loading...
(Thethaovanhoa.vn) - Bí quyết đằng sau con đường trở thành trưởng nhóm của của một boy group được mệnh danh "vươn lên từ địa ngục" là gì?
Mới đây, tạp chí New York Post đã công bố danh sách Top 10 nhóm nhạc nam hay nhất mọi thời đại và BTS là nghệ sĩ Hàn Quốc duy nhất lọt top này.
Thế hệ thần tượng Hàn Quốc đời đầu hồi trước những năm 2000 thường có tuổi đời trung bình khá ngắn ngủi, giới mộ điệu đã chứng kiến rất nhiều cuộc tan rã xảy đến chỉ sau một vài năm hoạt động. Hiện tượng này phổ biến tới mức, người ta còn đồn thổi rằng K-pop đã bị nhiễm một "lời nguyền" được gọi là "lời nguyền 5 năm" (hay về sau còn xuất hiện "lời nguyền 7 năm"). Nhưng dần dà, có vẻ như ngày càng có nhiều nhóm nhạc vượt qua cái "mốc thời gian tử thần" ấy mà hoạt động vô cùng bền vững bên nhau.
Nhiều người cho rằng lý do đằng sau sự gia tăng tuổi thọ của một nhóm nhạc thần tượng chính là cách mà vai trò lãnh đạo đã thay đổi theo thời gian. Danh xưng "Người lãnh đạo" không còn chỉ đơn giản là một cái tên được đặt cho thành viên lớn tuổi nhất trong nhóm nữa, mà giờ nó đã trở thành một trọng trách được trao cho thành viên phù hợp nhất cùng những phẩm chất đúng đắn.
Một ví dụ điển hình cho câu chuyện này chính là BTS, với trưởng nhóm là RM - thành viên lớn thứ 4 trong nhóm, ở ngay giữa nhóm về độ tuổi.
Trong một cuộc phỏng vấn với RM được thực hiện vào năm ngoái bởi Money Today, anh chàng đã khiêm tốn khẳng định rằng mình giống như người đại diện của BTS, hơn là một leader:
"Tôi thấy mình giống như là một người đại diện hơn là một người lãnh đạo. Tôi có rất nhiều cơ hội để phát ngôn, vì vậy tôi phải rất quan tâm (về những gì mình nói) để không làm tổn hại đến danh tiếng của nhóm."
Khi được hỏi về điều khó khăn nhất trong quá trình làm lãnh đạo của BTS, RM đã trả lời rằng đó chính là việc phải giữ vấn đề thảo luận luôn cởi mở, không giấu diếm trong khi tất cả các thành viên đều cực kì bận rộn, khó mà có thời gian ngồi lại với nhau. Anh cũng đã giải thích cách mình và các thành viên khác vượt qua điều này như thế nào.
"Các từ khóa chúng tôi luôn phải ghi nhớ chính là "giao tiếp" và "lòng trắc ẩn". Những từ đó nghe có vẻ sáo rỗng, nhưng đây thực sự chính là chìa khóa cho độ ăn ý tuyệt vời của BTS.
Chúng tôi phải nói chuyện để thấu hiểu nhau, và khi một thành viên nói, những thành viên còn lại đều phải cố đặt mình vào người đó, nhìn nhận mọi thứ từ quan điểm của họ để có thể thông cảm."
RM cho rằng một nhà trưởng nhóm không nên ép buộc mục tiêu và ước mơ lên các thành viên khác, thay vào đó hãy ngồi xuống cạnh nhau, lắng nghe và cùng hợp tác. Công việc của một leader không chỉ có chuyện lãnh đạo, mà còn phải biết thấu hiểu những người xung quanh mình.
BTS rất chú trọng trong việc thể hiện trong nhóm của mỗi cá nhân. Mỗi thành viên đều có điểm mạnh, điểm yếu riêng. Cách BTS thực hiện quy luật này đã trở thành lợi thế riêng của họ, khi cả nhóm có thể dễ dàng cải thiện và bù đắp những yếu điểm cho nhau, cũng như cùng nhau xây dựng điểm mạnh cho cả tập thể nhóm.
Điều này sẽ đem lại điều tốt nhất cho mỗi thành viên và cho phép các cá nhân cảm thấy mình được sống trọn vẹn là chính mình, đồng thời khiến nhóm trở nên vững mạnh hơn.
"Mỗi thành viên có một lĩnh vực họ nổi trội; nhưng chúng tôi không xem đây là một biến độc lập. Chúng tôi sẽ dạy cho nhau những gì mình giỏi, và thông qua sức mạnh tổng hợp đó, cùng nhau bước lên một tầm cao mới."
Và điều cuối cùng, lý do các thành viên BTS không có tài khoản xã hội cá nhân (chẳng hạn như việc cả 7 chàng trai dùng chung một tài khoản Twitter), cũng chính là một phần quyết định của RM với tư cách là nhóm trưởng nhằm tăng cường mối quan hệ giữa các thành viên.
Ý tưởng và phương pháp của RM chính là biến BTS trở thành một mối liên kết vững chắc, tăng cường sự tương tác giữa các thành viên, tuyệt đối không có hoạt động độc lập. Đây cũng chính là lời giải, là phần quan trọng bậc nhất đằng sau sự thành công và phổ biến lớn tới vậy của BTS.
Quyên Quyên
(Theo Koreaboo)
loading...