạng mục khác nhau: Giải thưởng Lớn, giải Ý tưởng, Việc làm và giải Tác phẩm. Mỗi hạng mục đều phản ánh một khía cạnh khác nhau của giải, thể hiện sự đa dạng của giải và đưa ra những lựa chọn ở nhiều lĩnh vực trong đời sống.
Qua các mùa giải, giải Bùi Xuân Phái luôn cố gắng đổi mới về các lĩnh vực, loại hình nghệ thuật, điều kiện hoạt động để đảm bảo sự phong phú, đa dạng.
Năm nay, Giải thưởng lớn trao cho nhà nghiên cứu văn hóa Giang Quân. Năm ngoái, giải này thuộc về nhà nghiên cứu Hán Nôm Vũ Tuân Sán. Còn trước nữa, giải được trao cho nghệ sĩ guitar Văn Vượng...
Một điều đặc biệt của giải Bùi Xuân Phái là tìm ra những gương mặt mà các giải thưởng khác thường lãng quên. Năm 2012, khi đến nhận Giải thưởng Lớn, nghệ sĩ Văn Vượng đã phát biểu gần như khóc rằng: suốt đời ông đã đóng góp bao nhiêu tác phẩm, đi biểu diễn khắp nơi và dành cho Hà Nội và công chúng Hà Nội một tình yêu lớn nhưng chưa hề được ghi nhận cho đến giải thưởng Bùi Xuân Phái.
Nhà văn Trần Chiến (Giải Tác phẩm): Muốn viết tiếp về người trẻ ở Hà Nội
Lúc lên phát biểu nhận giải, tôi quyết định nói ngắn thôi vì phía dưới toàn là những gương mặt thân thương, nói lời cảm ơn quá dài và khách sáo. Thế nên tôi chọn những lời giản dị nhưng lại rất quan trọng với bản thân tôi.
Trước đây, tôi làm ở báo Hà Nội Mới nhưng có những điều tôi chọn viết trên Thể thao & Văn hóa, chẳng hạn như việc cơ cấu dân cư của Hà Nội đang bị tan ra. Trong bài phát biểu, tôi đề cập đến việc bản thân không phải là người gốc Hà Nội. Bây giờ, khó có thể coi ai là người gốc Hà Nội. Khái niệm gốc Hà Nội lại thuộc về những người sống ở ngoại thành, ngày xưa là xã, huyện, vẫn còn lưu giữ gia phả, thiết chế, giáp phe trong làng. Còn người ở phố bây giờ ít người gốc Hà Nội lắm.
Sau nhiều cuốn sách về Hà Nội, hiện tôi chưa bắt tay vào viết tác phẩm mới nào. Nhưng ý tưởng viết về Hà Nội trong tôi thì luôn nhiều. Tôi muốn viết về lớp người trẻ, nhưng lại không hiểu lắm về họ. Tôi cần “nạp” thêm bằng cách đọc, sống và giao tiếp với họ. Hoặc bằng cách chơi Facebook chẳng hạn.
Nhóm Phóng viên
Thể thao & Văn hóa