Giảng dạy Ngữ văn trong nhà trường: Nên mang tính gợi mở
(Thethaovanhoa.vn) - Thay đổi chương trình, sách giáo khoa là những vấn đề trọng tâm trong đổi mới giáo dục phổ thông ở Việt Nam hiện nay. Vì vậy, tại Hội thảo quốc tế với chủ đề "Đông Á - những vấn đề nghiên cứu và giáo dục Ngữ văn" do Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức vào đầu tháng 8/2019, nhiều đại biểu đã rất quan tâm, đề cập đến các giải pháp, phương cách khả thi để đổi mới, nâng cao chất lượng giảng dạy, nghiên cứu văn học trong nhà trường, giúp học sinh hứng thú hơn đối với môn học này.
* Phát huy sự chủ động, tích cực của học sinh
Theo Phó Giáo sư Bùi Mạnh Hùng, Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh: Chương trình giáo dục phổ thông môn Ngữ văn mới của Việt Nam vừa được ban hành vào tháng 12/2018 (viết tắt là chương trình Ngữ văn 2018). Cũng như chương trình giáo dục phổ thông mới nói chung, chương trình Ngữ văn 2018 được xây dựng theo mô hình phát triển năng lực nhằm giúp học sinh hình thành và phát triển những phẩm chất và năng lực mà nhà trường kỳ vọng.
Chương trình lấy việc rèn luyện các kỹ năng ngôn ngữ, rộng hơn là kỹ năng giao tiếp gồm: Đọc, viết, nói và nghe làm các trục chính xuyên suốt ở các cấp học của học sinh. Chương trình cũng được xây dựng theo hướng mở, thể hiện ở việc không quy định chi tiết về nội dung dạy học mà chỉ đặt ra những yêu cầu cần đạt về đọc, viết, nói và nghe cho mỗi khối lớp.
Chương trình Ngữ văn mới này đòi hỏi sự thay đổi căn bản về phương pháp dạy học và hoạt động kiểm tra, đánh giá học sinh. Căn cứ vào chương trình, giáo viên có thể chủ động, linh hoạt tổ chức dạy học theo các định hướng như: Rèn luyện cho học sinh phương pháp đọc - viết - nói - nghe, tạo cơ hội cho học sinh được trao đổi, thảo luận, thuyết trình để phát triển kỹ năng sử dụng ngôn ngữ, phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của học sinh.
- Điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển: Những điều cần biết
- Điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển: Đăng nhập tài khoản thi THPT Quốc gia 2019
Đánh giá cao những bước đột phá của giáo dục Việt Nam từ giáo dục mang tính hàn lâm nặng về truyền thụ kiến thức chuyển sang phát triển phẩm chất và năng lực, nhiều chuyên gia, giảng viên cho rằng cần có sự đổi mới đáng kể trong phương pháp giảng dạy các môn học nói chung, môn Ngữ văn nói riêng để đáp những yêu cầu mới của giáo dục hiện tại và tương lai.
Từ góc nhìn của những người trực tiếp giảng dạy trong trường phổ thông, một số giáo viên Trường Trung học phổ thông Trần Khai Nguyên (Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng: Giáo dục theo định hướng phát triển năng lực hay còn gọi là giáo dục tiếp cận năng lực đã trở thành xu hướng quan trọng trong cải cách giáo dục của nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Xuất phát từ đặc thù của môn Ngữ văn, hai năng lực cơ bản cần được chú trọng hình thành cho học sinh là năng lực thẩm mỹ và năng lực ngôn ngữ.
Do đó, với môn học này, trong quá trình giảng dạy, giáo viên cần linh hoạt tổ chức các hoạt động học tập nhằm phát huy sự chủ động, tích cực tìm tòi và khám phá tác phẩm cho học sinh, đồng thời tạo được không khí nhẹ nhàng, thoải mái cho lớp học. Với một tác phẩm văn học cụ thể, giáo viên có thể tổ chức hoạt động giải mã văn bản cho học sinh bằng cách chia lớp học thành các nhóm, mỗi nhóm sẽ khai thác tác phẩm theo từng khía cạnh khác nhau như các nhân vật, chi tiết, hình tượng, nghệ thuật, không gian thời gian nghệ thuật, sắc thái mới mẻ của tác phẩm…
Cũng đề cập đến việc đổi mới, nâng cao hiệu quả dạy và học môn Ngữ văn trong nhà trường, cụ thể là giảng các tác phẩm truyện cổ dân gian cho học sinh tiểu học, Tiến sĩ Nguyễn Thị Dung và Thạc sĩ Nguyễn Thị Nước, Trường Đại học Lao động - Xã hội (Hà Nội) đề xuất: Tại các thư viện của trường tiểu học, cần xây dựng, trang trí những góc đọc truyện để thu hút học sinh.
Các trường cần tạo những không gian mô tả thế giới cổ tích, có thể vẽ trên tường minh họa theo nội dung truyện cổ hoặc xây dựng những mô hình mô tả lại cốt truyện dân gian. Các giáo viên có thể tham khảo hoặc nhờ chuyên gia thiết kế tư vấn về việc sử dụng màu sắc, ánh sáng, cách bài trí phù hợp, hấp dẫn tâm lý học sinh tiểu học.
* Coi trọng giáo dục cảm xúc, tư duy phản biện
Nêu bật những thay đổi về mục tiêu và cách thiết kế chương trình môn Ngữ văn 2018, từ đó đòi hỏi sự cần thiết đổi mới phương pháp dạy học, Phó Giáo sư Đỗ Ngọc Thống, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam cho rằng: Mục tiêu môn học của các chương trình Ngữ văn trước đây tập trung vào trang bị kiến thức, hướng tới câu hỏi là học sinh cần biết những gì.
Còn mục tiêu của chương trình Ngữ văn 2018 tập trung vào năng lực, hướng tới câu hỏi học sinh biết làm gì từ những điều đã biết. Định hướng này cho thấy việc dạy và học Ngữ văn phải chú ý tới yêu cầu giúp học sinh vận dụng những điều đã học vào thực hành và giải quyết các vấn đề gắn với cuộc sống.
Nêu quan điểm: Phát triển năng lực cho học sinh và giáo dục cảm xúc là một trong những mục tiêu cần thiết của giáo dục tiên tiến, Phó Giáo sư Trần Lê Hoa Tranh, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) gợi mở: Khi dạy một tác phẩm văn học theo hướng giáo dục cảm xúc - xã hội, giáo viên không nên đặt ra những câu hỏi theo kiểu truyền thống mà hãy quan tâm đến những câu hỏi tập trung vào cảm xúc. Chẳng hạn như học sinh cảm thấy nhân vật sự kiện diễn biến như thế nào, nhân vật đã thể hiện cảm xúc ra sao? Học sinh cảm nhận cảm xúc nào rõ nhất sau khi đọc xong tác phẩm, xu thế cảm xúc của độc giả và học sinh khác có tương tự vậy không?
Để nâng cao tính chủ động, tránh áp đặt cho học sinh, theo Phó Giáo sư Trần Lê Hoa Tranh, giáo viên nên khuyên học sinh phải đọc tác phẩm trước khi đọc lời bình. Đồng thời, học sinh ghi chú lại những cảm nhận của mình về tác phẩm đó, tôn trọng và đi theo cảm xúc của chính mình khi đọc tác phẩm - Đó mới là những gì quan trọng nhất trong quá trình đọc văn.
Trăn trở với việc đổi mới phương pháp giảng dạy, Thạc sĩ Lưu Thị Thanh Thùy, Trường Đại học Hồng Đức (Thanh Hóa) lại quan tâm tới sự cần thiết phát triển năng lực tư duy phản biện cho học sinh trong hoạt động hướng dẫn đọc hiểu văn bản văn học, cụ thể là các văn bản thơ trữ tình.
Theo Thạc sĩ Lưu Thị Thanh Thùy, tư tưởng của tác giả thể hiện trong văn bản là tư tưởng của một cá nhân ở một thời đại, một môi trường xã hội nhất định, nên người tiếp nhận hoàn toàn có thể đánh giá về tư tưởng của tác giả, về sự tiến bộ - lạc hậu, tích cực - tiêu cực… Bên cạnh đó, trong quá trình giảng dạy, giáo viên và học sinh có thể đặt ra những câu hỏi nêu vấn đề như: Tác giả có dụng ý gì khi đặt tiêu đề của tác phẩm như vậy, tác giả có thể có dụng ý nào khác nữa, hoặc nếu được lựa chọn, học sinh sẽ đặt tên, cách kết thúc nào khác cho tác phẩm...
Thanh Trà - Hồng Nhung (TTXVN)