'Trạm yêu thương': Chiến thuật đặc biệt giành HCV của VĐV liệt 2 chân
Tham gia thể thao chuyên nghiệp đã là một thử thách đối với người bình thường, thế nhưng anh Hoàng Mạnh Giang dù bị liệt 2 chân vẫn thi đấu ở cả hai môn điền kinh, cầu lông và giành được nhiều HCV trong nước.
Chúng ta đang ở trong bầu không khí của SEA Games 31, tinh thần thể thao lan tỏa khắp mọi nơi, và Trạm yêu thương tuần này với chủ đề Chiến thuật nào cho cuộc đời? đã mở đầu thật đặc biệt với một trận cầu lông ngay trên sân khấu của chương trình.
Vừa giành được 3 HCV trong Giải Vô địch các môn Bóng bàn, Cầu lông, Cử tạ, Cờ vua người khuyết tật toàn quốc năm 2022 ở Thái Nguyên, anh Hoàng Mạnh Giang (sinh năm 1983) đã nhận lời tham gia trận đấu cầu lông của Trạm yêu thương.
"Đối thủ" của anh là MC Minh Hằng. Thông tin về khách mời dần được hé lộ qua những câu hỏi nhanh. Vừa di chuyển trên chiếc xe lăn, vừa tập trung đỡ cầu, nhưng anh Hoàng Mạnh Giang không bỏ sót một câu hỏi nào từ người dẫn chương trình.
Anh Giang kể, gia đình phát hiện anh bị liệt từ khi 6 tháng tuổi. Dù khuyết đi đôi chân và không thể đi lại như những người bạn cùng trang lứa nhưng từ nhỏ anh đã rất thích thể thao.
Chỉ cần thấy các bạn chơi đá bóng, anh Giang sẽ tham gia ngay và nhận vị trí thủ môn, vì đó là vị trí trên sân duy nhất anh có thể đảm nhận được. Không chỉ tham gia điền kinh, xe lăn, anh Giang còn có thể chơi phi lao, ném đĩa và đẩy tạ. Ngoài thể thao thì tài lẻ của anh là sửa chữa điện thoại, và điện dân dụng.
Khi lớn lên, càng nhận thức được khiếm khuyết trên cơ thể, anh Giang lại càng tự ti về đôi chân của mình. Chỉ đến năm 2003, khi xem Đại hội Thể thao Người khuyết tật Đông Nam Á lần thứ 2 do Việt Nam đăng cai tổ chức, thấy các anh chị khuyết tật cố gắng hết mình trên sân thi đấu, anh Giang thầm nghĩ: “Mình phải làm điều gì đó, phải thử để biết năng lực của mình ở đâu”.
Nói là làm, anh Giang quyết định lên Hà Nội. Dù cả gia đình phản đối, nhưng điều đó không làm anh lung lay. 21 tuổi, một mình đi xe khách ra Thủ đô, điểm đến đầu tiên của anh Giang là Bến xe Gia Lâm. Anh bắt xe và tìm đến Câu lạc bộ thể thao người khuyết tật Hà Nội.
15 ngày đầu tiên, anh phải tham gia vào một kỳ kiểm tra mang tính chất quyết định. Anh Giang kể khi ấy mình phải chạy được 19 đến 20 giây trên quãng đường 100m thì mới đủ tiêu chuẩn ở lại đào tạo chuyên nghiệp. Và sau bao nỗ lực, thành quả 19s/100m đã giúp anh Giang có cơ hội theo đuổi ước mơ.
Năm 2005, tấm HCV đầu tiên ở nội dung 200m đã giúp anh Giang có thêm niềm tin và động lực. Anh bảo đó là tấm huy chương quan trọng nhất trong cuộc đời mình, nối dài hơn bảng thành tích cá nhân trong sự nghiệp theo đuổi bộ môn điền kinh. Những tưởng thành quả ấy sẽ giúp anh gắn bó hơn với đường chạy, song năm 2013, anh Giang bất ngờ đưa ra một quyết định thay đổi cuộc đời: thử sức với bộ môn cầu lông.
"Nếu ở bộ môn điền kinh, mình đã xác định được đích đến và chỉ tiến về phía trước thì bộ môn cầu lông đòi hỏi ở vận động viên rất nhiều kĩ năng” - anh Giang chia sẻ.
Chơi cầu lông thường có 3 set. Trước mỗi khi bắt đầu trận đấu, vị trọng tài cầu lông sẽ tung đồng xu lên và 1 trong 2 bên sẽ được chỉ định là chọn quyền giao cầu. Người giao trước nhiều nghĩ người nghĩ sẽ có lợi thế. Nhưng nếu không là người được may mắn giao trước thì hãy bình tĩnh đỡ cầu và tính toán chiến thuật để ghi điểm ở lần giao cầu lại. Điều này đã được VĐV khuyết tật Hoàng Mạnh Giang áp dụng ở rất nhiều lần thi đấu trong nước và quốc tế. Và đặc biệt ở chính cuộc đời anh.
- 'Trạm yêu thương': Chàng trai bại não ở Bắc Ninh và hành trình vượt nghịch cảnh
- Cô gái xương thủy tinh truyền cảm hứng trong 'Trạm yêu thương'
- 'Trạm yêu thương': Hành trình tìm lại màu da cho con của người cha nghèo ở Quảng Ninh
Sau thời gian dài khổ luyện với bộ môn cầu lông, năm 2017 anh Giang tham gia Đại hội Thể thao người khuyết tật Đông Nam Á tại Malaysia và giành huy chương đồng, dù bị chấn thương trước ngày thi đấu.
Ít ai biết rằng, để theo đuổi đam mê thể thao, ngoài giờ luyện tập, anh Giang vẫn làm đủ mọi việc để trang trải cuộc sống. Buổi sáng, anh đến CLB tập luyện, buổi chiều tranh thủ thời gian rảnh làm thêm công việc nhặt bóng tennis để kiếm thêm thu nhập và rèn thể lực. Có những thời điểm 28, 29 Tết, anh Giang vẫn nhận chở cây thuê. Với anh, không có gì là mình không thể, chỉ cần cố gắng không ngừng sẽ vượt qua tất cả.
Chia sẻ về dự định trong tương lai, anh Giang tự tin chia sẻ đang nuôi quyết tâm đổi màu huy chương trên đấu trường châu lục. Anh muốn ghi tên mình trên bảng vàng người khuyết tật thế giới. Món quà của Trạm yêu thương sẽ phần nào giúp anh Giang san sẻ gánh nặng về kinh tế và chắp cánh cho mong ước sớm trở thành hiện thực.
Hành trình đi tìm chiến thuật cho cuộc đời của anh Hoàng Mạnh Giang - câu chuyện về nghị lực của một người khuyết tật sẽ tiếp tục là điểm hẹn đáng chờ đợi trong Trạm yêu thương lên sóng lúc 10h thứ Bảy ngày 21/5 trên kênh VTV1.
Tiểu Phong. Ảnh: VTV