loading...
(Thethaovanhoa.vn) - Sau 12 ngày tưng bừng và náo nhiệt, Liên hoan phim quốc tế (LHP) quốc tế Cannes 2019 đã khép lại với chiến thắng dành cho bộ phim Hàn Quốc “Parasite” (tựa phim sắp công chiếu tại Việt Nam: "Ký sinh trùng") của đạo diễn nổi tiếng Bong Joon Ho.
Bộ phim đen kinh dị của đạo diễn tới từ Hàn Quốc Bong Joon Ho, người đứng sau nhiều phim đình đám như Okja và Snowpiercer, đã giành được giải cao nhất tại LHP Cannes lần thứ 72.
Đây là lần đầu tiên điện ảnh Hàn Quốc giành được giải thưởng Cành cọ Vàng (Palme d’Or), đồng thời mới là lần thứ chín điện ảnh châu Á được tôn vinh ở hạng mục giải thưởng cao nhất trong lịch sử 72 năm của LHP quốc tế thường niên danh giá nhất thế giới. Hiện Nhật Bản là quốc gia châu Á có nhiều phim giành giải Cành cọ Vàng nhất với 4 tác phẩm.
Chiến thắng của "Parasite" là vô cùng xứng đáng. Đêm liên hoan thứ bảy của LHP Cannes 2019, người ta đã chứng kiến một kỷ lục chưa từng thấy trước đó dành cho một tác phẩm điện ảnh châu Á. Cả khán phòng với 2.300 khách mời đã đồng loạt đứng lên, vỗ tay tán dương bộ phim này trong hơn 8 phút. Dù buổi chiếu phim diễn ra ở suất cuối, mọi người đều đã thấm mệt nhưng không ai muốn rời khỏi phòng chiếu sớm. Đạo diễn Bong Joon Ho lại một lần nữa làm người hâm mộ và các nhà phê bình phim phải thán phục không tiếc lời.
Tên của bộ phim - "Ký sinh trùng" - là cách mà đạo diễn Bong Joon Ho ẩn dụ về cuộc đời những con người lười biếng chỉ biết sống bám vào người khác trong một xã hội phân hóa giàu nghèo sâu sắc của Hàn Quốc. Bên cạnh nội dung mới lạ, phim còn có sự góp mặt của những "ngôi sao" bảo chứng cho mức doanh thu phòng vé như Choi Woo Sik hay Park So Dam. Tờ Hollywood Reporter đánh giá: “Đạo diễn tiêu biểu của Hàn Quốc Bong Joon Ho đã trở lại Cannes với một bộ phim bi hài kịch gia đình, nơi mà con người còn đáng sợ hơn quỷ dữ”.
Một tác phẩm khác của điện ảnh châu Á - bộ phim "Hãy tỉnh thức và sẵn sàng" (tựa đề quốc tế: Stay Awake, Be Ready) của đạo diễn Phạm Thiên Ân (Việt Nam) cũng đã vượt qua nhiều đối thủ nặng ký khác để được vinh danh ở giải Illy dành cho Phim ngắn xuất sắc nhất trong "Tuần lễ đạo diễn" - một nhánh của LHP Cannes, ra đời từ năm 1968 nhằm vinh danh dòng phim nghệ thuật không tranh giải chính.
Chia sẻ với báo giới Pháp, đạo diễn Phạm Thiên Ân (sinh năm 1989) cho biết anh lấy cảm hứng kịch bản phim từ những chuyện đời thường anh quan sát và lắng nghe được trong một lần đi uống nước ở lề đường. "Hãy thức tỉnh và sẵn sàng" kể về vụ va chạm giao thông xảy ra trước một quán nhậu ở vỉa hè, vô tình kết nối câu chuyện của ba thanh niên. Bộ phim dài 7 phút, được quay chỉ với một cú máy tại một góc vỉa hè bình dân mang kiến trúc đặc trưng Việt Nam. Tờ Le Polyester ca ngợi bộ phim vừa bình dị vừa ngoạn mục, câu chuyện tuy gói gọn ở một góc phố nhưng đã mở ra cả một thế giới.
Trong khi đó, nữ minh tinh Trung Quốc Củng Lợi cũng đã vinh dự được trao giải thưởng Women in Motion (dành cho nữ nghệ sĩ có những cống hiến lớn cho nghệ thuật thứ bảy) của Ban giám khảo Cannes 2019, theo đó cô trở thành nữ nghệ sĩ châu Á đầu tiên nhận được giải thưởng này.
Ở tuổi 72, LHP quốc tế Cannes ngoài vẻ hào nhoáng, lộng lẫy và uy quyền vốn đã trở thành thương hiệu, còn có những nét cách tân đáng kể, trong đó chủ yếu tập trung hướng về nữ giới.
Dưới tác động của phong trào #MeToo từ năm 2018, Ban tổ chức LHP Cannes đã có nhiều chính sách tiến bộ thể hiện sự cầu thị và cập nhật xu thế. Tại LHP Cannes 2019, lần đầu tiên 50% thành phần ủy ban tuyển chọn là nữ; 26% trong số 1.845 tác phẩm tham gia LHP (từ 39 quốc gia) là do phụ nữ làm đạo diễn. Trong số 69 tác phẩm được lựa chọn tranh giải các hạng mục chính, gồm cả phim truyện và phim ngắn, có 19 phim do phụ nữ làm đạo diễn, tương đương 27,5%. Đạo diễn người Pháp gốc Senegal Mati Diop làm nên lịch sử tại Cannes 2019, với tư cách nữ đạo diễn da màu đầu tiên có phim tranh giải trong 72 năm lịch sử của Cannes (bộ phim "Atlantics"). Riêng hạng mục phim ngắn, số lượng phim có nữ đạo diễn đã tăng lên 32% và 44% ở hạng mục phim của sinh viên. Đây cũng là năm đầu tiên lễ khai mạc được chiếu trực tiếp tại hơn 600 rạp chiếu phim ở nước Pháp.
Một điểm mới nữa tại LHP Cannes 2019 là việc thành lập dịch vụ bảo mẫu mang tên “Le Ballon Rouge” (Bong bóng đỏ), đặt theo tên bộ phim thiếu nhi của đạo diễn Albert Lamorisse năm 1956. “Bong bóng đỏ” cung cấp một gói dịch vụ hỗ trợ ưu đãi, giúp liên hoan phim trở nên thu hút hơn trong mắt các gia đình có con nhỏ. Cụ thể, trong khuôn viên LHP có một khu vực dành riêng để các bậc phụ huynh cho con bú và thay tã cho em bé, một nhà lều lớn dành cho thiếu nhi, một gian hàng dành riêng cho trẻ nhỏ, quy trình cung cấp phù hiệu miễn phí cho bảo mẫu và trẻ nhỏ, ưu tiên cổng vào cho các gia đình có con nhỏ và xe đẩy... Đồng thời, đường dây nóng chống hiện tượng quấy rối tình dục được thiết lập từ năm 2018 vẫn được duy trì.
Lễ bế mạc LHP năm nay diễn ra yên bình chứ không khiến thế giới phải rúng động như năm trước đó, khi nữ minh tinh người Italy Asia Argento vạch trần "yêu râu xanh" nhà sản xuất Harvey Weinstein với "bãi săn mồi" yêu thích của y chính là tại LHP Cannes, trong đó cô là một nạn nhân từ năm 1997. Trước đó, 82 nữ nghệ sĩ đã đồng loạt biểu tình ngay trên thảm đỏ liên hoan Cannes 2018 vì bình đẳng giới. Con số 82 tượng trưng cho 82 bộ phim được phụ nữ đạo diễn từng tham gia tranh giải trong lịch sử Cannes – con số quá ít ỏi khi so sánh với hơn 1.600 tác phẩm của các đạo diễn nam. Nữ đạo diễn duy nhất từng chiến thắng “Cành cọ Vàng” là Jane Campion với tác phẩm The Piano, nhưng đó là chuyện đã xảy ra từ năm 1993.
Có thể nói, hòn đá #MeToo ném xuống mặt hồ LHP Cannes đã bắt đầu lan sóng. LHP Cannes 2019 vẫn là một sự kiện thành công, dù phải chật vật để đối phó với kẻ thù cố hữu là bóng ma dai dẳng của hàng loạt vụ tấn công tình dục trong lịch sử, cũng như các nỗ lực đảm bảo cân bằng giới tính.
TTXVN
loading...