Giám đốc điều hành Netflix muốn đầu tư sản xuất tại Việt Nam
(Thethaovanhoa.vn) - Sáng nay, 25/11 (giờ địa phương), tại TP. Busan, nhân dịp tháp tùng Thủ tướng dự Hội nghị cấp cao ASEAN - Hàn Quốc, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng đã tiếp ông Reed Hastings, Giám đốc điều hành Netflix (Hoa Kỳ) - doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ giải trí trực tuyến có hơn 151 triệu thành viên trả phí tại hơn 190 quốc gia.
Khẳng định quan điểm Việt Nam coi trọng quan hệ hợp tác với Hoa Kỳ, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Mai Tiến Dũng nhấn mạnh ưu tiên xây dựng thể chế, chính sách thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Bộ trưởng, Chủ nhiệm hoan nghênh việc các đối tác nước ngoài hợp tác sản xuất phim với Việt Nam, mong muốn Netflix xây dựng hiện diện chính thức tại Việt Nam.
“Chắc chắn chúng tôi sẽ làm vậy”, ông Reed Hastings nói. Ba năm trước, Netflix đã hiện diện tại Singapore, sau đó là Tokyo (Nhật Bản), Mumbai (Ấn Độ), Seoul (Hàn Quốc) và tương lai sẽ là tại Việt Nam. Ông cho rằng, Việt Nam có tỷ lệ người sử dụng Internet cao, trong đó nhiều người dùng các dịch vụ giải trí trực tuyến. Ông mong muốn cũng tin tưởng Netflix sẽ có sự tăng trưởng tại Việt Nam.
Chào đón Netflix sớm đầu tư vào Việt Nam, Bộ trưởng, Chủ nhiệm cho biết thêm, với gần 100 triệu dân, khoảng 60 triệu người sử dụng Internet, thị trường Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển. Các sản phẩm dịch vụ truyền hình, trong đó có dịch vụ trực tuyến có nhu cầu sử dụng cao tại Việt Nam. Bộ trưởng, Chủ nhiệm đề nghị Netflix sản xuất phim, quay cảnh tại Việt Nam.
Hiện Việt Nam đang tiếp tục hoàn thiện thể để doanh nghiệp tăng cường đầu tư vào lĩnh vực này. Xác định quản lý trên Internet khác với truyền thống, nên các cơ quan quản lý Nhà nước đã tham khảo, học tập kinh nghiệm các nước. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Mai Tiến Dũng mong muốn Netflix trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực này. Chính phủ Việt Nam luôn lắng nghe, quan tâm giải quyết các vấn đề mà nhà đầu tư nêu ra.
Nhất trí với ý kiến Bộ trưởng, Chủ nhiệm, CEO Netflix cho rằng, có cơ chế chính sách tốt thì mới phát triển bền vững. “Netfix muốn sản xuất tại Việt Nam, dành cho người Việt Nam, theo đúng pháp luật Việt Nam”.
Theo Cổng Thông tin điện tử Chính phủ