Gian nan con đường phấn đấu của cầu thủ trẻ
(Thethaovanhoa.vn) - Với tiêu chí chỉ đào tạo các cầu thủ trẻ trong độ tuổi từ 10 đến 18, Quỹ đầu tư và phát triển tài năng bóng đá Việt Nam (PVF) sau đó sẽ chuyển giao cho các đội bóng khác để thi đấu ở các giải đấu cao hơn của bóng đá Việt Nam.
PVF muốn chung tay xây dựng bóng đá nước nhà, nhưng các cầu thủ từ đây có vẻ không thật sự để lại ấn tượng ở các giải bóng đá chuyên nghiệp so với giải trẻ trong nước.
Cụ thể, PVF đã hợp tác tốt với Hà Nội và SHB Đà Nẵng khi chuyển giao chủ yếu lứa cầu thủ xuất sắc do mình đào tạo ra ở khóa đầu (lứa 1997-1999) cho 2 CLB này, sau đó tiếp tục chuyển giao một số cầu thủ còn lại và lứa sinh năm 2000 cho Phố Hiến.
Trong số các đội bóng đang thi đấu ở V-League 2020, khá nhiều đội bóng hiện đang sở hữu cầu thủ xuất thân từ PVF. Nhiều CĐV cho rằng số cầu thủ PVF thừa đủ lập ra 1 đội hình có thể dự V-League với thủ môn Phan Văn Biểu, hậu vệ Mạc Đức Việt Anh, Đỗ Thanh Thịnh, tiền vệ Trọng Hóa, Tiến Dụng, tiền đạo Đức Chinh (SHB Đà Nẵng), hậu vệ Tùng Quốc (TP.HCM), tiền vệ Hồng Sơn (Quảng Nam), hậu vệ Văn Xuân, tiền vệ Xuân Tú, Thái Quý, Minh Dĩ (Hà Nội). 5 cầu thủ được PVF đào tạo đã giúp HLV Park Hang Seo có được chức vô địch SEA Games sau 6 thập kỷ chờ đợi.
Bên cạnh đó, tại giải hạng Nhất, CLB Phố Hiến do HLV Hứa Hiền Vinh dẫn dắt đa phần là cầu thủ của PVF. Nổi bật là nhà vô địch SEA Games 30 Lê Ngọc Bảo, các cầu thủ Lâm Thuận, Trần Văn Hòa, Nguyễn Thành Lộc, Nguyễn Huỳnh Sang, Nguyễn Đức Lợi, Nguyễn Trọng Long, Nguyễn Khắc Khiêm, Uông Ngọc Tiến... Trong đó, không ít người đang là học trò của HLV Philippe Troussier tại U19 Việt Nam.
PVF là lò đào tạo trẻ hàng đầu cả nước với cơ sở vật chất có “số má” ở Đông Nam Á. Tuy nhiên, nếu phải đưa lên bàn cân so sánh lò đào tạo này với những sản phẩm đã trình làng thì họ có lẽ đã thua xa những lò đào tạo khác như HAGL hay Hà Nội.
Dù nhiều cầu thủ PVF còn rất trẻ và tương lai còn dài để phấn đấu nhưng rõ ràng, tất cả đều đang chật vật để thể hiện mình tại đấu trường cao nhất đất nước. Có thể kể đến những ngôi sao sáng nhất lò đào tạo này như Đức Chinh cũng không có gì đặc biệt tại V-League. Còn Minh Dĩ, Thái Quý thì dự bị dài hạn ở Hà Nội.
Nếu so sánh Đức Chinh, Thái Quý với những cái tên như Công Phượng, Văn Toàn (HAGL), Quang Hải, Văn Hậu (Hà Nội), điều đó thực sự khập khiễng. Ở cấp độ các giải trẻ trong nước vài năm gần đây, PVF cũng không còn là một thế lực.
Việc HLV Troussier chỉ gọi 4 cầu thủ trưởng thành từ PVF vào U19 Việt Nam dự vòng loại U19 châu Á và đa số đều dự bị hồi tháng 11/2019 cho thấy thực tế đang tồn tại ở đây. Cũng ở giải hạng Nhất năm ngoái, Phố Hiến như đã đề cập cũng chịu thua Hồng Lĩnh Hà Tĩnh vốn đa số là các cầu thủ trưởng thành từ lò Hà Nội trong cuộc đua giành vé thăng hạng.
PVF chưa bao giờ đề cập đến chuyện tham gia bóng đá chuyên nghiệp và như tiêu chí đề ra ban đầu, mục tiêu của lò đào tạo này chỉ cung cấp tài năng, phát triển bóng đá Việt Nam. Không có con đường nào là bằng phẳng và đi kèm cái giá đó là những sai số, những cá nhân sẽ “rơi rụng” trước khi vươn tới đỉnh cao.
Tuy nhiên, những gì đã diễn ra trên thực tế cho thấy cách “trồng người” của PVF cũng cần cải tiến để tạo ra các “quả ngọt” tương xứng với công sức đầu tư.
Lý do là bởi so với nhiều lò đào tạo truyền thống khác như SLNA, HAGL, Hà Nội..., PVF đã đổ ra “núi tiền” để sở hữu công nghệ hoành tráng bậc nhất không chỉ trong nước mà so với cả Đông Nam Á, nhưng kết quả mà họ nhận được lại không tương xứng với sự đầu tư.
V.H