Giáo sư Singapore 'hiến kế' cứu Tuồng Việt
(Thethaovanhoa.vn) - Để tìm được đường sáng cho Tuồng, ngoài nỗ lực của những người đang tham gia trong lĩnh vực Tuồng, dứt khoát cần sự chung tay của toàn xã hội.
Liên hoan Tuồng cổ Tống Phước Phổ vừa khép lại ở Đà Nẵng gợi niềm hy vọng về sự phát triển của loại hình nghệ thuật tưởng rất kén khách này.
Trách nhiệm với báu vật quốc gia
Kịch Nô ở Nhật Bản có lịch sử đã hơn 800 năm, là báu vật quốc gia, dù cũng khó khăn nhưng đã sớm tìm ra lối đi. Thông điệp “Đến Nhật mà không xem Kịch Nô thì như chưa đến nước Nhật”, cũng chính là cách mà người dân Nhật bảo vệ, quảng bá di sản văn hóa của họ.
Tương tự là Kinh Kịch của Trung Quốc. Hầu hết những du khách nước ngoài lần đầu tiên xem Kinh Kịch đều không hiểu gì. Thế nhưng, ở Trung Quốc, người ta vẫn mang Kinh Kịch vào các trường học, đưa nó trở thành một môn học chính khóa. Đó chính là cách bảo vệ những di sản văn hóa của họ.
Quay trở lại Tuồng Việt Nam, đối với nghệ thuật truyền thống, Tuồng cũng chính là một báu vật, một di sản văn hóa của dân tộc. Làm sao để mỗi người Việt Nam đều coi Tuồng là báu vật gần gũi, cần thiết phải đi xem, phải có trách nhiệm gìn giữ như cách mà thế giới đang làm với di sản của họ.
Phải biết "thương Tuồng"
Khi Tuồng đang gặp nhiều khó khăn, chúng ta thường hay đổ lỗi cho khán giả quay lưng với Tuồng. Trên thực tế có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng đau lòng của nghệ thuật Tuồng truyền thống hiện nay.
Ở Đà Nẵng thời gian qua, chính quyền địa phương cùng Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh đã liên tục “tiếp thị”, quảng bá Tuồng đến với người dân và du khách. Họ mang Tuồng ra biểu diễn miễn phí bên bờ sông Hàn thơ mộng.
GS Hoàng Chương cho rằng, đưa Tuồng giới thiệu vào học đường, và tuyên truyền trực tiếp nhiều trên các phương tiện truyền thông, nhất là truyền hình quốc gia, cũng nên làm.
Đặc biệt, các “quan phụ mẫu” thời nay cũng chưa “thương Tuồng”, thì trách gì dân còn xa rời với nghệ thuật này.
Ông kể rằng ngày xưa Bác Hồ cũng bận trăm công nghìn việc nhưng chiều tối thứ Bảy nào, Bác cũng cho mời các nghệ sĩ Tuồng, Chèo, Cải lương, Bài chòi và Dân ca Ví, Dặm… lên diễn cho Bác xem. Sau Bác thì những vị lãnh đạo như Phạm Văn Đồng, Lê Duẩn, Trường Chinh, … cũng đều yêu thích nghệ thuật Tuồng. Nhà thơ Tố Hữu là người “đắm say” Tuồng nhất.
Đúng thế, lãnh đạo các địa phương không thích xem Tuồng thì bên dưới cũng vậy, trở thành hiệu ứng dây chuyền dẫn đến khán giả cứ thưa vắng dần.
Những lời tâm tình xen lẫn trách móc nhẹ nhàng của GS Hoàng Chương thật đáng suy ngẫm. Không chỉ Tuồng, các loại hình nghệ thuật dân tộc khác vẫn cần sự quan tâm của chính quyền, sau đó mới đến khán giả.
Về lâu dài, GS Hoàng Chương khẳng định: "Muốn làm cho Tuồng sống thì không lấy tiền, không thu tiền, không cần doanh thu. Tất cả kinh phí của nhà nước đổ ra chỉ dồn vào tuyên truyền cho học sinh, cho nhân dân hiểu. Tuyên truyền tới tất cả đối tượng, chỉ cần họ hiểu thì dần dần chúng ta sẽ có một lực lượng người xem và yêu Tuồng, từ ít đến nhiều từ đó mới có một thế hệ khán giả như ngày xưa. Nếu không làm như vậy, chúng ta sẽ cứ bế tắc mãi và Tuồng không có khán giả".
5 kinh nghiệm của thế giới
Trong cuộc tọa đàm “Những kinh nghiệm gìn giữ và phát triển nghệ thuật sân khấu dân tộc” diễn ra tại Đà Nẵng tuần qua, GS-TS đạo diễn sân khấu Chua Soo Pong, thành viên của Hiệp hội Sân khấu Thế giới (ITI) đến từ Singapore, đã có những hiến kế cho Việt Nam rút ra từ bài học của nhiều nước trên thế giới.
Theo ông, điểm chung của các nước này là đều có những loại hình nghệ thuật truyền thống rất có giá trị nhưng bị mai một và từng có thời điểm không có khán giả. Đến thời điểm hiện tại những loại hình nghệ thuật đó đã lấy lại được vị thế của mình.
5 kinh nghiệm quan trọng để gìn giữ và phát triển nghệ thuật truyền thống hoàn toàn có thể áp dụng vào Việt Nam: 1. Tổ chức những chương trình đào tạo về nghệ thuật, những buổi biểu diễn, những khóa học tại các trường học; 2. Đưa học sinh đến những liên hoan quốc tế, cho họ xem những buổi biểu diễn chuyên nghiệp.
Mỗi tuần các diễn viên chuyên nghiệp đến dạy cho các em học sinh 2 lần, mỗi lần 2 tiếng, tạo cho họ những thói quen về tiếp nhận; 3. Viết thêm nhiều tác phẩm mới, đơn giản, ngắn gọn và dễ hiểu hơn; 4. Tổ chức những chương trình dành riêng cho những người trẻ tuổi biểu diễn; 5. Xuất bản những cuốn sách nói về nghệ thuật truyền thống cho trẻ em và tổ chức những cuộc tọa đàm, nói chuyện với trẻ em về nghệ thuật truyền thống.
Sau 10 ngày diễn ra, Liên hoan Tác phẩm Sân khấu của tác giả Tống Phước Phổ đã khép lại tại Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh, TP Đà Nẵng vào tối 4/10 với 19 cá nhân đoạt giải vàng, 19 cá nhân đoạt giải bạc. Vở diễn "Sao khuê trời Việt" của Nhà hát Tuồng Đào Tấn (Bình Định) được chọn là vở diễn xuất sắc nhất. |
Hoàng Yến
Thể thao & Văn hóa