Giờ Trái đất 2022: Vì một Trái đất xanh
(Thethaovanhoa.vn) - Tối nay 26/3/2022, 63 tỉnh, thành phố của Việt Nam sẽ hưởng ứng Chiến dịch Giờ Trái đất bằng hành động biểu trưng tắt đèn và giảm thiểu sử dụng các thiết bị điện trong một giờ.
Đây là hành động thiết thực góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng về tiết kiệm năng lượng, chống lại biến đổi khí hậu, thúc đẩy sử dụng năng lượng sạch, tái tạo, vì một Trái đất xanh.
Giờ Trái đất - sự kiện xã hội có ý nghĩa sâu sắc
Giờ Trái đất (Earth hour) là một sự kiện quốc tế hằng năm, do Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên (World Wildlife Fund) khởi xướng từ năm 2007 và được thực hiện lần đầu tiên tại Sydney - Australia cũng vào năm này, nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng về biến đổi khí hậu và tiết kiệm năng lượng trên toàn thế giới. Chiến dịch vận động các hộ gia đình và các cơ sở kinh doanh tắt đèn điện và các thiết bị điện không ảnh hưởng đến sinh hoạt trong trong vòng 60 phút, từ 20 giờ 30 đến 21 giờ 30 (giờ địa phương) ngày thứ 7 cuối cùng của tháng 3 hằng năm.
Đến nay, Giờ Trái đất đã trở thành một hành động có quy mô lớn nhất thế giới, quy tụ hàng tỷ người tại hơn 180 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, cùng nhau tắt đèn để thể hiện sự quyết tâm ngăn chặn biến đổi khí hậu và suy thoái môi trường thiên nhiên.
Tại Việt Nam, Giờ Trái đất lần đầu tiên được tổ chức vào năm 2009, tại 6 tỉnh, thành phố (Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Huế, Hội An, Nha Trang và Cần Thơ) với khoảng trên 3.000 người tham gia. Đây là một trong những hành động của Chính phủ và người dân Việt Nam thể hiện cam kết giảm 8% lượng phát thải khí nhà kính đến năm 2030, chung tay cùng thế giới trong cuộc chiến ứng phó biến đổi khí hậu.
Từ năm 2013, toàn bộ 63 tỉnh/thành phố trên cả nước đã đồng loạt tổ chức hoạt động hưởng ứng Giờ Trái đất.
Năm 2022 là năm thứ 13 Việt Nam tham gia chiến dịch Giờ trái đất. Với thông điệp "Shape our Future" – "Kiến tạo tương lai" WWF sẽ thực hiện các hoạt động của chiến dịch Giờ trái đất tại Việt Nam theo hướng đổi mới, sáng tạo, thiết thực hơn nhằm mang lại hiệu quả tuyên truyền cao, rộng rãi.
Năm nay do ảnh hưởng của dịch COVID-19, Giờ trái đất 2022 được tổ chức theo hình thức hoàn toàn mới, sáng tạo, ứng dụng công nghệ 4.0 trong công tác truyền thông cũng như tổ chức các hoạt động trong chiến dịch Giờ Trái đất. Thay vì tổ chức các sự kiện lớn, tập trung đông người như trước đây, sự kiện Giờ Trái đất 2022 tại các địa phương hầu như được dự kiến tổ chức dưới hình thức trực tuyến.
Để hưởng ứng Giờ Trái đất 2022, Trung tâm truyền thông Tài nguyên và Môi trường tổ chức Triển lãm trực tuyến thực tế ảo (Công nghệ VR360). Nội dung chính của triển lãm được chia thành các chủ đề về biến đổi khí hậu cũng như những thông tin môi trường, thông tin về Giờ Trái đất 2022.
Nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước đã tích cực hưởng ứng chiến dịch này. Trên cổng thông tin điện tử của nhiều tỉnh, thành phố đã đưa tin về sự kiện Giờ Trái đất 2022. Hoạt động này mang lại ý nghĩa to lớn, không chỉ giúp nâng cao ý thức của cộng đồng về hoạt động bảo vệ môi trường mà còn mang đến những tác động tích cực đối với thiên nhiên.
Không chỉ góp phần tiết kiệm một phần sản lượng điện tiêu thụ, chiến dịch Giờ Trái đất 2022 sẽ góp phần nâng cao ý thức sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả của người dân, nhằm mục tiêu phát trỉển kinh tế-xã hội bền vững, bảo vệ môi trường và chủ động ứng phó với hiện tượng biến đổi khí hậu toàn cầu.
Chiến dịch Giờ Trái đất qua các năm
- Chiến dịch Giờ Trái đất năm 2009: Việt Nam lần đầu tiên tham gia chiến dịch toàn cầu
- Giờ Trái đất với 6 thành phố bao gồm: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Huế, Hội An, Nha Trang và Cần Thơ cùng với hàng nghìn doanh nghiệp, tổ chức, cơ quan và cá nhân.
Giờ Trái đất năm 2009, Việt Nam tiết kiệm được 140.000 KWh.
- Chiến dịch Giờ Trái đất năm 2010 ghi nhận sự lớn mạnh của Giờ Trái đất tại Việt Nam và trên toàn thế giới. 20 tỉnh, thành phố của Việt Nam, với khẩu hiệu “Hành động nhỏ cho thay đổi lớn” đã cùng với hàng nghìn thành phố tại 126 quốc gia và vùng lãnh thổ đã cùng nhau tắt những ngọn đèn và thiết bị điện không sử dụng trong một giờ để gửi thông điệp mạnh mẽ rằng: chúng ta cần phải cùng nhau hành động trong cuộc chiến chống lại biến đổi khí hậu. Đêm sự kiện được tổ chức tại TP Hồ Chí Minh.
Giờ Trái đất năm 2010, Việt Nam tiết kiệm được 500.000 KWh.
- Chiến dịch Giờ Trái đất năm 2011 có chủ đề "Tắt đèn 60 phút, hành động 365 ngày vì biến đổi khí hậu", nhằm mục đích kêu gọi tiết kiệm điện quanh năm. Đêm sự kiện được tổ chức tại thành phố Huế. Thành công chính của Chiến dịch chính là sự tham gia của 30 tỉnh, thành phố với gần một trăm tổ chức thanh niên tình nguyện trên toàn quốc…
Giờ Trái đất năm 2011, Việt Nam tiết kiệm được 400.000 KWh.
- Chiến dịch Giờ Trái đất năm 2012 do Bộ Công Thương tổ chức, với chủ đề “Tôi và bạn hãy cùng hành động”. Chiến dịch được phát động trên toàn quốc, với 63 tỉnh, thành phố tham gia. Hàng nghìn doanh nghiệp, tổ chức và hàng triệu cá nhân trên toàn quốc đã hưởng ứng lời kêu gọi của Chiến dịch và có những cam kết hành động cụ thể vì môi trường.
Giờ Trái đất năm 2012 giúp Việt Nam tiết kiệm lên tới 546.000 KWh.
- Chiến dịch Giờ Trái đất năm 2013 có chủ đề "Tôi và bạn hãy cùng hành động", nhằm tạo chuyển biến lớn trong hành động tiết kiệm năng lượng và chống biến đổi khí hậu toàn cầu. Sau 4 năm hưởng ứng, có thể khẳng định Chiến dịch Giờ Trái đất là chiến dịch môi trường lớn nhất và có sức thu hút nhất lực lượng tình nguyện viên tham gia tại Việt Nam. Đến năm 2013, con số này đã lên tới hơn 1 triệu tình nguyện viên trên cả nước.
Giờ Trái đất năm 2013, Việt Nam tiết kiệm được 401.000 KWh.
- Chiến dịch Giờ Trái đất năm 2014 có chủ đề “Hãy hành động để Trái đất thêm xanh”, nhằm kêu gọi người dân cùng chung tay góp phần giảm nhẹ phát thải khí nhà kính gây biến đổi khí hậu. Hàng loạt các hoạt động hưởng ứng như: treo băng rôn, diễu hành bằng xe đạp, tổ chức giao lưu với học sinh, sinh viên tại các trường học, vẽ tranh tập thể với chủ đề tiết kiệm năng lượng, chống biến đổi khí hậu… đã diễn ra tại các thành phố lớn và nhiều địa phương trên cả nước.
Giờ Trái đất năm 2014, Việt Nam tiết kiệm được 431.000 KWh.
- Chiến dịch Giờ Trái đất năm 2015 diễn ra trên phạm vi cả nước, đặc biệt sôi động tại Hà Nội, Đà Nẵng, Cần Thơ và TP Hồ Chí Minh, với chủ đề “Tiết kiệm năng lượng-ứng phó biến đối khí hậu”.
Giờ Trái đất năm 2015, Việt Nam tiết kiệm được 520.000 KWh.
- Chiến dịch Giờ Trái đất năm 2016, với chủ đề "Hành động nhỏ, ý nghĩa lớn", được tổ chức với hàng loạt các hoạt động hấp dẫn như: gian hàng các sản phẩm xanh, khu chụp hình 60+, các trò chơi tập thể vui nhộn, các tiết mục văn nghệ đặc sắc và giao lưu với các đại sứ... ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước.
Giờ Trái đất năm 2016, Việt Nam tiết kiệm được 451.000 kWh.
- Giờ Trái đất năm 2017 được tổ chức với thông điệp “Tắt đèn bật tương lai”, tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và 60 tỉnh, thành phố. Đây là năm thứ 9 chiến dịch Giờ Trái đất được tổ chức tại Việt Nam, là năm thứ hai trong lộ trình ba năm “Thách thức-vượt qua-thay đổi” hướng đến kỷ niệm 10 năm Giờ Trái đất tại Việt Nam vào năm 2018.
Giờ Trái đất năm 2017, Việt Nam tiết kiệm được 451.000 kWh.
- Chiến dịch Giờ Trái đất năm 2018, với chủ đề “Hôm nay tôi sống xanh hơn” (Go More Green), kêu gọi cộng đồng cùng chung tay hành động để tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường, hướng tới một xã hội phát triển xanh và bền vững. Hàng loạt hoạt động hưởng ứng đã diễn ra trong suốt tháng ba tại khắp các tỉnh, thành phố trong cả nước, đặc biệt tại các thành phố lớn, như: Hà Nội, Đà Nẵng, Cần Thơ và TP Hồ Chí Minh.
Giờ Trái đất năm 2018, Việt Nam tiết kiệm được 485.000 kWh.
- Chiến dịch Giờ Trái đất năm 2019 được tổ chức với khẩu hiệu "Tiết kiệm năng lượng, bảo vệ Trái đất", tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và 60 tỉnh, thành phố trên cả nước.
Giờ Trái đất năm 2019, Việt Nam tiết kiệm được 492.000 kWh.
- Giờ Trái đất 2021: Tạo sự lan tỏa trong cộng đồng
- Hưởng ứng Giờ Trái đất năm 2020: Tắt các thiết bị điện không cần thiết
- Hà Nội và nhiều tỉnh, thành phố tắt đèn hưởng ứng Giờ Trái Đất 2018
- Chiến dịch Giờ Trái đất năm 2020 chuyển trọng tâm từ "Biến đổi khí hậu" sang "Mất đa dạng sinh học", qua đó kêu gọi các chính phủ, tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân hành động, nhằm đảo ngược những tác động tiêu cực đối với đa dạng sinh học. Giờ Trái đất năm 2020 đánh dấu một khoảnh khắc của sự đoàn kết toàn cầu, khi hơn 180 quốc gia và vùng lãnh thổ cùng tổ chức các sự kiện trực tuyến để đảm bảo an toàn cho những người tham gia và thể hiện tình đoàn kết với những bệnh nhân mắc COVID-19 cũng như đội ngũ nhân viên y tế đang làm việc ngày đêm để cứu người.
Từ năm 2020, Bộ Công Thương ủy quyền cho Quỹ Quốc tế về Bảo vệ thiên nhiên (WWF) tại Việt Nam là đầu mối thực hiện các hoạt động của Chiến dịch Giờ Trái đất tại Việt Nam. Bộ Công Thương và Bộ Tài nguyên và Môi trường đóng vai trò là cơ quan bảo trợ cho Chiến dịch.
Giờ Trái đất năm 2020, Việt Nam tiết kiệm được 436.000 kWh.
- Chiến dịch Giờ Trái đất năm 2021 với thông điệp “Lên tiếng vì thiên nhiên” (Speak up for Nature), tập trung vào hai chủ đề “Tiết kiệm năng lượng - Giảm phát thải khí nhà kính” và “Không còn rác nhựa trong môi trường tự nhiên”, nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng, đề cao sợi dây liên kết giữa con người và thiên nhiên, mối quan hệ tương sinh giữa các giống loài, thông qua các thông tin, hình ảnh, video-clip... trên các trang thông tin điện tử, trang mạng xã hội...
Giờ Trái đất năm 2021, Việt Nam tiết kiệm được 353.000 kWh.
Hoàng Yến/TTXVN (tổng hợp)