loading...
(Thethaovanhoa.vn) - Ở tuổi 70, nhạc sĩ Phú Quang vẫn cần mẫn sáng tác và đều đặn tổ chức liveshow cá nhân, trung bình mỗi năm từ 2-3 đêm vào dịp cuối Thu, đầu Đông. Năm nay cũng thế, “nhạc sĩ của Hà Nội” sẽ tổ chức liveshow Trong ánh chớp số phận sẽ diễn ra trong 2 đêm 30 và 31/10 tại Nhà hát Lớn Hà Nội.
Dù nổi tiếngkĩ tính, nhạc sĩ Phú Quang khẳng định ông không hề cầu kỳ trong cuộc sống gia đình.
“Trong ánh chớp số phận sẽ có sự góp mặt của dàn nghệ sĩ quen thuộc gắn bó với Phú Quang như Ngọc Anh, Thanh Lam, Tấn Minh, Lê Anh Dũng, Minh Chuyên, Đức Tuấn, saxsophone Trần Mạnh Tuấn…” - nhạc sĩ Phú Quang mở đầu cuộc trò chuyện với Thể thao & Văn hóa (TTXVN).
* Nhạc mục của “Trong ánh chớp số phận” có gì đặc biệt và mới lạ không, thưa nhạc sĩ?
- Đặc biệt nhất là không có gì đặc biệt cả. Tôi làm theo thói quen thôi! Những ca sĩ hát ra được chất nhạc của tôi thì tôi sẽ mời họ hát! Còn cái mới nhất của chương trình lần này chính là toàn bài hát… cũ.
Quan điểm của tôi là chỉ có âm nhạc hay hoặc không hay chứ không quan trọng là mới hay cũ. Nếu mới mà không hay thì cũng chả để làm gì cả!
* Vậy tiêu chí để các nghệ sĩ hát ra được “chất nhạc Phú Quang” là gì?
- Tôi là một người khó tính, nhất là khi làm chương trình âm nhạc, tôi thường được gọi là "mẹ ghẻ", nhưng thực ra tôi còn là "bố của mẹ ghẻ" ấy chứ.
Cái gọi là tiêu chí cho một người nghệ sĩ hát cho ra được chất nhạc của tôi ấy là không cần phải quá cầu kỳ về hình thức, chỉ cần sự dung dị, chân thành, cho thấy sự hiểu của họ về âm nhạc, tinh thần trong âm nhạc của tôi.
Nhiều ca sĩ khi ra sân khấu thi thoảng vẫn ngoái đầu nhìn vào phía cánh gà nơi có tôi đang đứng ở đó. Hỏi tại sao thì ca sĩ bảo nhìn xem chú có nhăn nhó gì không. Tôi bảo, cứ hát thật lòng thì sẽ không bao giờ thấy chú nhăn nhó (cười).
* Như nhạc sĩ chia sẻ thì nhạc mục của chương trình vẫn chỉ là những bài hát cũ. Nhưng trong nhạc mục ấy có bài nào được hòa âm phối khí lại không, thưa nhạc sĩ?
- Hòa âm phối khí theo một phong cách mới nào đó không phải là tiêu chí của tôi. Âm nhạc của Trong ánh chớp số phận vẫn sẽ mang chất Phú Quang như tôi đã nói ở trên: dung dị, chân thành và thật lòng!
* Nhưng nhạc sĩ có sợ khán giả sẽ chán cái chất ấy vì nghe đã quen tai và đơn điệu?
- Nhầm. Tôi cho rằng âm nhạc đích thực thì không đơn điệu. Nhạc cổ điển đấy thôi, mấy trăm năm rồi nó có đơn điệu đâu. Còn việc ông này, bà kia nghĩ thêm “râu ria” vào là hay, nhưng thực ra chỉ là “phá” tác phẩm của người ta thôi. Các tác phẩm của tôi, không ai có thể phối thêm được. Vì bản thân bản phối của tôi là từ bản gốc sáng tác rồi.
Nhiều người hỏi tôi, tại sao chương trình nào của ông cũng cháy vé thế? Tôi trả lời rằng, không có gì cả, tôi chỉ làm thật như những gì tôi nghĩ mà thôi. Như đợt vừa rồi tôi làm, chẳng có gì mới, vé chỉ 6 triệu đồng/cặp nhưng vé chợ đen lên đến 25 triệu/cặp mà vẫn không có vé để bán.
* Vậy nhạc sĩ nghĩ sao về việc đời sống âm nhạc hiện này tràn ngập các bản phối mới từ những ca khúc đã cũ. Trong đó có những bản phối được người nghe khen còn hay hơn cả bản gốc?
- Âm nhạc mà hay thì sẽ được người nghe nghe nhiều lần, chứ nghe chỉ một lần thì… lại là chuyện khác. Đã là sáng tác thì không thể hôm nay hát nốt này, mai lại hát nốt khác. Đó chính là nguyên tắc của cá nhân tôi. Chẳng hạn bạn nghe nhạc của Paul Mauriat, từ xưa đến giờ chẳng có gì khác nhau, có chăng mỗi một lần đánh thì nó hoàn chỉnh hơn mà thôi.
Nhạc sĩ ở mình hầu như không biết phối, toàn đi nhờ người khác phối. Người này phối không được thì lại thuê, nhờ người khác phối. Họ cứ nghĩ rằng cách phối này là độc đáo, nhưng thực ra lại rất… chán.
Tôi là một nhạc sĩ chuyên nghiệp, học nhạc 21 năm thì không lý gì lại đi nhờ người khác viết hộ. Thế nên, tôi cho rằng những nhạc sĩ mà phải đi nhờ hòa âm, phối khí thì toàn là những ông “mù nhạc” hết!
* Ngoài ra nhạc sĩ còn thấy gì ở đời sống âm nhạc nước nhà hiện nay?
- Đời sống âm nhạc ở ta bây giờ, không phải tất cả nhưng phần lớn là nghiệp dư, không biết hòa âm phối khí. Như tôi đã nói ở trên, làm gì có ông nào sáng tác nhạc mà lại không tự phối bài hát của mình không?! Nếu như thế thì thê thảm quá!
Nhưng dẫu sao thì đời sống âm nhạc nước nhà bây giờ cũng có nhiều cái độc đáo, dù chưa thật sự hoàn hảo!
* Vậy có bao giờ nhạc sĩ Phú Quang viết nhạc theo đơn đặt hàng không?
- Rất nhiều người “đặt hàng” tôi sáng tác với giá rất cao, nhưng tôi từ chối vì tôi chỉ xúc động về sự việc, hiện tượng, con người, sự kiện nào tôi thì tôi mới viết được. Tôi là thế, sáng tác hay nói gì cũng… thật!
* Xin cảm ơn nhạc sĩ Phú Quang!
Phạm Huy - Diệu Linh (thực hiện)
loading...