Giám đốc SM đăng clip lên trang chủ đấu tố HYBE mua bán sáp nhập thù địch, lo mất tự do và bản sắc vì 6 vấn đề sau khi HYBE thâu tóm
Giám đốc tài chính của SM khiến cộng đồng fan dậy sóng với video dài "bóc mẽ" ý đồ của HYBE trong thương vụ mua lại SM Entertainment.
Câu chuyện sáp nhập đầy sóng gió của HYBE Labels và SM Entertainment vẫn đang thu hút sự quan tâm của fan Kpop khắp nơi. Phía SM liên tục lên tiếng "bóc phốt" nhà sáng lập Lee Soo Man và phản đối ý đồ thâu tóm SM của HYBE. Đỉnh điểm chuỗi drama, Giám đốc tài chính Jang Cheol Hyuk đã đích thân lên tiếng trong 1 video dài đăng tải trên kênh YouTube chính thức của SM với hơn 31,5 triệu người theo dõi mới đây, bóc trần HYPE sát nhập thù địch.
Jang Cheol Hyuk thẳng thắn tố cáo HYBE và Lee Soo Man: "Kể từ khi dự án SM 3.0 được công bố, cổ đông lớn nhất đã bán cổ phần của mình và tiếp tay cho hành vi sáp nhập thù địch từ đối thủ. Hành động này đã phớt lờ nỗ lực của 600 nhân viên SM - những người luôn mơ ước đưa SM thành công ty giải trí số 1 thế giới. Chưa kể, việc sáp nhập còn phủ nhận những giá trị và niềm tự hào mà công ty cùng người hâm mộ luôn theo đuổi".
Giám đốc tài chính Jang Cheol Hyuk đã đích thân lên tiếng "bóc mẽ" ý đồ thật của HYBE
HYBE đã trở thành cổ đông lớn nhất của SM khi mua lại 14,8% cổ phần từ Lee Soo Man - cổ đông lớn nhất của công ty. HYBE cũng đã thông báo sẽ cố gắng mua tiếp khoảng 40% cổ phần thông qua đấu thầu.
Xuyên suốt video dài hơn 15 phút, Giám đốc tài chính Jang Cheol Hyuk tiếp tục chỉ ra ý đồ thực sự của HYBE đằng sau thương vụ mua lại SM. Theo Jang, HYBE muốn chiếm quyền kiểm soát của SM bằng cách tiếp quản hội đồng quản trị, sau đó có được quyền đưa ra quyết định trong công ty.
Tuy CEO của HYBE hứa sẽ đảm bảo quyền quản lý độc lập cho SM nhưng Jang Cheol Hyuk khẳng định rằng đây chỉ lời hứa hẹn suông. Nếu HYBE tiếp quản SM, công ty sẽ gặp phải rất nhiều vấn đề bởi công ty đối thủ nay lại trở thành công ty mẹ.
Những vấn đề có thể xảy ra khi HYBE tiếp quản SM:
- HYBE giới hạn chỉ có thể phát hành album 100 lần một năm. Số lượng nghệ sĩ ở HYBE hiện tại đã rất đông nên kết quả là các nghệ sĩ SM sẽ không được ưu tiên.
- SM phải từ bỏ nền tảng dành cho người hâm mộ đang sử dụng và chuyển sang nền tảng của HYBE. Hậu quả là SM có thể sẽ bỏ lỡ những dữ liệu hữu ích giúp hiểu sâu hơn người hâm mộ.
- Những cơ hội kinh doanh có lợi cho SM sẽ bị chia đều cho các công ty con thuộc HYBE.
- Nếu hợp nhất, hơn 60% nghệ sĩ bán album hàng đầu sẽ cùng trực thuộc một công ty duy nhất, làm suy yếu sự đa dạng của thị trường Kpop.
- SM đưa ra mức giá hợp lý cho vé concert để nhiều người hâm mộ có thể thưởng thức các buổi biểu diễn. Trong khi đó, HYBE đã tăng gần gấp đôi giá vé. Nếu SM thuộc về HYBE, tình trạng giá vé tăng cao sẽ tạo thêm gánh nặng cho fan.
- Thế độc quyền do HYBE tạo ra bằng cách mua lại SM sẽ gây ra nhiều vấn đề hơn, bao gồm giảm tính đa dạng của các nghệ sĩ, âm nhạc và các buổi hòa nhạc.
SM sẽ đánh mất bản sắc của chính mình nếu chính thức trở thành công ty con của HYBE
Tóm lại, HYBE sẽ chiếm phần lớn thị phần thị trường âm nhạc bằng cách mua lại quyền quản lý của SM, khiến Kpop đánh mất bản sắc và cơ hội để tiến xa hơn. Cuối cùng, chính người hâm mộ sẽ là những người bị ảnh hưởng nhiều nhất vì tình trạng độc quyền.
Đặc biệt, giữa loạt tranh chấp từ 2 "đế chế giải trí" hàng đầu, Hội đồng nhân viên của SM Entertainment đã tuyên bố sẽ làm mọi thứ để bảo vệ công ty và hỗ trợ 2 CEO Lee Sung Soo và Tak Young Jun. Người hâm mộ của những nghệ sĩ thuộc SM hiện vẫn hồi hộp mong chờ những diễn biến tiếp theo và hy vọng tương lai của idol sẽ không bị ảnh hưởng quá nhiều.
Hội đồng nhân viên của SM Entertainment khẳng định sẽ chiến đấu tới cùng để bảo vệ công ty
Fan của dàn nghệ sĩ thuộc SM đều vô cùng lo lắng cho tương lai của thần tượng