loading...
(Thethaovanhoa.vn) - Nhà văn kiếm hiệp nổi tiếng Kim Dung vừa qua đời chiều nay, hưởng thọ 94 tuổi. Bên cạnh những trang viết lẫy lừng, Kim Dung còn được biết đến vì đời sống tình cảm có phần "truân chuyên".
Cuộc đời nhà văn có lẽ trải qua không ít những cơn "say nắng", nhưng tổng kết lại, chỉ có 4 "bóng hồng" thực sự có ảnh hưởng đến cuộc đời Kim Dung, trong đó 3 người trở thành vợ chính thức.
Đỗ Dã Phân - Người vợ đầu tiên
Người vợ đầu tiên của Kim Dung là Đỗ Dã Phân, nổi tiếng xinh đẹp và là con gái dòng dõi "trâm anh thế phiệt".
Hai người quen nhau tình cờ thông qua em trai của Đỗ Dã Phân là Đỗ Dã Thu. Năm 1974, Kim Dung là việc cho chuyên trang Góc hài hước ở một toà soạn. Sau một lần đăng câu hỏi lên trang, ông nhận được thư của chàng trai Đỗ Dã Thu. Thấy vị độc giả này hài hước, thú vị, Kim Dung ngỏ ý được gặp anh ngoài đời.
Dã Thu đồng ý và hẹn Kim Dung đến nhà. Tại đây, Kim Dung gặp Đỗ Dã Phân và nhanh chóng nảy sinh tình cảm.
Mấy ngày sau, Kim Dung mua vé mời cả nhà họ Đỗ đi xem phim và dần chiếm được cảm tình của gia đình. Được sự ủng hộ, mối tình của Kim Dung và Đỗ Dã Phân phát triển nhanh. Một năm sau, họ tổ chức đám cưới ở Thượng Hải.
Đến năm 1949, Kim Dung chuyển đến Hong Kong phát triển sự nghiệp. Đỗ Dã Phân không cách nào khác đành theo chồng. Vốn xuất thân từ gia đình danh giá, Dã Phân không thể thích nghi được với cuộc sống mới đầy bỡ ngỡ khó khăn tại thành phố xa lạ.
Thêm vào đó, công việc bận rộn cũng khiến Kim Dung ít có thời gian ở bên vợ, tình cảm vợ chồng dần xa cách dẫn đến ly hôn.
Cũng có nhiều tin đồn rằng Dã Phân có "người mới" nên mới ly hôn. Mãi đến năm 74 tuổi, nhà văn Kim Dung mới lên tiếng về chuyện này một cách lấp lửng: "Bây giờ nói ra cũng không là gì nữa rồi, người vợ đầu tiên phản bội tôi".
Chu Mai - Đồng cam cộng khổ
Nếu như Đỗ Dã Phân đã không thể chia sẻ với Kim Dung vào lúc ông khó khăn, thì người vợ thứ hai, Chu Mai đã làm xuất sắc vai trò đó.
Chu Mai sinh năm 1933 tại Hồng Kông, kém Kim Dung 11 tuổi. Bà là một phóng viên tài năng, giàu nhiệt huyết với nghề, là cánh tay đắc lực hỗ trợ Kim Dung gây dựng tờ Hong Kong minh báo. Hai người quen nhau trong thời gian Kim Dung làm ở Đại công báo và nên duyên vợ chồng vào năm 1956.
Cùng năm đó, Kim Dung quyết định bỏ số tiền lớn sáng lập Hong Kong minh báo, sau khi có được thành công bước đầu với nghiệp sáng tác qua tiểu thuyết Thư kiếm ân cừu lục. Bước đi ấy của Kim Dung mang tính rủi ro cao trong bối cảnh xã hội Hồng Kông bấy giờ.
Những năm đầu mới phát hành, áp lực công việc lớn đổ lên đầu Kim Dung và Chu Mai. Bản thân Chu Mai vừa phải chăm sóc chồng vừa gánh vác công việc toà soạn.
Con trai đầu lòng ra đời, gánh nặng kinh tế càng lớn hơn. Hàng đêm, hai vợ chồng thức khuya làm việc, mua một cốc cà phê uống chung để tiết kiệm tiền.
Tới năm 1966, nhờ sức hút từ các tác phẩm kiếm hiệp của Kim Dung mà Hong Kong minh báo ngày càng nổi tiếng, thu hút từ độc giả bình dân rồi đến giới tri thức, mở ra nhiều phụ bản như Minh báo nguyệt san, Hoa nhân dạ báo, Minh báo vãn báo. V
Vừa làm báo vừa viết tiểu thuyết kiếm hiệp, gần như 15 bộ tiểu thuyết kiếm hiệp lừng danh của Kim Dung đều được hoàn thành trong giai đoạn này.
Tuy nhiên, khi chí lớn đã thành thì mối quan hệ giữa Kim Dung và Chu Mai lại xuất hiện những vết rạn nứt lớn. Trong công việc họ thường xuyên to tiếng với nhau.
Mâu thuẫn lên đến đỉnh điểm khi con trai cả Tra Truyền Hiệp tự tử trong lúc đang theo học ĐH Columbia - Mỹ.
Kim Dung và Chu Mai ly hôn sau hơn 20 năm chung sống, có với nhau 4 mặt con.
Lâm Lạc Di - Một chiêu "hạ gục" đại hiệp
Người vợ thứ ba và cũng là cuối cùng của Kim Dung là Lâm Lạc Di, kém ông tới 29 tuổi.
Lâm Nhạc Di vốn là "fan" của tiểu thuyết Kim Dung, đem lòng ái mộ tiểu thuyết gia. Hai người gặp nhau vào giai đoạn cuộc hôn nhân của Kim Dung với Chu Mai đang đi dần đến bước đường cùng.
Trong tâm trạng buồn rầu, Kim Dung tìm đến một quán rượu. Đó tình cờ là nơi Lâm Nhạc Di làm việc. Hai người trò chuyện với nhau, nhà văn cũng có thiện cảm với cô gái cao ráo, xinh xắn.
Khi thanh toán, Kim Dung boa cho Nhạc Di số tiền bằng nửa tháng lương làm thêm của cô. Nhạc Di từ chối, nói: "Bác viết truyện kiếm tiền cũng không dễ dàng gì. Cháu thích sách của bác, có cơ hội gặp bác cháu rất vui rồi".
Từ lần đó, Kim Dung thường xuyên tới quán, ông và Lâm Nhạc Di ngày càng thân thiết, tâm đầu ý hợp. Một thời gian sau, nhà văn quyết định ly dị Chu Mai để đến với Lâm Nhạc Di.
Sau khi kết hôn, ông đưa Nhạc Di sang học ở Australia. Trở về, cô trở thành trợ lý đắc lực của chồng.
Hạ Mộng - Mối tình trong mộng
Kim Dung từng tán dương: “Tây Thi đẹp như thế nào, chưa ai nhìn thấy. Tôi nghĩ Tây Thi phải giống như Hạ Mộng thì mới đúng là danh bất hư truyền”.
Hạ Mộng sinh năm 1932, là con một gia đình giàu có. Mẹ của Hạ Mộng là Cát thị, một người đẹp có tiếng. Gia đình Hạ Mộng đều mê âm nhạc, diễn kịch, ai cũng có thể xướng Kinh kịch, chơi nhị hồ, kinh hồ, đàn nguyệt…
Năm 1957, Kim Dung quyết định đầu quân cho Công ty Chế tác phim ảnh Trường Thành để làm một chân biên kịch, chuyên viết kịch bản điện ảnh. Lúc này, ông đã chia tay người vợ đầu và quyết định lưu lại công ty. Quyết định này về sau được “giải mã” là vì Kim Dung say mê Hạ Mộng.
Nhà văn, dịch giả Thẩm Tây Thành - người rất thân với Kim Dung nói về “thuyết Hạ Mộng”. Theo Thẩm Tây Thành, các nhân vật nữ trong truyện kiếm hiệp Kim Dung như Hoàng Dung, Tiểu Long Nữ, Vương Ngữ Yên, “từ cái liếc mắt, nụ cười đều mang bóng dáng của Hạ Mộng”.
Dù vậy, trong lòng Hạ Mộng vẫn luôn giữ khoảng cách với Kim Dung bởi đơn giản, bà là "hoa đã có chủ". Năm 1954, Hạ Mộng kết duyên với thương nhân Lâm Bảo Thành. Đến năm 1967 thì từ bỏ đóng phim và sang Canada sinh sống. Kim Dung đành ngậm ngùi: “Tuy dòng nước có tình nhưng cuối cùng vẫn phải chảy về đông...”.
Về sự kiện này, Kim Dung thậm chí viết bài xã luận đầy chất thơ, mang tên Giấc mộng xuân của Hạ Mộng. Đây cũng là lần phá lệ duy nhất của tờ Hồng Kông minh báo khi dành chuyên mục xã luận vốn về các vấn đề xã hội lớn, để chia tay một nữ diễn viên.
Nhà văn Kim Dung - tác giả hàng loạt tiểu thuyết kiếm hiệp kinh điển vừa qua đời ở tuổi 94 sau thời gian dài chống chọi với bệnh tật.
Bảo Chi (Tổng hợp)
loading...