loading...
(Thethaovanhoa.vn) - Phim Song song của đạo diễn 9X Nguyễn Hữu Hoàng đã chính thức công chiếu vào cuối tuần qua (từ 2/4). Thuộc thể loại bí ẩn, hồi hộp, tâm lý, Song song được làm lại (remake) từ phim Mirage (Ảo ảnh, 2018) của đạo diễn Oriol Paulo người Tây Ban Nha.
Phim "Song song" (đạo diễn: Nguyễn Hữu Hoàng) công chiếu toàn quốc vào ngày 2/4, thuộc thể loại xuyên không, bí ẩn, hồi hộp.
Phim kể về một nữ bác sĩ chưa thi lấy chứng chỉ hành nghề tên Trang (do Nhã Phương thủ vai), ở một vùng đất giáp Đà Lạt. Trong một lần chuyển đến nhà mới cùng người chồng và đứa con, cô vô tình xem được đoạn video từ chiếc ti vi và máy quay từ 20 năm trước. Cô không thể ngờ cái ti vi đó như một lỗ hổng thời gian, kết nối cô với quá khứ.
Một hành động vô tình đã thay đổi quá khứ dẫn đến việc thực tại bị thay đổi, trong khi ký ức của thì giữ nguyên. Diễn biến của phim dẫn người xem đi khám phá những ẩn ý, những tình tiết nút thắt và tháo gỡ dần những nút thắt ấy.
Có gì mới so với phim gốc?
Ai đã từng xem Mirage thì sẽ nhận ra phiên bản Việt của Nguyễn Hữu Hoàng gần như không chỉnh sửa gì nhiều sườn nội dung chính cũng như kết cục so với nguyên tác. Chỉ khác bối cảnh, nhân vật… hợp với điều kiện thực tế ở Việt Nam.
Nếu nói điểm nhấn nào đáng chú ý về mặt nội dung phim, thì đó chính là việc biên kịch và đạo diễn đã nhấn mạnh được thuyết “hiệu ứng cánh bướm”.
Hiệu ứng cánh bướm (butterfly effect) là một cụm từ được được nhà toán học Edward Norton Lorenz khám phá ra. Cụm từ này dùng để mô tả một khái niệm trong lý thuyết hỗn loạn về độ nhạy cảm của hệ số so với điều kiện gốc. Tên gọi này bắt nguồn từ ẩn dụ: Một con bướm vỗ cánh, dù rất khẽ, sẽ góp phần gây ra một cơn bão ở một nơi cách xa nó hàng ngàn dặm. Khi các tác phẩm văn chương, nghệ thuật tiếp cận lý thuyết này đã đề cập đến 2 khía cạnh: Quan hệ nhân quả và nghịch lý thời gian.
Và cả 2 khía cạnh trên đều được nhà biên kịch khai thác triệt để, nhằm nhấn mạnh rằng một sự can thiệp dù nhỏ bé vào diễn tiến của dòng chảy tự nhiên, của quy luật nhân quả thì sẽ tạo ra những sai số rất lớn, từ đó tạo ra những kết cục, những nghịch lý số phận mà dù muốn hoặc không ta phải trả giá. Hậu quả khôn lường của việc thay đổi quá khứ hoặc tương lai đều không thể định đếm được.
Sự nhấn mạnh lý thuyết hiệu ứng cánh bướm trong Song song khá tương ứng với nguyên tác. Tuy nhiên, Song song nhấn mạnh thêm điều này bằng… các dòng chữ chạy trên màn ảnh. Trong khi ở phim Mirage, người xem có thể cảm nhận được ẩn ý này qua nội dung. Cả nguyên tác và Song song đều chọn cách kể chuyện ly kỳ, hại não, chỉ cần mất tập trung một chút xíu là đã khó nắm bắt.
Có dễ chinh phục khán giả?
Dòng phim làm lại (remake) vốn khá phổ biến đối với các nền điện ảnh trên thế giới. Thậm chí ngay như kinh đô điện ảnh Hollywood thì vẫn thấy nhiều phim truyền hình, phim điện ảnh được họ mua bản quyền từ các nước và làm lại.
Vài năm gần đây, tại Việt Nam cũng có nhiều phim chiếu rạp được làm lại. Ví dụ như Tháng năm rực rỡ (làm lại nguyên tác Sunny của Hàn Quốc), Tiệc trăng máu (nguyên tác Người quen xa lạ, Italy), Em là bà nội của anh (nguyên tác Miss Granny, Hàn Quốc)… Các phim vừa được kể đều đem lại doanh thu và lượng lượt xem khủng.
Tuy nhiên, một điểm chung của những phim vừa được kể vẫn là đánh vào được tâm lý đại chúng bằng những câu chuyện gia đình gần gũi, thậm chí hơi “mít ướt”. Còn với một phim thuộc thể loại “hại não” như Song song thì việc có chinh phục được khán giả Việt thời điểm hiện tại hay không là điều rất khó nói. Đặc biệt, khi dư chấn từ bộ phim Bố già của Trấn Thành vẫn còn đang tiếp diễn, chưa có dấu hiệu phôi phai.
Nhiều đạo diễn vẫn xem phim làm lại là giải pháp tình thế, chưa thật là mình. Tuy nhiên, để làm lại cho hay, cho mới, vẫn không hề đơn giản. So với phim đầu tay Ống kính sát nhân (2018), Nguyễn Hữu Hoàng đã tiến bộ khá nhiều trong Song song, chạm đến được nhiều khía cạnh sáng tạo nhà nghề.
Một nguyên tác “hack não” mà đầy logic như Mirage rất đáng để nhiều đạo diễn trẻ xem, học hỏi, nếu được thì làm lại. Bởi nhìn chung thì phim Việt thường không nổi trội trong việc kể chuyện logic kiểu lý tính.
Chưa nói, Song song được các ê-kíp lành nghề bậc nhất Việt Nam đồng hành ở nhiều khâu, đặc biệt là sản xuất và hậu kỳ, nên Nguyễn Hữu Hoàng đã có được trải nghiệm tốt, luyện nghề để bước tiếp. Sau 2 phim chiếu rạp, Nguyễn Hữu Hoàng (sinh 1991) đang dần mở rộng hơn cánh cửa để bước vào dòng phim ly kỳ, hồi hộp, gay cấn, với tư tưởng đậm chất triết lý.
Trailer phim:
Bảo Bình
loading...