Giao lưu nghệ thuật 'Chung tay xoa dịu nỗi đau da cam 2019'
(Thethaovanhoa.vn) - Tối 10/8, tại Nhà hát Quân đội, Hồ Tùng Mậu, Cầu Giấy, Hà Nội, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam tổ chức chương trình giao lưu nghệ thuật “Chung tay xoa dịu nỗi đau da cam 2019” với chủ đề “Bạn không cô đơn”.
Chương trình được tổ chức nhân kỷ niệm 58 năm thảm họa da cam ở Việt Nam (10/08/1961-10/08/2019) và Ngày Vì nạn nhân chất độc da cam (10/8). Tham dự chương trình có Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình.
Chương trình nghệ thuật gồm nhiều tiết mục đặc sắc thể hiện tình yêu quê hương; sự đồng cảm với nỗi đau của các nạn nhân da cam; khơi gợi sự chung tay của cả cộng đồng nhằm xoa dịu vết thương chiến tranh qua các ca khúc: Dòng máu Lạc Hồng, Khát vọng, Mẹ yêu con, Vì đâu em chết, Giấc mơ, Nước mắt da cam; Chiến tranh của mẹ… do các ca sĩ Đan Trường, Anh Thơ, Tấn Minh, Việt Hoàn, Hồng Trinh... thể hiện. Đan xen là những phóng sự ngắn cho thấy những mất mát, nhọc nhằn mà nạn nhân da cam phải gánh chịu; những nỗ lực của hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin các cấp nhằm chăm sóc, giúp đỡ, hỗ trợ nạn nhân da cam vượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống.
Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam Nguyễn Văn Rinh mong muốn, thông qua chương trình, đồng bào, chiến sĩ cả nước và nhân dân thế giới hiểu rõ hơn thảm họa da cam ở Việt Nam; tích cực hưởng ứng hơn nữa phong trào chung tay xoa dịu nỗi đau da cam; giúp đỡ nạn nhân cả về vật chất và tinh thần; kiên quyết đứng về phía nạn nhân chất độc da cam Việt Nam trong cuộc đấu tranh đòi công lý; tiếp thêm cho họ niềm tin chân lý, tình yêu cuộc sống và ý chí vượt khó vươn lên hòa nhập cộng đồng.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đánh giá chương trình là một hoạt động có ý nghĩa nhân văn sâu sắc để nhân dân và bạn bè quốc tế hiểu thêm về những nỗ lực của Đảng và Nhà nước trong công tác khắc phục hậu quả hóa học sau chiến tranh. Đồng thời kêu gọi các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước cùng nhau chia sẻ cho các nạn nhân chất độc da cam/dioxin để họ có thêm nhiều sự động viên về vật chất và tinh thần trong cuộc sống.
Nhiều nơi trên đất nước, chất độc hóa học vẫn còn đó, thấm sâu vào trong lòng đất và nguồn nước, đang hủy hoại môi trường, đe dọa nghiêm trọng đến sự an toàn trong đời sống của nhân dân. Không có nỗi đau nào đau hơn nỗi đau da cam. Đó là thảm họa, là nỗi đau không chỉ của nhân dân Việt Nam mà là nỗi đau chung của cả nhân loại trên thế giới, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Nhân dịp này, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình kêu gọi các tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế cùng chung sức, chung lòng, tập trung nguồn lực nhiều hơn nữa cho công tác khắc phục hậu quả chất độc sau chiến tranh ở Việt Nam; giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam vượt qua khó khăn vất vả cả về vật chất và tinh thần, tiếp tục nói lên tiếng nói của lương tri và trách nhiệm; đòi công lý cho các nạn nhân. Phó Thủ tướng đề nghị các cấp, các ngành liên quan tiếp tục nghiên cứu, rà soát hồ sơ xác định bệnh tật bị nhiễm chất độc da cam để các nạn nhân đủ điều kiện sớm được hưởng chế độ của Nhà nước. Phó Thủ tướng mong muốn Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin phát huy kết quả đã đạt được, tiếp tục triển khai nhiều giải pháp, tổ chức tốt việc vận động nguồn lực từ nhiều tổ chức, các doanh nghiệp và các nhà hảo tâm để hỗ trợ cho các nạn nhân.
Tại chương trình, Ban tổ chức đã đấu giá từ thiện 2 bức tranh và thu về 500 triệu đồng đóng góp vào Quỹ Nạn nhân chất độc da cam. Ban tổ chức cũng trao bằng vinh danh của Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin cho các cá nhân, tập thể đã có những đóng góp thiết thực trong công tác xoa dịu nỗi đau da cam.
- Gửi tin nhắn để 'Chung tay xoa dịu nỗi đau da cam 2019'
- UEFA Nations League: Cơn lốc màu Da cam Hà Lan đang trở lại
- Hà Lan 2-0 Pháp: Sự trở lại của ‘Cơn lốc màu da cam’
- Họa sĩ nổi tiếng Hàn Quốc chia sẻ với nạn nhân chất độc da cam Việt Nam
Từ năm 2004, ngày 10/8 hàng năm được lấy làm Ngày Vì nạn nhân chất độc da cam Việt Nam. Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách huy động sự tham gia của các cấp ủy đảng, chính quyền, tổ chức chính trị xã hội, kinh tế và toàn dân nhằm giải quyết hậu quả hóa học do Mỹ gây ra ở Việt Nam; từng bước giảm bớt khó khăn và chăm sóc tốt hơn cho nạn nhân chất đọc da cam. Thời gian qua công tác này đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Nước ta đã xử lý bảo đảm an toàn 160.000 mét khối đất ô nhiễm dioxin tại sân bay Đà Nẵng và đang tiếp tục xử lý ô nhiễm dioxin ở khu vực sân bay Biên Hòa và sân bay Phù Cát; thực hiện có hiệu quả chính sách trợ cấp ưu đãi đối với nhóm đối tượng người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học, hỗ trợ y tế và trợ giúp sinh kế cho nạn nhân da cam...
Minh Huệ- TTXVN