Vụ thảm sát Bình Phước trên YouTube: 'Phim' câu view vô nhân tính!
(Thethaovanhoa.vn) - Đầu tháng 8 này, trên Youtube xuất hiện một đoạn clip dài hơn 23 phút với tựa đề: “Phim ngắn Vụ thảm sát số 6 (Theo câu chuyện có thật vụ thảm sát 6 người ở Bình Phước)”. Ngay khi “phát hành” trên mạng chưa được một tuần, số lượng lượt xem clip trên đã lên tới gần 700.000 lượt.
Clip này gây bức xúc vì câu chuyện rùng rợn của vụ thảm sát Bình Phước được mô tả lại rất chi tiết ngay khi nỗi đau của người nhà nạn nhân vẫn chưa nguôi ngoai. Hơn thế, tên thủ phạm và cả tên nạn nhân thiệt mạng trong vụ án đều được những người sản xuất giữ nguyên.
Đưa tên nạn nhân lên “phim”
Mở đầu, clip ghi rõ “Một sản phẩm phim ngắn của Trịnh Phong”. Poster phim cũng ghi rõ: Vụ thảm sát số 6; 7/7 Bình Phước (ngày 7/7 là ngày xảy ra vụ thảm án Bình Phước). Nhân vật chính của “phim” tên Dương (trùng với tên hung thủ vụ thảm sát 6 người ở Bình Phước) tới xưởng gỗ mà người chú đang làm để nghỉ hè.
Trong quá trình ở đây, Dương có quen và yêu con gái ông chủ xưởng gỗ tên Linh (trùng với tên nạn nhân vụ thảm sát ở Bình Phước). Sau đó, Dương được ông chủ nhận vào làm trong xưởng gỗ và gia đình nhà chủ cũng ủng hộ tình yêu của Dương và Linh.
Nhưng, khi tận mắt chứng kiến cảnh Dương vòi tiền rồi đánh con gái mình, gia đình nhà chủ xưởng gỗ đuổi Dương đi. Rồi Dương cùng đồng bọn gây ra vụ thảm án giết 6 người. Các tình tiết tội ác trong “phim” cũng được tái hiện rất chi tiết và man rợ. Kết thúc bộ phim, những người sản xuất khi rõ: “Bộ phim này dựa trên một câu chuyện có thật”.
Trong phần miêu tả trên kênh Youtube NhacPro Tube đăng tải ghi rõ: “Phim ngắn Vụ Thảm Sát Số 6 (Ca Sỹ Trịnh Phong) lấy chủ đề từ vụ thảm sát 6 người ở Bình Phước. Các tình tiết trong MV do ekip tự biên tập, không liên quan đến vụ án.
Bộ phim này chúng tôi chỉ muốn nhắc nhở đến các bạn trẻ đừng để một phút thiếu suy nghĩ và gây nên những lỗi lầm không bao giờ có thể quay đầu lại được để lại đau thương đến những người thân trong đó có ba mẹ gia đình và xã hội [...] Độc Quyền Trên Youtube Bởi NhacProTube”.
Tính đến chiều ngày 10/8, số lượng lượt xem clip trên kênh Youtube trên là 670.000 view, 762 like, 672 dislike. Các bình luận phía dưới clip đều không mấy tích cực. Nhiều người thẳng thắn lên án những người sản xuất “làm phim trên nỗi đau người khác”; chuyện buồn của gia đình người khác lại đem ra làm trò giải trí...
“Khai thác cái ác một cách trần trụi”
Trao đổi với Thể thao & Văn hóa (TTXVN), TS. Nguyễn Văn Vịnh - nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu xã hội và phát triển, Phó Viện trưởng Viện Công nghệ giáo dục - cho hay: Là một người giảng dạy về thẩm mỹ học cho các trường đại học tôi thấy “phim” Vụ thảm sát số 6 không chấp nhận được.
Nếu những người sản xuất cho rằng họ “làm phim” dựa trên một câu chuyện có thật thì họ phải đổi tên nhân vật và tạo tình tiết hư cấu để truyền tải thông điệp, giá trị họ muốn.
“Việc “dựng phim” mô phỏng và khai thác cái ác một cách trần trụi như một cách thức để tạo tên tuổi là một dấu hiệu rất tăm tối của trí tuệ. Hay nói cách khác, đây là một dạng “câu view” vô nhân tính” - TS Vịnh nói tiếp - “Bởi tất cả các sản phẩm văn hóa đều phải mang tính hướng thiện.
“Phim” này chỉ mô phỏng lại toàn bộ vụ án mà không có bất cứ giá trị nghệ thuật nào. Đây là dấu hiệu băng hoại văn hóa rất nguy hiểm”.
Cũng theo TS Vịnh, việc lập lờ trong phần miêu tả là “MV do ekip tự biên tập, không liên quan tới vụ án” rồi lại để tiêu đề là “phim ngắn” còn trong clip thì ghi rõ “ Bộ phim này dựa trên một câu chuyện có thật” không làm thay đổi bản chất vấn đề.
Dù clip là MV (Music Video) hay “phim ngắn” thì những người clip vẫn muốn nhân danh nghệ thuật để đưa lại thông tin đau lòng về vụ án, gây sự chú ý của công chúng. Song, việc truyền tải nghệ thuật và truyền tải thông tin đơn thuần dạng mô phỏng lại tội ác là hoàn toàn khác nhau.
“Ekip sản xuất nội dung này là những người sẵn sàng đánh mất đi những giá trị quan trọng nhất của con người: Đạo đức. Dù họ có lập luận như nào thì họ vẫn không chối từ được việc họ khát khao nổi tiếng một cách vô đạo đức”- TS Vịnh bày tỏ bức xúc.
Phạm Mỹ
Thể thao & Văn hóa