loading...
(Thethaovanhoa.vn) - Cuối tuần qua, huyền thoại võ thuật Hong Kong (Trung Quốc) Viên Hòa Bình (74 tuổi) đã được trao giải Thành tựu trọn đời tại LHP châu Á New York (NYAFF) 2019. Đó là sự tôn vinh dành cho một con người đã từng tâm sự: “Tôi dành cả đời mình cho điện ảnh”.
Chân Tử Đan đã thông báo trên trang mạng xã hội rằng phim Diệp Vấn 4 (Ip Man 4) đã quay xong các cảnh ở Trung Quốc. Nhưng do đang bận bịu thực hiện phần hậu kỳ của các phim Đại sư huynh (Big Brother) và Phi long quá giang (Enter the Fat Dragon) nên Chân Tử Đan không thể "ăn mừng" thành quả này cùng ê-kíp làm phim Diệp Vấn 4.
Lễ vinh diễn diễn ra tại Nhà hát Walter Reade trước khi có màn chiếu phim Diệp Vấn ngoại truyện: Trương Thiên Chí (Master Z: Ip Man Legacy) - dự án mới nhất do Viên Hòa Bình đạo diễn.
Biên đạo võ thuật số 1
Có thể khẳng định rằng, khó ai theo kịp được Viên Hòa Bình (Yuen Woo Ping) nếu nhìn vào phần chỉ đạo võ thuật đầy sáng tạo của ông trong Ma trận (The Matrix); Ngọa hổ tàng long (Crouching Tiger, Hidden Dragon) cùng tập tiếp theo Ngọa hổ tàng long 2: Mệnh kiếm (Crouching Tiger, Hidden Dragon: Sword of Destiny). Cùng với Túy quyền (Drunken Master - 1978) và Thái cực Trương Tam Phong (The Tai Chi Master – 1993), đó chỉ là vài trong số rất nhiều bộ phim mà nhà biên đạo võ thuật nổi tiếng này tham gia.
Viên Hòa Bình làm việc ở cả Hong Kong và Hollywood. Tại kinh đô điện ảnh, ông gây chú ý với màn đạo diễn võ thuật trong bộ 3 phim Ma trận và Ngọa hổ, tàng long của Lý An. Ở châu Á, Viên Hòa Bình đã chỉ đạo Hồng Kim Bảo trong phim Lâm Thế Vinh (Magnificent Butcher – 1979), tạo dựng sự nghiệp cho Chân Tử Đan qua vai diễn trong phim Thái cực túy quyền (Drunken Tai Chi – 1984) và phát triển phong cách màn bạc của Lý Liên Kiệt trong phim Thái cực Trương Tam Phong (1993). Ông còn biên đạo võ thuật cho phim hài bom tấn Tuyệt đỉnh kung fu (Kung Fu Hustle - 2004) của Vua hài Hong Kong Châu Tinh Trì và Nhất đại tôn sư (The Grandmaster - 2013) của Vương Gia Vệ.
Viên Hòa Bình từng là một diễn viên đóng thế kiêm biên đạo võ thuật trước khi đảm nhiệm vai trò đạo diễn cho 2 phim Xà hình điêu thủ (Snake in Eagle’s Shadow) và Túy quyền vào năm 1978. Những bộ phim này đã tạo bệ phóng sự nghiệp cho siêu sao võ thuật Thành Long (Jackie Chan) và bắt đầu làn sóng phim võ thuật hài.
Cha của Viên Hòa Bình là một nghệ sĩ trình diễn Kinh kịch. Ông từng tham gia nhiều bộ phim sau khi chuyển từ Đại lục sang Hong Kong trong những năm 1940. Lớn lên, Viên Hòa Bình được cha dạy võ thuật.
“Ở tuổi 20, anh em chúng tôi được cha đưa vào điện ảnh. Thời điểm đó, cha tôi thường là một biên đạo võ thuật, hoặc có khi ông là diễn viên. Luyện tập với cha, tôi phải quan sát rất nhiều. Tôi thường phải ghi ra những gì ông dạy các diễn viên khác” – ông kể - “ Không hề có chuyện cha dành sự chăm sóc đặc biệt cho tôi bởi có cả một nhóm người làm việc cùng nhau. Ở nhà, nhiều khi cha dạy từng người trong anh em chúng tôi hoặc nói về những gì mà ông đã quan sát được. Nhưng có lúc cha tôi chỉ là một diễn viên và làm việc với các đạo diễn hành động khác, trong những lúc ấy tôi để ý đến các góc quay camera và chỉ đạo các cảnh đặc biệt như thế nào”.
Viên Hòa Bình nói thêm: “Dần dần, tôi trở nên nổi tiếng với vai trò là một biên đạo cho các phần hành động. Đến thời điểm nhất định, tôi thấy nhiều đồng nghiệp bắt đầu làm đạo diễn, và tôi cũng thử sức với vai trò này.”
Sức sáng tạo vô tận
Nhớ lại bộ phim đầu tay trong vai trò đạo diễn (phim Xà hình điêu thủ), Viên Hòa Bình kể rằng thời điểm đó, Hồng quyền, một tông phái võ thuật cổ truyền Trung Quốc, rất nổi tiếng. Muốn làm điều khác lạ, ông không đưa phái võ này vào phim Xà hình điêu thủ. Theo quan điểm của đạo diễn này, nhân vật trong phim phải tạo ra một hình thái võ thuật khác với phong cách phong cách kung fu hoàn toàn mới.
Tiếp đó, Túy quyền còn sáng tạo hơn, khi không ai hình dung tới việc nhân vật có thể đánh võ trong cơn say. Nhiều động tác mới được Viên Hòa Bình tạo ra. Rồi tới phim Bát tiên giáng trần (Eight Immortals), ông phải mất 1 tháng rưỡi để phát triển các động tác.
“Phim võ thuật của nhiều người khác chỉ mang tính bạo lực và sức mạnh, nhưng tôi muốn làm phim khác hẳn. Ngay từ đầu tôi đã nghĩ làm Túy quyền là phim võ thuật hài, sau đó tôi đã tạo ra một trào lưu về dòng phim này” – ông kể - “Thật ra, với 2 bộ phim đầu tay, tôi tin rằng mọi người sẽ thích phim nhưng cũng không hình dung nổi sự bùng nổ sau đó.”
Từng làm việc với Lý Liên Kiệt trong các bộ phim như Thái cực Trương Tam Phong và Vũ khí tối thượng (Lethal Weapon 4 - 1998), Viên Hòa Bình nhận thấy phải biết nắm bắt thế mạnh của ngôi sao này: “Tôi luôn biết rằng Lý Liên Kiệt đánh võ rất tốt và tôi nắm bắt được điều đó. Lý Liên Kiệt đã 5 lần đoạt giải vô địch Wushu quốc gia (ở Trung Quốc), bởi vậy bạn có thể tượng tượng anh ấy có khả năng như thế nào.”
Theo lời Viên Hòa Bình, có lần, khi quay cảnh tung một cú đá vào diễn viên đóng thế, Lý Liên Kiệt khỏe đến mức khiến diễn viên này phải vào thẳng bệnh viện ngay từ cú đá đầu tiên.Thử lần thứ 2, đến lượt diễn viên đóng thế thứ mới thay cũng phải nhập viện. Sau đó, ông và cộng sự quyết định phải thay đổi thiết bị bảo vệ. Cách này có hiệu quả - dù Lý Liên Kiệt vẫn còn quá mạnh mẽ trước camera.
“Cú đá của Lý Liên Kiệt mạnh đến mức chúng tôi không thể nắm bắt được toàn bộ uy lực. Anh ta có sức mạnh của Lý Tiểu Long” – Viên Hòa Bình nhận xét và cho biết thêm: ông vẫn ngưỡng mộ phong cách chiến đấu huyền thoại của Lý Tiểu Long.
“Lý Tiểu Long thực sự là một chiến binh cừ. Đó là một nhân vật gây ngạc nhiên với những triết lý nằm sau các thế võ của mình Cho tới giờ tôi vẫn ấn tượng với ông” – Viên Hòa Bình nói.
Việt Lâm (tổng hợp)
loading...