Phạm Nhuệ Giang và 20 năm làm nên "Tâm hồn mẹ"
- "Tâm hồn mẹ" là dự án phim điện ảnh được chị ấp ủ trong 20 năm mới thực hiện được. Tại sao chị lại cần khoảng thời gian quá dài như vậy cho một phim truyện 90 phút?
- Thực ra tôi thích truyện ngắn Tâm hồn mẹ từ rất lâu rồi, khi đọc nó vào khoảng 20 năm trước, vì nó nói về hai đứa trẻ rất cá tính. Tôi thích ý tưởng về một đứa bé gái thích làm mẹ của một đứa bé trai khi mới lên 8, 9 tuổi. Điều đó thể hiện tính nữ và bản năng đàn bà rất mạnh. Năm 1996, bộ phim Bỏ trốn, với đề tài xoay quanh những đứa trẻ đã đem lại thành công cho tôi. Tôi đã nghĩ hay là thử làm tiếp một phim về thiếu nhi và nghĩ tới việc chuyển thể Tâm hồn mẹ.
Hồi đấy, tôi có nhờ một số nhà biên kịch nhưng họ đều từ chối vì câu chuyện quá ngắn ngủi nên tôi cũng buông ra, không nghĩ ngợi mấy về nó nữa. Đến một ngày, tôi nhận ra rằng đã quá lâu mình chưa làm phim nhựa và quyết định rà soát lại những gì của Tâm hồn mẹ còn lưu lại trong mình. Sau Thung lũng hoang vắng, tôi bị cuốn vào phim truyền hình, không làm sao thoát ra được. Đến thời điểm dừng lại với phim truyền hình, tôi quyết định làm Tâm hồn mẹ rất nhanh và bắt tay vào viết cũng rất nhanh.
Đạo diễn Phạm Nhuệ Giang.
- Tôi dựa vào những ý tưởng mà mình thích. Phim của tôi cũng bám theo khá nhiều chi tiết trong truyện ngắn. Nhưng thực ra nếu chuyển thể như trong truyện, về hai ông bà chăm chút cho người cháu luôn mơ về hình bóng bà mẹ thì tôi không thấy nhiều "đất" hay. Cái hay trong truyện, theo tôi, nằm ở việc hai đứa trẻ này thích chơi trò mẹ, con và một đứa muốn dùng uy thế của người mẹ khi đứng trước đứa kia.
Nhưng khi làm thành phim, tôi chỉ khai thác được một khía cạnh đó, còn đâu phải mở rộng đề tài, ý tưởng lớn hơn một chút. Tôi thấy khi chuyển thể Tâm hồn mẹ, nó cũng có cái tự do cho mình sáng tạo. Những vấn đề về người lao động, xã hội, tôi hoàn toàn được mở rộng. Cái khó là mình buộc phải xây dựng một kịch bản thật hoàn chỉnh.
- Trước khi bấm máy "Tâm hồn mẹ'" chị từng muốn tìm kiếm một gương mặt hoàn toàn mới. Nhưng cuối cùng, lựa chọn của chị vẫn là Hồng Ánh. Nguyên nhân là chị không tìm được ai, hay vì Hồng Ánh là một lựa chọn an toàn?
- Cả hai lý do đó đều đúng. Ban đầu tôi cũng muốn tìm một gương mặt mới để khán giả không bị ám ảnh bởi diễn viên nổi tiếng. Tôi từng muốn kiếm một gương mặt bình thường thôi, nhưng vẫn phải có vẻ đẹp cine và biết diễn xuất. Tôi cũng liều mạng tìm đến các ca sĩ, như Ngọc Anh Sao Mai chẳng hạn. Cô ấy có vẻ đẹp mộc mạc, hồn nhiên, trong trẻo chứ không phải đẹp kiểu người mẫu, đẹp nhờ son phấn. Nhưng cô ấy lại không dám thử. Tôi nghĩ nếu Ngọc Anh diễn thử và đóng được thì cô ấy đã trở thành một gương mặt mới của điện ảnh.
Nhân vật bà mẹ trong phim là một vai phức tạp, bản năng nữ tính rất mạnh nhưng không hẳn là sâu sắc. Cô ấy vẫn có nét hoang dại, nồng nàn, bồng bột. Trong phim có hình tượng của hai người mẹ. Cô bé con quyết liệt, chín chắn, mạnh mẽ bao nhiêu thì bà mẹ lại ngược lại bấy nhiêu. Điều đó thể hiện những góc độ khác nhau của đàn bà. Khi casting, có rất nhiều gương mặt nữ cũng đam mê vai này nhưng lại không phù hợp. Tóm lại, sau rất nhiều lựa chọn, Hồng Ánh là gương mặt đầu tiên, nhưng cũng là cuối cùng mà tôi nghĩ tới.
|
- Trong những bộ phim trước, việc chọn diễn viên nhí với tôi không quá khó khăn vì tôi thường hay tìm được những đứa trẻ gần giống với nhân vật của mình. Nhưng có lẽ lần này điềm may của mình đã hết. Chưa bao giờ tôi tìm kiếm diễn viên nhí lại vất vả như Tâm hồn mẹ, vì các nhân vật trong phim cũng phức tạp. Những đứa bé trong phim khác với những đứa bé bình thường. Chúng có cuộc sống đặc biệt hơn và tính cách cũng mạnh mẽ, quyết liệt hơn.
Để tìm nhân vật Đăng, tôi đã tới gần 20 trường tiểu học, ngồi trực tại Cung thiếu nhi hay bất kỳ những địa điểm nào có hoạt động nghệ thuật cho trẻ em. Tôi chỉ tìm ra em bé thủ vai nhân vật Đăng trước khi bấm máy có hai ngày. Em bé gái, Hoài Linh, vào vai Thu thì tôi đã biết từ 2 năm trước trong bộ phim Lều chõng của anh Thanh Vân. Lần đầu gặp, tôi đã rất thích và nghĩ cô bé này hợp vai. Tuy nhiên, Tâm hồn mẹ lại quay sau đó 2 năm nên cô bé cũng đã lớn hơn. Bản thân tôi thì muốn nhân vật Thu trên phim nhỏ hơn một chút nhưng cũng không thể nào làm khác được.
- Chị nổi tiếng là một đạo diễn biết "chọn" diễn viên. Chị có thể chia sẻ về kinh nghiệm bản thân khi đi tìm kiếm những gương mặt cho các nhân vật của mình?
- Có lẽ là do cái gốc văn học đã ám vào tôi. Khi xây dựng các nhân vật thì tôi đã hình dung, tưởng tượng ra sẵn một hình mẫu và đi tìm những mẫu đó. Người diễn viên phải là người có một vẻ đẹp cine mà không phải ai cũng có được. Nó thể hiện ở gương mặt, nhưng quan trọng là cái tinh thần. Tôi nghĩ mình thành công được trong việc casting là vì tìm thấy được cái tinh thần trong mỗi người diễn viên, mà ở mỗi diễn viên thì đó là bản năng trời phú, không thể tự tạo ra được.
Tuy nhiên, cũng có nhiều diễn viên tôi từng lựa chọn thì họ chỉ đóng đạt đúng một loại vai, sau đó không thấy xuất hiện nữa. Riêng với những diễn viên chuyên nghiệp như Hồng Ánh thì buộc cô ấy phải luôn thay đổi, đặc biệt là trong ứng xử và hành vi khi hóa thân vào nhân vật. Đó là điều mà những diễn viên phải làm được.
Đạo diễn Nhuệ Giang và diễn viên nhí Hoài Linh trên trường quay 'Tâm hồn mẹ'. |
- Tôi không sợ vì Bi, đừng sợ là câu chuyện mà Phan Đăng Di thích bối cảnh đó, và ném nhân vật vào đó. Nhà Bi ở chỗ khác, nhưng cậu bé lại thích tới bãi sông Hồng chơi. Còn câu chuyện của tôi thì đúng tại nơi đó, về cuộc sống của một đứa trẻ sống ngay tại bãi đó. Người mẹ trong phim thì bán hoa quả dạo tại khu chợ dưới chân cầu Long Biên.
Khi nhà bố mẹ anh Thanh Vân chuyển về Gia Lâm, có thời kỳ tuần nào tôi cũng về và đều đi qua cầu Long Biên. Chính vì cái hàng tuần như thế mà khung cảnh nơi đó hiện lên trong lòng mình đầy vẻ tình cảm và đẹp lấp lánh. Tôi bị ám ảnh bởi hình ảnh của cầu Long Biên trong ánh hoàng hôn và bây giờ dù đã quay xong phim, đó vẫn luôn là một điểm nhìn ám vào mình. Hình ảnh cầu Long Biên là tâm điểm, tượng trưng cho một bên là Hà Nội phát triển, một bên là Hà Nội vẫn còn nghèo đói song song với nhau. Nó tạo cho tôi những suy nghĩ và quyết tâm làm một câu chuyện về nơi đây.
- Chị có thể giải thích về những hình ảnh mang tính ẩn dụ trong phim như con chuột hay các loại côn trùng?
- Trong Tâm hồn mẹ, điều khiến tôi thấy thú vị là nỗi buồn, sự trữ tình trong phim nằm ở trò chơi của bọn trẻ con giữa thiên nhiên, tương phản với cuộc sống khắc nghiệt, xô bồ, lam lũ của thành phố. Một cái tương phản nữa là chất trữ tình ở tình cảm của hai đứa trẻ và thiên nhiên. Tất cả hình ảnh như chuột, côn trùng gợi lên sự cô đơn, thơ mộng và được khai thác không chỉ để làm đẹp. Đặc biệt, cảnh mà cô bé Thu đốt chuột gợi lên tuổi thơ của rất nhiều đứa trẻ Hà Nội ngày trước.
- Những bộ phim làm về thiếu nhi của chị dường như đều mang một nỗi buồn man mác. Tại sao lại như vậy?
- Tôi không định làm phim buồn, nhưng vấn đề cuối cùng mà phim đưa ra là như vậy. Nó đề cập tới nỗi buồn của con người bởi đôi khi chỉ vì những sai lầm tình cảm mà con người không thể tự vực được cuộc sống dậy. Trong Tâm hồn mẹ, tôi vẫn thực hiện rất nhiều cảnh ấm áp nhưng vẫn nhấn mạnh về mâu thuẫn giữa những người tốt. Họ đều là những người lương thiện nhưng vẫn cứ cô đơn với nhau giữa cuộc đời.
|
- Tôi thấy môi trường điện ảnh ngày nay tốt hơn ngày xưa rất nhiều vì có nhiều dự án cho các bạn trẻ mê phim tham gia như Làm phim 48 giờ, Tiệc phim trực tuyến Yxine... Hay như quỹ Ford trong 6 năm qua cũng đã tạo ra cả một thế hệ điện ảnh. Tất cả đều làm cho hơi thở điện ảnh trong nước mới mẻ hơn, trẻ hơn và nhiều hy vọng. Tuy nhiên, tôi thấy là giới trẻ giờ có nhiều cơ hội hơn nhưng họ không có đủ đam mê như thế hệ trước. Có lẽ cũng do nhu cầu xã hội, cuộc sống.
Ai mà có đam mê chỉ ngồi viết kịch bản phim nhựa không thôi là rất hiếm. Tính cách thế hệ trẻ bây giờ cũng dễ dãi hơn vì họ muốn kiếm tiền nhanh. Chính vì vậy, mọi thứ đẩy họ lao vào vòng xoáy làm một cái gì đó dễ dàng hơn như truyền hình. Phim nhựa thì vẫn cần năm tháng, vốn sống, sự sâu sắc. Thế hệ người làm điện ảnh trẻ bây giờ cần nhiều tài năng đột phá hơn.
Đạo diễn Phạm Nhuệ Giang sinh năm 1957 tại Hà Nội và lớn lên trong một gia đình mà cả bố và mẹ đều là nghệ sĩ. Bố chị là đạo diễn Phạm Văn Khoa, nổi tiếng với các bộ phim như Chị Dậu, Làng Vũ Đại ngày ấy, còn mẹ chị là nghệ sĩ Bích Châu, diễn viên Nhà hát kịch Hà Nội. Từng muốn theo đuổi nghệ thuật từ bé nhưng năm 1975, chị lại quyết định thi vào Đại học Xây dựng. Sau khi ra trường và đi làm kỹ sư xây dựng không được lâu, chị quyết định thi vào khóa đạo diễn đầu tiên của Đại học Sân khấu điện ảnh, dù lúc đó đã 25 tuổi. Khi thực tập cùng đoàn phim Đứng trước biển, Nhuệ Giang đã gặp gỡ và làm việc với đạo diễn Thanh Vân - người sau này trở thành chồng chị. Năm 1988, sau khi tốt nghiệp, Nhuệ Giang về công tác tại Hãng phim truyện Việt Nam và trở thành nữ đạo diễn duy nhất của hãng. Bỏ trốn, bộ phim truyện nhựa đầu tay của Phạm Nhuệ Giang, ra mắt vào năm 1996, đã giành giải thưởng Ban giám khảo bình chọn tại LHP Quốc gia lần thứ 12 vào năm 1999. Thung lũng hoang vắng vào năm 2002 là bộ phim đánh dấu bước ngoặt trong sự nghiệp của Nhuệ Giang. Tác phẩm này đã đạt giải Bông sen bạc tại LHP quốc gia lần thứ 13, giải Fipresci cho các đạo diễn trẻ châu Á của Liên đoàn các nhà phê bình phim quốc tế tại LHP quốc tế Melbourne (Australia) năm 2002. Tâm hồn mẹ là phim điện ảnh mới nhất của Phạm Nhuệ Giang, dự kiến khởi chiếu tại các rạp trên toàn quốc vào khoảng giữa tháng 9. |