Phim 'Hương Ga': Bạo lực, hành động nhưng vẫn nhân văn, lãng mạn
Phim Hương Ga (KB: Nguyễn Thị Minh Ngọc, ĐD: Cường Ngô) sẽ công chiếu ngày 31/10. Tuy chuyển thể từ tiểu thuyết Phiên bản của Nguyễn Đình Tú, nhưng người xem vẫn nhìn thấy ở nhân vật Hương Ga “phiên bản” của Dung Hà, ở Ông Lớn “phiên bản” của Năm Cam - những ông bà trùm xã hội đen khét tiếng một thời của Việt Nam. Có lẽ nhờ lấy ý tưởng từ các vụ án chấn động dư luận mà các yếu tố bạo lực trong Hương Ga đã được tái hiện một cách bạo liệt, nhưng vẫn đủ sức thuyết phục.
Một tay nghề chỉn chu
Cường Ngô chưa thật sự gây ấn tượng với khán giả Việt bằng bộ phim Ngọc Viễn Đông, vì nó gồm nhiều câu chuyện nhỏ ghép lại, khá khó xem, và vì nó hơi thiên về trò chơi thẩm mỹ của riêng đạo diễn. Có thể nói, chính Hương Ga mới giúp Cường Ngô đến với khán giả đại chúng, nơi mà sự giải trí và dễ xem là quan trọng.
Phim bắt đầu bằng cảnh hai nhân vật đi tàu lửa và cũng kết thúc bằng cái chết ngay trên toa tàu đó, 88 phút còn lại là cơn ác mộng của Hương Ga (do Trương Ngọc Ánh thủ vai). Hương Ga là tên ghép của cô gái tên Hương sống bằng nghề giang hồ ở ga tàu lửa, nên cách giải quyết vấn đề như vậy là khá logic. Điều này làm người xem gợi nhớ về logic câu chuyện trong Cyclo của Trần Anh Hùng - dù hai phim khác nhau - nơi nhân vật chính gắn liền với chiếc xích-lô, và phần còn lại cũng chỉ là một cơn ác mộng. Đây là thủ pháp thường thấy của các đạo diễn chỉn chu, cao tay nghề, nên có thể dự báo tương lai tươi sáng của Cường Ngô về sau này.
Câu chuyện được bao phủ bởi các “chiêu thức” của giới giang hồ như đấm đá, dao súng, mánh mung, giành giật địa bàn, gây thanh thế… với các màn hành động dứt khoát, đẹp mắt và vừa đủ. Xét riêng về yếu tố hành động, việc chỉ đạo võ thuật của Quốc Thịnh và ê-kíp là có nhiều sáng tạo, phù hợp với hoàn cảnh nhân vật. Thế nhưng, vì Cường Ngô là đạo diễn thiên về tính nhân văn, sự duy mỹ và cảm hứng lãng mạn, nên phim vẫn lồng ghép và gởi gắm được những điều này.
Diễn xuất đồng đều
Ngoài kịch bản và cách kể chuyện hợp lý, yếu tố hành động sáng tạo, thì điểm sáng dễ thấy nhất là diễn xuất khá đồng đều của nhiều vai chính phụ. Ấn tượng nhất có lẽ thuộc về Trang Trần, Kim Lý, kế đến là Chi Bảo, Trương Ngọc Ánh. Cách xử lý các tuyến nhân vật phụ của Cường Ngô khá logic, đủ thân phận, ít có nhân vật nào “đẻ ngang hông”, ngay cả một vai “siêu nhỏ” do doanh nhân Hùng Cửu Long thủ vai cũng vậy.
Cách xử lý tông màu, ánh sáng của phim cũng khá hợp lý, diễn tả được sự khắt nghiệt và căng thẳng của một phim hành động. Nhiều cảnh quay ngược sáng đã đủ sức dự báo về tính đối lập thiện - ác, sống - chết của những nhân vật trong giới xã hội đen.
Nếu so với những phim trước đây của Cường Ngô, cũng thường làm về thân phận người nữ, thì những người nữ trong Hương Ga có sự khốc liệt hơn về hoàn cảnh sống, cuối cùng bị giết sạch. Nhưng sâu xa về bản chất thì những người nữ ấy vẫn đủ đầy khát khao được yêu, được làm mẹ, được sống hạnh phúc... tinh thần lãng mạn và duy mỹ của Cường Ngô được thể hiện thêm ở điểm này.
Nếu có điều gì đáng lo thì đầu tiên vẫn là kinh phí, Cường Ngô cho biết tổng cộng đã lên tới 18 tỷ đồng, nghĩa là điểm hòa vốn phải 36 tỷ. Với mãi lực bán vé như hiện nay của phim Việt, dường như đây là điều rất khó khăn. Còn nếu có điều gì đáng tiếc thì đó là việc sửa mũi của Trương Ngọc Ánh, nó làm suy giảm tính biểu cảm của nhân vật, điều mà nữ nghệ sĩ này đã từng đạt đến trong Đồng tiền xương máu, Áo lụa Hà Đồng, Hạt mưa rơi bao lâu…
Văn Bảy
Thể thao & Văn hóa