loading...
(Thethaovanhoa.vn) - Toy Story 4 vừa phá vỡ kỷ lục phòng vé mở màn trên toàn cầu đối với một phim hoạt hình, và trở thành hình mẫu cho nhiều loạt phim khác muốn nối dài thành công sau tựa phim gốc.
Không nằm ngoài dự đoán, bộ phim hoạt hình "Toy Story 4" (tựa đề Việt ngữ: "Câu chuyện đồ chơi 4") đã lĩnh chiếm ngôi vương phòng vé Bắc Mỹ trong tuần qua, nhưng thành tích của tác phẩm này không được như kỳ vọng tại "sân nhà".
Theo trang Deadline, tổng doanh thu 238 triệu USDcuối tuần đầu trên toàn cầu đã giúp Toy Story 4 lập kỷ lục mới, soán ngôi của Incredibles 2 (235,8 triệu USD).
Chiến thắng bất ngờ dù bị "lạnh nhạt" ở Mỹ và Trung Quốc
Kỷ lục của Toy Story 4 (Câu chuyện đồ chơi 4) được xem là trường hợp hiếm thấy, khi mà thành tích phim tỏ ra “chật vật” ở thị trường đông dân số 1 thế giới - Trung Quốc. Ngay tại “quê nhà” Mỹ, phim cũng chưa thực sự hút khán giả ra rạp và chỉ kiếm được 118 triệu USD (thấp hơn con số dochính Disney kỳ vọng trước đó là 140 triệu USD).
Nhưng Toy Story 4 đã giúp các nhà làm phim thu về 238 triệu USD trên toàn thế giới khi khai rạp cuối tuần qua, bởi nó được đón nhận đặc biệt nồng nhiệt ở châu Mỹ Latin và châu Âu.
Đã 24 năm trôi qua kể từ khi phần phim gốc trở thành phim hoạt hình đầu tiên trên thế giới vượt mốc doanh thu 1 tỷ USD và 9 năm kể từ khi Toy Story 3 ra mắt. Nhiều người hâm mộ dường như đã bắt đầu thấy nhàm chán với những cuộc phiêu lưu bất tận của Woody và các bạn bè đồ chơi của cậu, dù qua mỗi phần lại có thêm tuyến nhân vật mới được bổ sung.
Như trong Toy Story 4, các món đồ chơi mới xuất hiện, bao gồm búp bê Gabby Gabby (Christina Hendricks lồng tiếng), cặp đôi thỏ bông Bunny và vịt bông Ducky (Jordan Peele và Keegan-Michael Key) và tay đua xe Duke Caboom (Keanu Reeves). Đây có thể là lý do nhiều người không phấn khích bỏ tiền mua vé ngay trong tuần đầu tiên.
Tuy nhiên, những đánh giá ban đầu về nội dung phần phim mới nhất vẫn tỏ ra rất tích cực, với 98% nhận xét là những lời khen ngợi trên trang đánh giá phim Rotten Tomatoes. Ngoài thành tích phòng vé đạt kỷ lục tuần đầu tiên, đây có thể sẽ là yếu tố giúp kích cầu cho Toy Story 4 trong các tuần tiếp theo.
Ngoài ra, phim vẫn chưa đổ bộ tới một số thị trường như Pháp, Đức, Italy và Nhật Bản… nên câu chuyện về các món đồ chơi màu sắc vẫn hoàn toàn có cơ hội trên chặng đua vươn mốc tỷ USD như bộ phim tiền nhiệm.
Bài học cho các dự án phim nhiều phần
Đã từng có không ít người hâm mộ và nhà phê bình điện ảnh cho rằng xưởng phim hoạt hình Pixar (công ty con của Disney) không nên sản xuất tiếp Toy Story 4, vì e ngại rằng nó sẽ làm hỏng đi cái kết quá hoàn hảo của bộ ba câu chuyện về cậu bé Andy với những món đồ chơi thú vị. Toy Story 3 khép lại với cảnh Andy lớn lên và trao lại chúng cho Bonnie, cô em gái bé nhỏ đang mở đôi mắt to tròn, đầy háo hức như chính cậu năm xưa.
Trong những năm sau đó, loạt tin tức càng làm tăng cảm giác lo lắng về tương lai của bộ phim hoạt hình ăn khách. Năm 2017, Rashida Jones và biên kịch đối tác của cô là Will McCormack rời khỏi dự án phim và tuyên bố Pixar đối xử bất bình đẳng với phụ nữ và người da màu. Cùng năm đó, cựu giám đốc sáng tạo John Lasseter rời khỏi Pixar sau khi vướng cáo buộc có hành vi không phù hợp ở nơi làm việc.
Sau đó, một nhóm sáng tạo mới được thành lập và các báo cáo rộ lên rằng phần phim thứ 4 sẽ tập trung vào một con quay với khuôn mặt được vẽ trên đó. Tóm lại, chẳng có thông tin nào tỏ ra hứa hẹn về một tương lai thành công của Toy Story 4.
Tuy nhiên, thành tích mới nhất đã chứng minh thực tế ngược lại: Toy Story 4 đã ra mắt và trở thành phim hoạt hình có doanh thu mở màn số 1 trong lịch sử.
Và vì vào mỗi mùa Hè, các hãng phim đều tung ra các phần phim làm lại hoặc kế tiếp hoặc tiền truyện của các tựa phim đình đám, chắc chắn thành công của Toy Story 4 là điều đáng học hỏi ở Hollywood.
Ngoại trừ Avengers: Endgame có doanh thu khủng nhất năm khi chiếm lĩnh phòng vé hồi tháng 4, còn lại hầu hết các phần tiếp theo, tiền truyện hoặc tái khởi động của một phim nhượng quyền thương mại khác được trình làng gần đây đều không đạt được kỳ vọng thương mại.
Các “bom xịt” có thể kể tới trong vài tháng gần đây gồm Men In Black: International, X-Men: Dark Phoenix, Godzilla: King Of The Monsters, The Secret Life Of Pets 2 và The Lego Movie 2.
Để tránh đi vào lối mòn và không phung phí danh tiếng các phần phim gốc đạt được, lời khuyên cho các nhà làm phim là: Hãy xem xét nhân vật Forky.
Forky (do Tony Hale lồng tiếng) là một bổ sung mới hoàn hảo cho vũ trụ Toy Story. Được tạo thành từ chiếc dĩa nhựa và một số vật dụng từ thùng rác trong ngày đầu Bonnie tới trường, “anh ta” trông khác với tất cả các đồ chơi khác về ngoại hình.
Với câu hỏi mà Forky hỏi Woody “Tại sao tôi tồn tại?”, Toy Story 4 tự giới thiệu một hướng đi mới đầy suy nghĩ, triết lý, hoàn toàn lạ lẫm đốivới thương hiệu được trẻ em yêu thích.
Bộ phim tạo ra sự cân bằng hoàn hảo giữa việc tôn trọng những gì xuất hiện trước đó và không ngại khám phá những hướng đi mới, nhân vật, câu chuyện bên lề và cả hệ tư tưởng.
Năm tới, hy vọng khán giả sẽ tiếp tục đón nhận thêm những câu chuyện thu hút, gắn với những thương hiệu thành công nhất của Hollywood thông qua các dự án như Bond 25, Top Gun: Maverick, Bad Boys For Life, Suicide Squad ngoại truyện: Birds Of Prey, Tiền truyện Black Widow.
Duy An (tổng hợp)
loading...