Những sáng tác để đời của 'vua nhạc sến' Vinh Sử
Nhạc sĩ Vinh Sử được mệnh danh là "vua nhạc sến", là tác giả của loạt nhạc phẩm nổi tiếng như: Gõ cửa trái tim, Vòng nhẫn cưới, Yêu người chung vách, Chuyến xe lam chiều...
Nhạc sĩ Vinh Sử sinh năm 1944 tại TP.HCM trong một gia đình nghèo khó. Nhạc sĩ sáng tác với nhiều bút danh như Vinh Sử, Cô Phượng, Hàn Ni, Diễm Nhi, Đức Vượng...
Ông gắn bó dòng nhạc quê hương mang tính đại chúng với hàng nghìn ca khúc. Nội dung các tác phẩm thường nói về những thân phận không may mắn, những mối tình trắc trở do không "môn đăng hộ đối" giữa chàng trai nghèo và tiểu thư. Công chúng thích nghe nhạc của Vinh Sử vì họ thấy ở đó hình ảnh và tâm sự của chính mình.
Nhạc sĩ Vinh Sử từng cho biết: "Nhạc mình viết là dành cho những người nông dân, những người lao động. Tôi đã gởi hết toàn tâm toàn ý của mình vào đó và cũng nhận được sự hưởng ứng của đông đảo công chúng lao động nghèo. Tôi nghĩ rằng nhạc của mình cũng là tiếng nói của một bộ phận nhân dân. Nghe nhạc của tôi, những người lao động nói rằng đó là nhạc của người Việt Nam, không lai căng".
Một trong số những bài hát thành công và được phổ biến rộng rãi đầu tiên của Vinh Sử là Nhẫn cỏ cho em, sau đó có: Nhành cây trứng cá, Làm dâu xứ lạ, Cầu tre kỷ niệm, Đêm lang thang, Mưa bụi, Chuyến xe lam chiều, Vòng nhẫn cưới, Hai bàn tay trắng, Gõ cửa trái tim.... giúp ông được mệnh danh là "vua nhạc sến" thời ấy.
Với danh xưng "vua nhạc sến", nhạc sĩ Vinh Sử không chỉ mang nhạc bolero đi sâu vào lòng công chúng mà ông còn là bậc thầy trong việc tạo nên tên tuổi hàng loạt ca sĩ hàng đầu làng nhạc Việt.
Ông nói: "Dòng nhạc này vốn đã trữ tình, ngọt ngào nên dễ đi vào lòng người, đặc biệt là giới bình dân. Đỉnh cao của dòng nhạc này tại Việt Nam là vào những năm 1960 - 1970, với rất nhiều ca khúc được thu âm và phổ biến dưới dạng băng cassette cũng như đĩa nhựa như Nhẫn cỏ cho em, Nỗi buồn hoa phượng...
Đầu thế kỉ 21, dòng nhạc này hồi sinh khi hàng loạt các ca sĩ hải ngoại về nước. Bên cạnh đó, các sao trẻ như Đàm Vĩnh Hưng, Lệ Quyên cũng chọn bolero để hát, để ra album. Đây cũng chính là cơ hội khiến bolero phá cách khi có chất của pop, của nhạc sàn, nhạc điện tử... khiến kéo khán giả trẻ lại gần".
- 'Vua nhạc sến' Vinh Sử: Trẻ tiêu tiền như rác, già trắng tay, gồng gánh bệnh tật
- Hà Vân hát nhạc trữ tình Vinh Sử
- 'Vàng son một thuở' vắng nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 nhưng có Vinh Sử
Thời hoàng kim của nhạc sĩ Vinh Sử là trước năm 1975, với tiền tác quyền từ các ca khúc này đủ để ông tậu xe hơi, nhà lầu.
Tuy nhiên, tuổi thơ nhạc sĩ không trải hoa hồng. Cha mẹ ông là những người lao động bình dân, làm phu đồn điền cao su cho Pháp, lưu lạc vào miền Đông Nam Bộ trong thập niên 1940. Sau này, gia đình nhạc sĩ về Sài Gòn sống bằng nghề làm bún và ông được sinh ra trong một xóm lao động nghèo.
Nhạc sĩ Vinh Sử có bốn người vợ, các con đủ trai gái nhưng ở tuổi xế chiều khi bị ung thư đại tràng, ông sống một mình trong căn nhà hơn 10m2. Thỉnh thoảng người vợ thứ ba tới thăm.
"Không phải con cái không quan tâm mà do tôi thích ở một mình. Chúng gọi điện hỏi thăm hoài còn khiến tôi bực mình. Tôi cũng già rồi nên sống tay trắng như giờ cũng được, vì chết rồi đâu có mang được theo" - ông từng chia sẻ.
Nhạc sĩ Vinh Sử qua đời sáng nay 10/9 sau thời gian chống chọi với bạo bệnh, hưởng thọ 78 tuổi. Tang lễ của nhạc sĩ Vinh Sử được tổ chức tại nhà riêng ở quận Bình Tân, TP.HCM trong 4 ngày (10-14/9). Lễ di quan diễn ra vào sáng 15/9 và an táng tại nghĩa trang Hoa viên Bình Dương.
Bảo Anh (tổng hợp)