Giải U21 quốc tế 2017: Bài học từ người Nhật
(Thethaovanhoa.vn) - Không cần nhiều chuyến đi học hỏi của người làm bóng đá Việt Nam sang Nhật, Hàn như đã thành thông lệ mỗi mùa giải, những gì U21 Yokohama thể hiện trên đất Cần Thơ sẽ khiến chúng ta suy ngẫm để học theo dài dài.
- Giải U21 quốc tế: Sao trẻ HAGL và SLNA tỏa sáng, Việt Nam thắng dễ Myanmar
- Giải U21 quốc tế 2017: 'Quyền lực' Yokohama
- Thái Lan bị Myanmar đánh bại tại giải U21 quốc tế
U21 Yokohama đang thể hiện sức mạnh tuyệt đối ở giải U21 quốc tế - Báo Thanh niên 2017 khi họ khiến lần lượt U19 Việt Nam và U21 Thái Lan đo ván ở cả 2 trận đầu ra quân một cách tâm phục khẩu phục. Sự lấn lướt của họ ấn tượng đến nỗi chứng kiến 2 trận thắng của thầy trò HLV Ono Shingi, không nhiều người lạc quan về cơ hội giữ lại Cúp của 2 đại diện chủ nhà trên đất Cần Thơ.
Xem U21 Yokohama thi đấu, các HLV trên khán đài nói vui “khen người Nhật thì khác nào khen đại dương nhiều nước”. Điểm ấn tượng lớn nhất mà đội bóng trẻ đến từ CLB chơi ở giải hạng 2 Nhật Bản chính là phong thái thi đấu đỉnh đạc. Dù ở lứa tuổi U21 nhưng xem đại diện đến từ xứ sở Phù Tang thi đấu, nhiều người sẽ lầm tưởng họ là những “lão tướng” nếu giải đấu không mang tên U21 quốc tế.
Từ cách phối hợp nhịp nhàng, kiên nhẫn khi đan bóng từ dưới lên trên để phá lối chơi của đối thủ, U21 Yokohama làm rất thuần thục. Ngay cả khi đối diện với thủ môn, cầu thủ của họ cũng biết cách làm sao sẽ tốt nhất cho đội nhà. Tinh thần tập thể, kỷ luật, sự nhẫn nại của người Nhật mang cả vào sân bóng để tạo sự khác biệt. Trong 2 bàn thắng vào lưới U21 Thái Lan gần nhất, HLV Ono Shingi đã tiết lộ họ khiến đối thủ say đòn cả 45 phút đầu trước khi kết liễu đối thủ đầu hiệp 2.
Từng trải nghiệm mô hình bóng đá Nhật Bản ngay tại xứ sở hoa Anh đào, HLV Đoàn Minh Xương, HLV Nguyễn Văn Phụng nhận định điều đáng nể phục với các đội bóng Nhật Bản khi họ thi đấu là dù đối thủ có ra sao, họ luôn giành sự tôn trọng và duy trì cách đá được đào tạo từ trước. Bất chấp tình huống bị dẫn bàn hay dẫn trước đối phương, các đội bóng của Nhật vẫn cố gắng kiểm soát bóng, tổ chức lối chơi theo ý mình thay vì nôn nóng ào ạt hướng về phía trước, chơi bóng bổng để rút ngắn thời gian đến khung thành đối phương. Người Nhật lý giải nếu chơi theo vế 2, độ rủi ro rất cao khi đối thủ đoạt được bóng và phản công bất ngờ. Như thế họ sẽ rất tốn sức xoay trở và khi đối đầu với những đối thủ mạnh về thể lực, tốc độ, cơ địa cầu thủ của họ không đảm bảo để khắc phục sai lầm.
Trong khi nếu kiên nhẫn kiểm soát bóng, ngoài việc buộc đối thủ mất sức, mất tập trung phải cuốn theo mình, đó là lúc người Nhật khai thác sơ hở. Xem U21 Yokohama thi đấu, người ta có thể so sánh với bản sao của U20 Nhật Bản chơi giải giao hữu M-150 trên đất Thái Lan.
Một đội bóng trẻ đến từ giải đấu hạng thấp của Nhật chơi không khác ĐTQG Nhật Bản lúc mang chuông đi đánh xứ người, khó tin khi cách làm bóng đá quốc gia này đã có hình mẫu mang tính hệ thống. HLV Đoàn Minh Xương cho hay thực tế cách làm của người Nhật cũng học hỏi từ người Đức, nền bóng đá hàng đầu châu Âu. Khi các lò đào tạo trẻ đồng lòng đào tạo cầu thủ trên một nền tảng triết lý chung, cái ngọn ĐTQG là nơi phản ánh rõ nhất hình hài nền bóng đá. Thành quả mà bóng đá Đức tạo được với những lần vô địch EURO hay World Cup thể hiện sự đúng đắn trong hướng đi. Ưu điểm mà lối chơi xuyên suốt từ các lò đào tạo lên những đội tuyển cao hơn chính là cầu thủ có thể thích nghi rất nhanh chóng.
Mô hình bóng đá tiên tiến, khoa học như thế là điều bóng đá Việt Nam chưa thể áp dụng. Đơn giản bởi trong vai trò đầu tàu, các tổ chức quản lý vẫn đang loay hoay trong việc kết nối các ông bầu bàn vấn đề thiết thực cho nền bóng đá. Những buổi hội họp chung chung kiểu “xong xuôi tất cả lại về” thì kết quả đến giờ ai cũng tường tận.
Việt Hà