Giãn cách xã hội nhưng phải bảo đảm an dân
(Thethaovanhoa.vn) - Theo thông tin từ Bộ Y tế, tính từ 19 giờ ngày 19/8 đến 18 giờ 30 ngày 20/8, Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 10.657 ca mắc mới, trong đó 7 ca nhập cảnh; 10.650 ca trong nước.
Trong đó, Bình Dương có số ca mắc cao nhất nước (4.223 ca), tiếp đó là Thành phố Hồ Chí Minh (3.375 ca), Đồng Nai (686 ca), Long An (495 ca), Tiền Giang (367 ca), Đà Nẵng (167 ca), Đồng Tháp (156 ca), Cần Thơ, Khánh Hòa (mỗi địa phương 147 ca), Tây Ninh (122 ca), An Giang (111 ca)... Trong số này có 6.132 ca trong cộng đồng.
Từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có 323.268 ca mắc; trong đó có 132.815 bệnh nhân được điều trị khỏi; 7.540 ca tử vong. Hiện có 666 bệnh nhân nặng đang điều trị ICU; 24 ca nguy kịch đang điều trị ECMO.
Cập nhật đến trưa 20/8, trên Cổng thông tin tiêm chủng vaccine COVID-19 tại địa chỉ https://tiemchungcovid19.gov.vn/portal cho thấy đã có 16.341.097 liều vaccine được tiêm chủng trên cả nước; riêng trong ngày 19/8 đã tiêm 381.598 liều. Hiện đang có 5.338.103 lượt người đăng ký tiêm chủng vaccine.
Thần tốc xét nghiệm để xác định nguồn lây, tách ra khỏi cộng đồng
Tối 19/8, tại cuộc họp trực tuyến Thường trực Chính phủ với Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận đang có dịch COVID-19 diễn biến phức tạp gồm Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Bà Rịa-Vũng Tàu, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chỉ đạo, các địa phương tiếp tục áp dụng giãn cách xã hội ít nhất trong 2 tuần tới, với mức độ phù hợp với yêu cầu tình hình thực tế.
Các tỉnh, thành phố đang thực hiện giãn cách xã hội phải xác định phạm vi kiểm soát là từ xã, phường, thị trấn, nhà máy, xí nghiệp, với phương châm “mỗi xã, phường, nhà máy, xí nghiệp là một pháo đài; mỗi người dân là một chiến sĩ”. Các khu vực giãn cách xã hội tổ chức đồng bộ từ y tế, hậu cần, an sinh xã hội, an ninh trật tự ngay tại cơ sở, với tinh thần không được để người dân nào thiếu ăn, thiếu mặc; đáp ứng mọi yêu cầu y tế cho mọi người dân ở mọi lúc, mọi nơi.
Trong công tác xét nghiệm, bóc tách F0, điều trị bệnh nhân COVID-19, Thủ tướng yêu cầu: Thần tốc xét nghiệm để xác định nguồn lây, tách ra khỏi cộng đồng; phân loại bệnh nhân để áp dụng và phân luồng điều trị tại gia đình hoặc tập trung; tăng cường nhân lực, phương tiện cho các cơ sở y tế để cứu chữa bệnh nhân COVID-19 giảm tối đa ca tử vong.
Bảo đảm người dân được tiếp cận dịch vụ y tế mọi lúc, mọi nơi
Chiều 20/8, Tổ Công tác đặc biệt của Chính phủ về thực hiện công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại các tỉnh phía Nam đã làm việc với lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh về triển khai kết luận của Thủ tướng Chính phủ (tại cuộc họp tối 19/8) trong cách tổ chức, phối hợp giữa các lực lượng, nhằm thực hiện nghiêm giãn cách xã hội, đồng thời đảm bảo vấn đề an sinh, trật tự xã hội, nhất là việc người dân được tiếp cận dịch vụ y tế mọi lúc, mọi nơi.
Trên tinh thần “chống dịch phải an dân”, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên yêu cầu thực hiện nghiêm giãn cách xã hội để chống dịch (xét nghiệm, bóc tách F0, quản lý điều trị F0 tại nhà, tổ chức tiêm vaccine…) hiệu quả. Cùng với chống dịch, các lực lượng phải lưu ý nhiệm vụ an dân, thông qua chăm sóc y tế, bảo đảm cung ứng hàng hóa, thực phẩm, thuốc men đến tận nhà cho từng người dân, đặc biệt hỗ trợ đầy đủ, “không bỏ sót bất cứ ai”, nhất là người khó khăn, không có điều kiện.
Tại cuộc làm việc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 nhắc lại phương châm “rõ - nghiêm - chắc - hiệu quả” ngay từ những ngày đầu Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg. Với việc tăng cường lực lượng quân đội, công an, y tế… hỗ trợ Thành phố chống dịch, các hoạt động phối hợp, hiệp đồng tác chiến phải thống nhất cụ thể, chi tiết.
Ban hành tiêu chí kiểm soát dịch tại các tỉnh, thành phố
Bộ Y tế vừa ban hành Quyết định số 3989/QĐ-BYT và Quyết định số 3979/QĐ-BYT về Tiêu chí kiểm soát dịch COVID-19 tại các tỉnh, thành phố và Thành phố Hồ Chí Minh đang giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng.
Theo tiêu chí kiểm soát dịch COVID-19 tại các tỉnh, thành phố đang giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng, địa bàn cấp tỉnh, thành phố, huyện, xã kiểm soát được dịch COVID-19 khi số ca mắc mới tại cộng đồng theo tuần có xu hướng giảm liên tục so với 2 tuần liền kề trước đó và giảm ít nhất 50% so với tuần cao nhất trong đợt dịch.
Về nhóm chỉ số về ca mắc mới COVID-19 trên địa bàn, đó là số ca mắc mới tại cộng đồng theo tuần có xu hướng giảm liên tục so với 2 tuần liền kề trước đó và giảm ít nhất 50% so với tuần cao nhất trong đợt dịch. Đồng thời tỷ lệ số mẫu xét nghiệm dương tính của số người lấy mẫu xét nghiệm bằng phương pháp RT-PCR trong ngày tại cộng đồng có xu hướng giảm liên tục trong vòng 14 ngày.
Tiêu chí tiếp theo là địa bàn đó không ghi nhận chuỗi, chùm ca bệnh lây nhiễm mới xuất hiện trong vòng 7 ngày.
Nhóm chỉ số về nguy cơ lây nhiễm gồm: Giảm tối thiểu 50% các huyện, xã ở mức độ nguy cơ rất cao; giảm tối thiểu 50% các huyện, xã ở mức độ nguy cơ cao; giảm tối thiểu 50% các huyện, xã ở mức độ nguy cơ.
Riêng tại Thành phố Hồ Chí Minh, Quyết định của Bộ Y tế về nhóm chỉ số nguy cơ lây nhiễm được điều chỉnh theo tỷ lệ 30%. Cụ thể, ở Thành phố Hồ Chí Minh cần giảm tối thiểu 30% các huyện, xã ở mức độ nguy cơ rất cao; giảm tối thiểu 30% các huyện, xã ở mức độ nguy cơ cao; giảm tối thiểu 30% các huyện, xã ở mức độ nguy cơ.
Chi viện vật tư, nhân nhân lực các tỉnh, thành phố phía Nam
Thực hiện chỉ đạo của Bộ Quốc phòng, ngày 20/8, Cục Quân y (Tổng cục Hậu cần) - Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 Bộ Quốc phòng có công điện hỏa tốc về việc tăng cường lực lượng phòng, chống dịch COVID-19 cho Quân khu 7 và các tỉnh phía Nam.
Theo đó, Cục Quân y đề nghị Học viện Quân y huy động 300 bác sỹ và học viên đại học tăng cường cho Quân khu 7 và các tỉnh phía Nam. Lực lượng tăng cường này sẽ có nhiệm vụ lấy mẫu xét nghiệm, tiêm phòng vaccine; quản lý, điều trị, chăm sóc sức khỏe ban đầu các bệnh thông thường, quản lý, chăm sóc các trường hợp F0 cách ly, điều trị tại gia đình, phối hợp vận chuyển, chuyển tuyến khi có yêu cầu và thực hiện các nhiệm vụ khác khi được giao. Theo đó, từ 21- 23/8, dự kiến sẽ có thêm 1.000 cán bộ, nhân viên quân y và các trang thiết bị được vận chuyển vào Nam chống dịch theo đường hàng không (từ sân bay Nội Bài vào sân bay Tân Sơn Nhất).
Cùng ngày, Bộ Y tế đã tiếp nhận 200 máy thở chức năng cao do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam trao tặng phục vụ công tác điều trị bệnh nhân COVID-19. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long khẳng định, ngay trong ngày, 200 máy thở này sẽ được chuyển vào Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam để phục vụ công tác điều trị.
Do đặc thù của đợt dịch COVID-19 thứ 4, Bộ Y tế đã tiến hành phân tầng điều trị theo 3 tầng. Tầng 1 là chăm sóc, điều trị và quản lý F0 có điều kiện tại nhà và tại các cơ sở thu dung, điều trị ban đầu. Tầng 2, các địa phương đã và đang mở rộng quy mô giường bệnh để người bệnh có thêm giường điều trị. Tầng 3 là tầng điều trị cao nhất, dành cho bệnh nhân nặng, rất nặng cần đến máy thở nhiều. Do đó việc có thêm 200 máy thở phục vụ điều trị bệnh nhân nặng là vô cùng cần thiết.
Chuẩn bị các điều kiện thực hiện nghiêm việc giãn cách xã hội
Người dân Thành phố Hồ Chí Minh bảo đảm việc thực hiện quy định về giãn cách xã hội “ai ở đâu ở yên đó”, nhà cách ly với nhà, tổ dân phố cách ly tổ dân phố, khu phố - ấp cách ly khu phố - áp, phường - xã - thị trấn cách ly phường - xã thị trấn” từ ngày 23/8. Đây là thông tin được Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Thành phố Hồ Chí Minh nhấn mạnh tại buổi họp báo thông tin về hoạt động phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn thành phố.
Ngoài giải pháp trên, Thành phố Hồ Chí Minh tập trung chăm lo cho F0, điều trị người có triệu chứng, chuyển nặng, hạn chế tỷ lệ tử vong; tiếp tục tiến hành lấy mẫu xét nghiệm người dân ở những khu vực “vùng đỏ trên bản đồ COVID-19 Thành phố Hồ Chí Minh”; tăng cường đẩy mạnh việc tiêm vaccine cho người dân. Thành phố đảm bảo cung ứng hàng hóa thiết yếu; tiếp tục chăm lo đầy đủ, hỗ trợ nhanh chóng đến người dân có hoàn cảnh khó khăn, yếu thế tại địa bàn dân cư.
Chiều 20/8, Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh cùng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 Quận 3 tổ chức ra mắt Trạm Y tế lưu động số 1 tại số 933 Hoàng Sa (Phường 11, Quận 3). Đây là mô hình Trạm Y tế lưu động đầu tiên của thành phố. Trạm Y tế lưu động là mô hình mới tại Thành phố Hồ Chí Minh được thành lập, hoạt động theo chỉ đạo của Bộ Y tế, có vai trò quan trọng trong việc thí điểm chăm sóc sức khỏe cho người mắc COVID-19 tại nhà, đồng thời thực hiện chăm sóc sức khỏe và điều trị nhiều bệnh lý khác cho người dân địa phương do Trung tâm Y tế và Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Quận trực tiếp chỉ đạo quản lý.
Theo kế hoạch, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ thành lập 400 Trạm y tế lưu động trên toàn địa bàn để quản lý, theo dõi, chăm sóc sức khỏe cho người mắc COVID-19. Nhân viên của các Trạm Y tế lưu động sẽ di chuyển bằng xe máy, xe taxi khi khám bệnh, chữa bệnh tại nhà cho người mắc COVID-19; đồng thời sử dụng phần mềm “Hệ thống quản lý người cách ly và người bệnh COVID-19", phần mềm “Khai báo y tế điện tử" để quản lý người mắc COVID-19 tại nhà.
Bảo đảm cho trẻ em được đón khai giảng, trung thu an toàn, thiết thực
“Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã giao Ban Cán sự Đảng UBND thành phố chỉ đạo UBND thành phố ban hành Công điện mới về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị 17 của UBND thành phố trên địa bàn thành phố Hà Nội”, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong cho biết tại cuộc họp ngày 20/8, thông tin với báo chí về các giải pháp phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn.
Theo đó, tranh thủ tối đa “thời gian vàng”, thành phố đã tập trung mọi nguồn lực, mọi biện pháp đẩy nhanh công tác xét nghiệm kết hợp truy vết, đánh giá nguy cơ lây nhiễm để trong thời gian ngắn nhất bóc tách triệt để các F0 ra khỏi cộng đồng, kiểm soát để dịch bệnh không lây lan, bùng phát.
- Bộ Y tế hướng dẫn đăng ký lưu hành vaccine Covid-19 trong trường hợp cấp bách
- Hà Nội chăm lo cho trẻ em nhân dịp Tết Trung Thu trong tình hình dịch Covid-19
- Từ 'ATM gạo' đến 'ATM việc làm', 'ATM nhà trọ': Ấm áp nghĩa tình mùa dịch Covid-19
Cùng ngày, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Phạm Văn Đại cho biết, trước tình hình dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, nguy cơ lây lan rộng trong cộng đồng, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội dự kiến sẽ tổ chức Lễ Khai giảng năm học 2021-2022 theo đúng tinh thần chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Theo đó, Lễ Khai giảng năm học 2021-2022 dự kiến được tổ chức theo hình thức trực tuyến, truyền hình trực tiếp trên sóng Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội tới toàn thể nhân dân, học sinh Thủ đô.
Đồng thời để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho trẻ em trước tình hình dịch COVID-19, UBND thành phố Hà Nội đề nghị không tổ chức “Đêm hội trăng rằm” theo thông lệ hàng năm, tập trung thực hiện một số hoạt động như: Tổ chức thăm, tặng quà Trung Thu cho trẻ em; tổ chức các hoạt động truyền thông, giáo dục, vận động xã hội... Các đơn vị chủ động rà soát, khảo sát, nắm chắc số liệu về trẻ em nói chung, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt nói riêng, để có phương án thiết thực chăm lo cho trẻ nhân dịp Tết Trung Thu; tổ chức thăm, tặng quà nhân dịp Tết Trung Thu cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt... Trong trường hợp dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp trên địa bàn, các cấp, ngành, địa phương chủ động xây dựng phương án thăm tặng quà cho trẻ em phù hợp với tình hình thực tế của địa phương đảm bảo an toàn trong phòng, chống dịch.
TTXVN