A+ A A- Kiểu đọc sách

'Nomadland' đoạt Quả cầu Vàng 2021: Nữ chính McDormand nhắm tới giải Oscar thứ 3

07:35 02/03/2021
loading...

(Thethaovanhoa.vn) - Vai diễn mới nhất của nữ diễn viên Mỹ Frances McDormand trong Nomadland – tác phẩm vừa đoạt giải Quả cầu Vàng Phim điện ảnh chính kịch xuất sắc năm 2021 – đang được giới phê bình đánh giá vô cùng cao. Và nhiều khả năng, nó sẽ mang về giải Oscar thứ 3 cho ngôi sao 64 tuổi này.

Phim 'Nomadland' giành Sư tử Vàng tại Liên hoan phim Venice

Phim 'Nomadland' giành Sư tử Vàng tại Liên hoan phim Venice

Ngày 12/9, phim "Nomadland", một bộ phim của Mỹ, đã giành chiến thắng giải Sư tử Vàng cho hạng mục phim xuất sắc nhất tại LHQ Venice.

Nomadland do nhà làm phim Trung Quốc Chloé Zhao đạo diễn, viết kịch bản và biên tập, khắc họa hình ảnh những người nay đây mai đó trên xe tải với những vui buồn lẫn lộn.

Vai diễn xuất sắc nhất trong sự nghiệp

Trong phim Nomadland, McDormand hóa thân thành Fern, người phụ nữ khắc kỷ và đơn độc gần 60 tuổi, bị mất việc sau khi khu nhà máy Empire, Nevada (Mỹ) đóng cửa. Chồng vừa qua đời, khu phố cho công nhân bị bỏ hoang, Fern quyết định bán đi tất cả, mua một chiếc xe tải và sống như dân du mục.

Chú thích ảnh
Frances McDormand trong phim “Nomadlan”

Cứ vài tháng 1 lần, Fern lại vượt qua các ranh giới tiểu bang và múi giờ để tìm công việc tạm thời và một mảnh đất mới để tiếp tục sinh tồn. Hành trình vô định đưa Fern tới những vùng đất mới, gặp gỡ nhiều người và làm hàng loạt công việc tạm bợ. Nhưng ở tuổi trung niên, Fern vẫn giữ thói quen “moving on” của người Mỹ - gác lại những nỗi buồn của quá khứ và sẵn sàng hướng tới tương lai.

Nomadland ra mắt khán giả thế giới vào ngày 11/9/2020, tại Liên hoan phim Venice và đã đoạt giải Sư tử Vàng. Phim cũng đã giành được giải People’s Choice tại Liên hoan phim Quốc tế Toronto. Bộ phim đã nhận được sự hoan nghênh, trở thành bộ phim được đánh giá cao thứ 3 trong năm 2020 trên Metacritic, được các nhà phê bình và ấn phẩm xếp hạng thường xuyên nhất là 1 trong những bộ phim hay nhất năm 2020. Chưa hết, tại Mỹ, Nomadland còn lọt vào 10 Phim hay nhất năm 2020 trước khi đoạt giải Quả cầu Vàng Phim điện ảnh chính kịch hay nhất.

Chú thích ảnh

Và cho dù McDormand có đạt được giải Oscar thứ 3 với vai diễn này hay không, diễn xuất của cô đang gây ấn tượng mạnh mẽ và được so sánh với 2 vai diễn đã giúp cô đoạt Tượng Vàng Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất trong Fargo (Đi quá xa - 1996) Three Billboards Outside Ebbing, Missouri (Truy tìm công lý - 2017).

Với cây bút Peter Bradshaw của Guardian: “Màn trình diễn lặng lẽ, không màu mè của McDormand trong phim Nomadland là vai diễn xuất sắc nhất trong sự nghiệp của bà cho đến nay”.

Còn nhà phê bình Anthony Lane của tờ New Yorker viết: “Tôi đã cố gắng tưởng tượng ra một nữ diễn viên khác vào vai này, nhưng không thể. Chỉ một người như McDormand mới có thể đóng một nhân vật có cuộc sống lang thang vất vưởng như vậy”.

Đi lên từ đứa trẻ bị bỏ rơi

McDormand tên thật là Cynthia Smith, sinh năm 1957 tại Gibson, bang Illinois, nhưng đã bị mẹ đẻ bỏ rơi. Ở tuổi thiếu niên, cô từng từ chối cơ hội gặp mẹ đẻ và tự nhận mình là một đứa trẻ bị bỏ rơi may mắn khi được cặp vợ chồng Noreen và Vernon McDormand nhận nuôi.

Chú thích ảnh
Nữ diễn viên Frances McDormand

Người yêu nghệ thuật thứ 7 vốn quen thuộc với gương mặt của McDormand, nhưng không phải ai cũng nhớ vai diễn đầu tiên trên màn bạc của cô năm 1984 trong Blood Simple - bộ phim đầu tay của anh em nhà Coen. Trong phim, cô đóng vai một phụ tá người Texas đầy ngây thơ ở tuổi 24. Bộ phim gay cấn này đã mở ra một mối quan hệ hợp tác hiệu quả cả trong nghề nghiệp và cuộc sống của McDormand, khi cô đóng vai chính trong 6 bộ phim của anh em này và đã kết hôn với Joel Coen.

Bày tỏ niềm vui khi may mắn tìm được “một nửa” quá ăn ý của cuộc đời mình, cô từng nói rằng món quà mình dành cho anh em Coen là khả năng hóa thân vào các nhân vật: “Tôi luôn có thể giúp lấp đầy ý tưởng của họ về một vai diễn gì đó” - McDormand nói trong một cuộc phỏng vấn.

Ngoài việc là “nàng thơ” của anh em nhà Coen, McDormand còn đóng phim của nhiều đạo diễn khác như, Mississippi Burning (Dòng sông mãnh liệt - 1988) của Alan Parker, phim đã mang về cho cô đề cử Oscar Nữ diễn viên phụ xuất sắc nhất, và Short Cuts (1993) của Robert Altman, Moonrise Kingdom (Vương quốc trăng lên - 2012) của Wes Anderson. Cô cũng xuất hiện trong phim hành động gay cấn Hidden Agenda (Chương trình nghị sự ẩn - 1990) của Ken Loach và là nhân vật nữ chính của bộ phim hài lãng mạn Miss Pettigrew Lives For A Day (2008) của Bharat Nalluri.

Chú thích ảnh
Frances McDormand bên chồng, nhà làm phim Joel Coen, và con trai nuôi

Sức hút từ lối diễn “không khuôn mẫu”

Gần đây hơn, McDormand được khen ngợi với vai Olive Kitteridge trong bộ phim truyền hình mang tên nhân vật này (năm 2015). Trong phim, Kitteridge là người khó chịu và gặp rắc rối với các chuẩn mực xã hội. Nói về các vai diễn của mình, McDormand cho biết: “Vì tôi vào vai các nhân vật nữ, nên tôi có cơ hội thay đổi cách mọi người nhìn về họ. Ngay cả khi tôi không có ý thức làm điều đó, nó vẫn diễn ra tự nhiên. Tôi hóa thân vào nhân vật không theo khuôn mẫu nào”.

Trong bộ phim Three Billboards của đạo diễn người Anh Martin McDonagh, cô đã thể hiện lối diễn này xuất sắc đến mức đáng kinh ngạc. “Tôi có phần giống với nhân vật của mình” - McDonagh nói về tính cách của nhân vật Mildred trong phim - “Nhưng tôi không muốn làm bất cứ điều gì để khiến Mildred trở nên dễ mến hoặc đáng yêu hơn”. Thực tế, bạn diễn trong phim, Clarke Peters, cũng từng bày tỏ sự ngưỡng mộ về tính tập trung và “biểu cảm cơ thể” của McDormand trong vai diễn này.

Phong cách không màu mè, phô trương của McDormand cũng trở thành thương hiệu riêng trong bối cảnh Hollywood tràn ngập sự lòe loẹt, hoa mỹ. Được bạn bè và đồng nghiệp biết đến với cái tên Fran, cô không bao giờ trang điểm quá đà và không chạy đua theo trào lưu thẩm mỹ “khét tiếng” trong nền showbiz xứ cờ hoa. McDormand từ chối tham dự hầu hết các sự kiện báo chí kể từ khi ra mắt phim Fargo và có một lập trường riêng về các yêu cầu chụp ảnh “tự sướng” từ người hâm mộ. Thay vì đồng ý chụp ảnh chung, cô luôn đề nghị có cuộc trò chuyện ngắn với họ. “Tôi không phải là một diễn viên chỉ vì muốn hình ảnh của mình được chụp lại. Tôi làm nghề này vì muốn trở thành một phần của cuộc trao đổi giữa con người với nhau” - McDormand thẳng thắn nói.

Đó là điều mà các diễn viên thường nói, và thực McDormand vẫn luôn tận tâm với sân khấu. Năm 14 tuổi, khi còn học trung học, cô đã vào vai Lady Macbeth. Và chưa dừng ở đó, McDormand đã giành giải Tony trên sân khấu Broadway cho vở kịch Good People của David Lindsay-Abaire vào năm 2011.

Sau giải Oscar với Fargo, McDormand đã bay đến nhà hát Gate ở Dublin để tham gia diễn xuất trong một vở kịch được dàn dựng lại của nhà biên kịch Mỹ Tennessee Williams. Rồi, sau khi hoàn thành vai diễn trong phim Three Billboards, cô đã xuất hiện trên sân khấu ở Paris với Wooster Group - công ty nhà hát thử nghiệm có trụ sở ở New York mà cô đã gắn bó 20 năm.

Tự nhận thấy mình có vẻ ngoài khác thường, McDormand buộc mình phải trở thành những gì mà cô mô tả là “khác” trên màn ảnh, thay vì là một ngôi sao điện ảnh theo chuẩn mực. Với những gì đã thể hiện, cô luôn được coi là hậu duệ của những ngôi sao thuộc Kỷ nguyên Vàng trong điện ảnh như Bette Davis, Joan Crawford.

Một số hạng mục chính tại giải Quả Cầu Vàng 2021

Phim điện ảnh xuất sắc: Nomadland (thể loại tâm lý), Borat Subsequent Moviefilm (thể loại hài/ca vũ nhạc).

Nam chính xuất sắc: Chadwick Boseman (Thể loại tâm lý), Sacha Baron Cohen Thể loại hài/ca vũ nhạc.

Nữ chính xuất sắc - Andra Day (thể loại tâm lý), Rosamund Pike (thể loại hài/ca vũ nhạc).

Đạo diễn xuất sắc: Chloé Zhao (phim Nomadland).

Phim hoạt hình xuất sắc: Soul.

Phim nói tiếng nước ngoài xuất sắc: Minari.

Phim truyền hình xuất sắc: The Crown (thể loại tâm lý), Schitt’s Creek (thể loại hài/ca vũ nhạc).

Việt Lâm (tổng hợp)

loading...
Viết bình luận

Tin tức Du lịch

loading...