loading...
(Thethaovanhoa.vn) - Còn nhớ những năm 2010 - 2014, Việt Nam sản xuất từ 15 đến 25 phim điện ảnh mỗi năm, chỉ từ năm 2015 về sau này mới tăng lên cột mốc bình quân chừng 40 phim mỗi năm.
Bố già tiếp tục thiết lập kỷ lục mới - đạt doanh thu 100 tỷ đồng chỉ trong chưa đầy 4 ngày sneakshow - trở thành phim Việt cán mốc 100 tỷ đồng nhanh nhất mọi thời đại.
Vậy mà chỉ riêng tháng 4/2021 dự kiến có đến 12 phim Việt ra rạp, có thể nói là một khủng hoảng thừa, hoặc là một kỷ lục hơi kỳ cục. Nhưng mới đây, Người lắng nghe và Bẫy ngọt ngào đã cùng chuyển sang ngày 14/5 mới công chiếu, tháng 4/2021 còn 10 phim Việt, vẫn khá nhiều.
Theo dự kiến, ngày công chiếu mới của 10 phim Việt như sau: Song song (ngày 2/4), Vô diện sát nhân (9/4), Kiều, Lật mặt: 48h (16/4), Rừng thế mạng (21/4), Trạng Tí phiêu lưu ký, Bóng đè, 1990, Thiên thần hộ mệnh, Chìa khóa trăm tỷ (30/4). Điểm chung của các phim này là tình trạng dời lịch chiếu, có phim dời qua cả 2 mùa dịch Covid-19, có phim dời từ dịp Tết như Trạng Tí phiêu lưu ký và Lật mặt: 48h.
Điểm sáng là nhiều thể loại
Đáng lý phim kinh dị Người lắng nghe và phim giật gân Song song sẽ cùng công chiếu vào ngày 2/4, một cuộc so kè thú vị về thể loại. Cùng với Vô diện sát nhân, Bóng đè, Thiên thần hộ mệnh, 5 phim này một lần nữa mở lại cánh cửa để điện ảnh Việt bước vào các kịch bản li kỳ - gay cấn - kinh dị, vốn là các thể loại khó làm, ít được khán giả Việt ưa chuộng.
Về thể loại cổ trang, Kiều lấy cảm hứng từ Truyện Kiều, xoáy vào cái ghen của Hoạn Thư, còn Trạng Tí phiêu lưu ký lấy cảm hứng từ bộ truyện tranh Thần đồng đất Việt, với tinh thần cổ tích, hướng đến trẻ em. Nếu Kiều đang nhận về nhiều ý kiến trái chiều vì tính chuyên môn của nó, thì Trạng Tí phiêu lưu ký bị lùm xùm vì các tranh chấp bản quyền.
Theo đạo diễn Nguyễn Quang Dũng thì Trạng Tí phiêu lưu ký là phim thiếu nhi xuất sắc nhất của Việt Nam từ xưa đến nay. Còn theo MC Tùng Leo thì nếu không đi xem phim này, dễ suy đoán rằng trình độ điện ảnh Việt Nam vẫn còn rất thấp, trong khi thực tế đã khá cao.
Về thể loại hành động, phiêu lưu thì Lật mặt: 48h và Rừng thế mạng đi 2 hướng khác nhau. Nếu Lật mặt: 48h là các hành động khốc liệt, nguy hiểm ở không khí đời thường, thì Rừng thế mạng là cuộc phiêu lưu mang tính tâm linh, kể về cái chết kỳ lạ của một người đi phượt ở Tà Năng - Phan Dũng.
Trong tháng 4 này, không chỉ Kiều sẽ chịu áp lực lớn khi “đối mặt trực tiếp” với Lật mặt: 48h, mà dường như phim nào cũng vậy. Vì loạt phim này của Lý Hải không chỉ phần sau hay hơn phần trước, mà còn khá có duyên phòng vé, luôn đo được nhu cầu của một phân khúc khán giả đông đảo, nên dự kiến sẽ gia nhập vào câu lạc bộ doanh thu trăm tỷ.
Đây có lẽ cũng là lý do chính để Victor Vũ quyết định dời lịch chiếu Thiên thần hộ mệnh từ 9/4 sang 30/4, một phần để tránh Lật mặt: 48h, một phần tránh làn sóng Bố già của Trấn Thành. Rất có thể Bố già vẫn còn trụ rạp đến 9/4, khi ấy đã là quán quân phòng vé của điện ảnh Việt mọi thời đại, thu về hơn 230 tỷ đồng, tương đương 10 triệu USD.
2 phim thuộc thể loại tình cảm - tâm lý - hài là 1990 và Chìa khóa trăm tỷ có hy vọng để mở lối đi riêng, vì thể loại “nhẹ nhàng” này vẫn còn “nhiều đất sống”, với một lượng khán giả nhất định. Cả 2 phim đều có được những diễn viên ăn khách của mình.
Tỷ lệ doanh thu “định mệnh”
Năm 2020, do Covid-19, doanh thu chiếu phim tại Việt Nam còn khoảng 1.660 tỷ đồng, chiếm hơn 1/3 doanh thu năm 2019. Trong số này, doanh thu từ phim Việt là 710 tỷ đồng, chiếm 42,5%, nếu chỉ xét về tỷ lệ %, thì cao nhất từ năm 1975 đến nay. Tuy vậy, áp lực với phim Việt vẫn còn nguyên, bởi trong 710 tỷ đồng này, riêng Tiệc trăng máu và Gái già lắm chiêu 3 đã thu về 340 tỷ đồng, 20 phim còn lại chia đều 370 tỷ đồng còn lại, bình quân 18,5 tỷ đồng/phim.
Nếu bình quân doanh thu 18,5 tỷ đồng/phim trở thành sự thật với tất cả các phim, thì điện ảnh Việt đúng là đang ở giai đoạn màu hồng, vì với kinh phí sản xuất bình quân khoảng 7-9 tỷ đồng/phim, sẽ chẳng có phim nào bị thua lỗ. Nhưng không đơn giản vậy, các phim Việt “chết như mực” trong năm 2020, có thể như: Hoa Phong Nguyệt Vũ (doanh thu 757 triệu đồng), Thang máy (khoảng 1,5 tỷ đồng), Bí mật của gió (khoảng 1,9 tỷ đồng), Sài Gòn trong cơn mưa (2,9 tỷ đồng), Chồng người ta (4,7 tỷ đồng)… là những ví dụ đáng buồn.
Các phim thất bại đầu năm 2021 có thể kể như Võ sinh đại chiến (1,4 tỷ đồng), Người cần quên phải nhớ (1,9 tỷ đồng), Bằng chứng vô hình (8 tỷ đồng), Đỉnh mù sương (1 tỷ đồng), Cậu vàng (3 tỷ đồng), Em là của em (7,6 tỷ đồng), Kiều @ (1 tỷ đồng)…
Tỷ lệ doanh thu phổ biến suốt 20 năm qua vẫn còn là “định mệnh” với phim Việt ngày nay. Định mệnh là vì trong đó chỉ có chừng 10% phim thắng lợi, chừng 25% tạm ổn mọi mặt, còn lại là thua lỗ hoặc thất bại. Điều này càng làm cho những nhà sản xuất nhỏ hoặc mới xuất hiện khó cạnh tranh, nên thường xuất hiện 1, 2 phim rồi “biệt vô âm tín”. Bởi vậy mới nói điện ảnh Việt tháng 4/2021 là một cục diện kỳ lạ, lành ít dữ nhiều.
Trailer phim "Kiều @":
Văn Bảy
loading...