'The Mesage' - ca khúc vĩ đại nhất của hip-hop
(Thethaovanhoa.vn) - Hip-hop ngày nay được đông đảo mọi người ghi nhận như là dòng nhạc phản ánh tiếng lòng của những người thấp cổ bé họng, mà cụ thể là từ người da đen ở Mỹ. Nhưng thật ra xuất phát điểm của nó lại giống nhiều hit gần đây: Tràn ngập những lời khoe mẽ vật chất.
Mọi thứ chỉ thay đổi sau sự ra đời của ca khúc được coi là vĩ đại nhất của hip-hop mọi thời đại: The Message qua sự thể hiện của Grandmaster Flash and the Furious Five.
Không phải kiểu phản kháng mây trời như Bob Dylan, The Message là hiện thực trần trụi về những người từ khi sinh ra đã bị tước đi một quyền mà tưởng chừng ai cũng phải có: Quyền được mơ mộng. Làm sao có thể mơ mộng khi biết mình không có cơ hội nào?
Thành phố ca của New York
Bài hát nào sẽ xuất hiện trong đầu mọi người đầu tiên khi nghĩ về thành phố New York? New York, New York- ca khúc của Frank Sinatra - vốn được bật ở khắp các cửa hàng lưu niệm. Hay hit chính hiệu Empire State Of Mind của Jay-Z và Alicia Keys? Nhưng không, tất cả đều chỉ như lớp áo hào nhoáng của New York hoa lệ.
Với người dân nơi đây, The Message của nhóm rap tới từ Nam Bronx Grandmaster Flash and the Furious Five mới là ca khúc mọi thời đại của thành phố, là hình ảnh thu nhỏ của thành phố, là linh hồn nơi đứa con tinh thần hip-hop ra đời. Tuyên ngôn cuộc sống đầy cấp bách trong The Message mới là gương mặt thật của môi trường đô thị. Đó là âm thanh của sức nóng bốc lên từ bê tông Nam Bronx trong một ngày Hè gay gắt.
The Message được ghi nhận là rọi luồng sáng của thực tế khắc nghiệt lên thể loại nhạc mà mối quan tâm chủ yếu trước đó (và hiện giờ) là tiệc tùng. Đôi mắt mở to trừng trừng không chớp của nó hướng về khu rừng bê tông, nơi “Kính vỡ khắp mọi nơi/ Những người đái trên cầu thang bởi họ chẳng buồn bận tâm”, là hạt nhân của gangsta rap, tháo cũi sổ lồng cho N.W.A, Public Enemy và nhiều nhóm khác - những người đã dùng rap như một phương tiện mà Chuck D miêu tả là “CNN cho người da đen”.
Thế giới thay đổi quá nhanh và đã nhiều người quên lãng. Nhưng những người da đen sống qua thập niên 1980 và cả thế hệ sau họ chắc chắn sẽ hiểu từng câu từ trong The Message bởi đó là vết thương để lại sẹo chằng chịt không bao giờ phai mờ.
The Message hát về những nhà dự án trong cuộc đại suy thoái hồi những năm đầu Reagan, đánh mạnh nhất vào những người nghèo nhất. Kinh tế suy thoái khi Fed nâng lãi suất cơ bản lên hơn 20% và tỷ lệ thất nghiệp nhanh chóng vọt lên hơn 10% lực lượng lao động Mỹ.
“Đừng đẩy tôi, bởi tôi đã gần với bờ vực/ Tôi đang cố gắng để không bị mất đầu/ Đôi khi nó như một khu rừng, khiến tôi tự hỏi/ Làm thế nào để tiếp tục đi dưới nó”. Đó là lời kêu cứu của những người có rất ít thứ để bắt đầu lại, những người đang dần mòn nhìn những thứ ít ỏi mình có bị những áp lực không thể vượt qua cướp nốt, cố gắng sống sót mà chẳng có xu nào trong nhà.
The Message là 1 trong 2 bài vào thời điểm đó (bài kia là Ghost Town của The Specials năm 1981) thể hiện hoàn hảo sự thiếu hụt những triển vọng về kinh tế và xã hội ở Mỹ và Anh, tương ứng với những chấn động kinh tế những năm đầu Reagan/Thatcher.
Chắc chắn có lập luận rằng cần phải làm gì đó để tái cân bằng 2 nền kinh tế đang trì trệ, bị quá tải bởi chính sách kinh tế cũ mà mọi người thấy đã không hiệu quả. Nhưng chắc chắn phải có cách nào đó thực hiện mà không phá hủy các cộng đồng, ném thế hệ đó và vài thế hệ theo sau, vào đống rác kinh tế.Và người da đen không phải những người đáng sợ, rặt những nghiện ngập, tội phạm và có thai ngoài ý muốn. Họ đều từng là những đứa trẻ sinh ra trong tuyệt vọng, bị trùm đầu khỏi những giấc mơ và bị rơi vào quên lãng. Một vòng lặp đau thương không lối thoát.
Nhưng có thật là The Message chỉ để nói về suy thoái vài chục năm trước? Chắc chắn là không. Nếu không, nó đã chẳng được coi là thành phố ca của New York.
“Quốc ca” của rap
Grandmaster Flash and the Furious Five phát hànhThe Message vào năm 1982. Flash khi đó đã được biết tới như một tiên phong về nghệ thuật DJ. The Message được coi là thử nghiệm trong một thể loại phôi thai bị chi phối bởi giai điệu tiệc tùng (như Rapper’s Delight của Sugarhill Gang), theo sát sau Planet Rock của Afrika Bambaataa & the Soulsonic Force - một ca khúc mở rộng thành công ranh giới hip-hop sang một hướng khác: Âm thanh điện tử, chịu ảnh hưởng của tiên phong người Đức Kraftwerk.
Các phiên khúc rap trong The Message được viết bởi đồng sản xuất Duke Bootee và được biểu diễn bởi Bootee cùng thành viên Furrious Five Melle Mel. Ý tưởng lại bắt nguồn từ đồng sản xuất Jiggs Chase và người đứng đầu Sugar Hill Records là Sylvia Robinson. Khi đó, Robinson đang tìm kiếm “một ca khúc nghiêm túc thể hiện những gì đang xảy ra trong xã hội”, đáp lại cuộc đình công tại New York năm 1980. Vào lúc Chase nghe thấy Duke Bootee rap phần sau này sẽ trở thành đoạn biểu tượng “Đừng đẩy tôi”, ca khúc chính thức ra đời.
Hãng đã giới thiệu bài hát cho Grandmaster Flash and the Furious Five- những người ban đầu tỏ ra hoài nghi vì họ đã quen với nhạc tiệc tùng khoe mẽ. Nhưng sau cùng, Melle Mel nói rằng nhóm cũng đồng ý thực hiện vì “nghĩ đây cũng như bao bản thu khác”. Họ đã sốc khi biết The Message đã làm nên điều gì.
- 'Blowin’ In The Wind' của Bob Dylan: Ca khúc 'do thời đại gọi ra'
- Nghe 'Rough And Rowdy Ways' của Bob Dylan: Muôn hình vạn trạng trong một con người
Không chỉ nội dung lập tức gây rúng động dư luận, phần âm nhạc của The Message cũng mang tính sáng tạo không thể phủ nhận được. Không chỉ kết hợp khéo léo các dòng nhạc, tạo nên hiệu ứng đáng kinh ngạc, ca khúc còn giãn nở nhịp và dành nhiều không gian cho nhạc cụ.
Khi ra mắt, The Message dù là hit nhưng lại không được mặn mà ở Billboard Hot 100 (dù lọt Top 10 ở Anh). Mặc dù thiếu sự thành công về thương mại ở Mỹ, ca khúc vẫn là cú hích mạnh từ đầu tới chân của hip-hop. Nó đưa dòng nhạc này lên một tầm khác hẳn, không còn là thứ xập xình khoe mẽ nơi ổ chuột mà là một tiếng nói phản kháng. Một tiếng nói sẽ được vọng qua nhiều nhóm nhạc, nhiều thế hệ. Nó là “quốc ca” của rap mọi thời đại, soi đường cho những người bị áp bức. Một cuộc diễu hành cả về nghệ thuật và xã hội.
Thật phù hợp, The Messagee được phát hành bởi hãng thu âm biểu tượng Sugar Hill, hãng đóng vai trò then chốt trong sự ra đời của hip-hop như Motown, Stax và Capitol với những dòng nhạc riêng khác. Trên thực tế, nếu không có Sugar Hill, hip-hop có lẽ không thể tồn tại như một thể loại. Đó là công ty thu âm nơi hip-hop tung vó, thống trị các BXH với Rapper’s Delight của The Sugarhill Gang năm 1979.
Thông điệp của của hip-hop, như Grandmaster Flash, vô cùng đơn giản nhưng quyền năng: “Chúng ta quý giá. Chúng ta đại diện cho một điều gì đó”.
Ca khúc “The Message”:
Vĩ thanh Ngay trong năm 1982, The Message đã được NME công nhận là “Ca khúc của năm”. Rolling Stone xếp ca khúc đứng thứ 51 trong danh sách 500 Ca khúc vĩ đại nhất mọi thời đại, là vị trí cao nhất tới từ thập niên 1980 và cũng là cao nhất với một ca khúc hip-hop nói chung. Năm 2012, nó được vinh danh là Ca khúc hip-hop vĩ đại nhất mọi thời đại. Năm 2002, năm đầu tiên đủ điều kiện lưu trữ, The Message lập tức được Thư viện Quốc hội Mỹ chọn lưu trữ, là bản thu hip-hop đầu tiên có được vinh dự này. |
Thư Vĩ (Tổng hợp)