Nhà soạn nhạc Stravinsky - Phá vỡ những quy chuẩn để phát triển
(Thethaovanhoa.vn) - Với âm nhạc của Bach, Mozart, Beethoven, mỗi nhà soạn nhạc có một đặc điểm khác nhau, nhưng điểm chung là ngôn ngữ âm nhạc của họ dựa trên nền tảng chân phương, mẫu mực của quy chuẩn về thể loại cũng như cơ sở điệu thức để xây dựng tác phẩm.
Nhưng thành tựu âm nhạc của Stravinsky được đánh giá cao ở việc phá vỡ những quy chuẩn đó để phát triển nhằm tạo ra một dòng âm nhạc mới mang tính thời đại.
Có lẽ với lý do đó mà NASA chọn tác phẩm của Stravinsky vào đĩa Voyager Golden của mình, một sắc màu tiêu biểu trong bức tranh âm nhạc của loài người, bởi nó tràn đầy cảm xúc nhưng cũng rất lý trí về ngôn ngữ thể hiện.
Thiên tài phá cách
Igor Fyodorovich Stravinsky (1882 - 1971) là nhà soạn nhạc, dương cầm thủ và chỉ huy người Nga. Ông được công nhận rộng rãi là một trong những nhà soạn nhạc quan trọng và có ảnh hưởng nhất của thế kỷ 20.
Stravinsky là con trai của Fyodor Stravinsky, giọng nam trầm chính của Nhà hát Hoàng gia ở St. Petersburg và Anna, một ca sĩ và dương cầm thủ nghiệp dư nhưng tài giỏi tới từ một gia tộc lâu đời của Nga. Fyodor hợp tác với nhiều nhân vật đình đám trong giới âm nhạc Nga, bao gồm Rimsky-Korsakov, Borodin và Mussorgsky, nên cậu bé Igor đã được nuôi lớn trong bầu không khí âm nhạc mãnh liệt.
Năm 1901, Stravinsky bắt đầu học luật tại Đại học Saint Peterburg, song song với đó là các lớp học riêng về hòa âm và đối âm. Người hướng dẫn Stravinsky là Rimsky-Korsakov đã vô cùng ấn tượng với những sáng tác đầu đời của cậu học trò. Vào thời điểm thầy giáo qua đời năm 1908, Stravinsky đã cho ra đời một số tác phẩm, bao gồm Piano Sonata giọng Fa thăng thứ, một symphony giọng Mi giáng trưởng và bản hòa tấu ngắn Feu D’Artifice.
Năm 1909, khi Stravinsky mới 27 tuổi, Feu D’Artifice được biểu diễn tại một buổi hòa nhạc ở St. Peterburg. Trong số khán giả có Sergei Diaghilev, người đang có tham vọng mang âm nhạc và nghệ thuật Nga giới thiệu tới khán giả phương Tây. Giống như Stravinsky, Diaghilev học luật nhưng lại bị hấp dẫn bởi thế giới sân khấu. Ông đã giới thiệu nhiều vở opera ở Paris và để thể hiện những tác phẩm này, ông đã thuê biên đạo múa Michael Fokine, nhà thiết kế Leo Bakst và vũ công Vaslav Nijinsky. Tuy nhiên, mục tiêu của Diaghilev là sản xuất những tác phẩm mới mang phong cách đặc thù của thế kỷ 20 và ông đang tìm kiếm những gương mặt mới tài năng.
Sau khi nghe Feu D’Artifice, ông đã tiếp cận Stravinsky, ban đầu để nhờ phối âm nhạc của Chopin cho bản ballet Les Sylphides và sau đó là viết những bản ballet mới. Ngay lập tức, Stravinsky phối hợp chặt chẽ với Fokine, nhận góp ý từ Nijinsky và tìm thấy ở Diaghilev nguồn cảm hứng cũng như “phẩm chất lớn lao”.
Ba tác phẩm Stravinsky kết hợp với đội ngũ này và tạo nên tiếng vang quốc tế đầu tiên cho ông là L'Oiseau De Feu (1910), Petrouchka (1911) và Le Sacre Du Printemps (1913). Cũng ngay từ những tác phẩm viết khi còn trẻ này, Stravinsky đã định hình danh tiếng của mình như một nhà cách mạng trong âm nhạc, làm thay đổi suy nghĩ của các nhà soạn nhạc về cấu trúc nhịp điệu, là người vượt lằn ranh về thiết kế âm nhạc.
Tác phẩm khởi đầu một kỷ nguyên âm nhạc
Le Sacre Du Printemps là một vở ballet, có tựa tiếng Anh là The Rite Of Spring một số tên tiếng Việt về vở ballet này là: Lễ bái Xuân, Nghi lễ mùa Xuân, Lễ đăng quang mùa Xuân, Mùa Xuân thần thánh...
Phần âm nhạc của ballet này do Stravinsky sáng tác. Le Sacre Du Printemps được biểu diễn lần đầu tại Nhà hát Des Champs-Elysees (Pháp) vào ngày 29/5/1913. Buổi biểu diễn này được xem là một sự kiện nhớ đời của Stravinsky cũng như của âm nhạc kinh viện thế giới.
Le Sacre Du Printemps nói đến một nghi thức hiến tế vào mùa Xuân của những bộ lạc cổ xưa. Ở đó, người trinh nữ được hiến tế cho Đấng tối cao sẽ nhảy múa cho đến khi chết. Vở ballet gồm có 2 màn được biểu diễn liên tục; màn 1 có 7 cảnh, màn 2 có 4 cảnh, bắt đầu mỗi màn đều có phần mở đầu.
Phần âm nhạc cho Le Sacre Du Printemps được xem là rất mới mẻ, đầy những hòa âm khác lạ, mãnh liệt, gay gắt, nhưng cũng mang tính dân tộc Nga sâu sắc khi dựa trên cơ sở của những âm điệu dân gian Nga.
Âm nhạc trong ballet này là những gì khác hẳn với loại âm nhạc mà kinh đô ánh sáng Paris thường được thưởng thức. Những hợp âm nghịch, mạnh mẽ liên tục xuất hiện và kéo dài, không thể làm hài lòng đa số những đôi tai quen nghe nhạc của Beethoven, Mozart… Nó được xem là một tác phẩm âm nhạc vô điệu tính - atonal (đối nghịch với âm nhạc điệu tính - tonal) mà các nhạc sĩ đương đại châu Âu đang theo đuổi với kỳ vọng thoát ra khỏi những thành tựu vĩ đại của các nhạc sĩ cổ điển nhằm xây dựng những thành tựu âm nhạc mới cho hậu thế.
Buồi biểu diễn đầu tiên của ballet Le Sacre Du Printemps được xem là “thất bại toàn tập” xuất phát từ phần âm nhạc của nó. Lý do là bởi khán giả chưa thể quen với thẩm mỹ âm nhạc lạ lẫm khác với những gì thường được nghe và chưa thể “tiêu hóa” những sáng tạo, cách tân dữ dội trong ngôn ngữ âm nhạc của Stravinsy ở vở ballet này.
Trong đêm diễn, nhiều khán giả đã bỏ về giữa chừng, trong số đó có nhà soạn nhạc người Pháp nổi tiếng - Camille Saint Saens.
Chưa hết, những người còn lại thì la ó phản đối, họ cho đó là thứ âm nhạc “điên rồ”, cuối buổi diễn một số khán giả phản ứng “cực đoan” bằng cách ném gậy, mũ lên sân khấu.
Tuy nhiên, chỉ sau đó vài tháng, âm nhạc cho ballet Le Sacre Du Printemps được nhiều dàn nhạc giao hưởng biểu diễn riêng như một tác phẩm hòa nhạc độc lập tại nhiều nhà hát, phòng hòa nhạc ở Paris. Và sau đó nó được biểu diễn nhiều nơi khác trên thế giới.
Các nhà lý luận âm nhạc cho rằng, Le Sacre Du Printemps là tác phẩm tiêu biểu mở đầu cho kỷ nguyên âm nhạc đương đại của nhạc kinh viện, nó là nhát gươm “ngọt ngào” kết liễu hệ thống âm nhạc giọng điệu đã tồn tại trước đó 300 năm và mở ra một giai đoạn mới cho lịch sử âm nhạc thế giới.
Vài nét về ballet “Le Sacre Du Printemps” Trong ghi chú gửi nhạc trưởng Serge Koussevitzky vào tháng 2/1914, Stravinsky miêu tả Le Sacre Du Printemps là “một tác phẩm âm nhạc - vũ điệu, giới thiệu Pagan giáo của Nga… được thống nhất bởi một ý tưởng duy nhất: Sự bí ẩn và trỗi dậy mạnh mẽ của sức mạnh sáng tạo mùa Xuân”. Vở ballet này không có cốt truyện hay người kể chuyện cụ thể nào. Nó là hình ảnh hơn là câu chuyện về Pagan giáo. Ở màn 1, nghi lễ mùa Xuân bắt đầu trên một ngọn đồi với một bà lão tiên báo về tương lai. Sau đó, các cô gái trẻ từ sông đi lên, bắt đầu nhảy “vũ điệu bắt cóc”, “vòng tròn mùa Xuân” rồi chia phe để bắt đầu “nghi lễ của các bộ tộc đối địch”. Tới đây, một đám rước linh thiêng xuất hiện, dẫn đầu là nhà hiền triết, người dừng các cuộc chơi và bắt đầu chúc phúc cho đất. Tiếp đến, mọi người lại hòa vào điệu nhảy điên cuồng, thánh hóa và hợp nhất với đất. Sang màn 2, các cô gái trẻ tham gia vào một điệu nhảy vòng tròn bí ẩn. Định mệnh đã chọn ra một trong các cô, người hai lần bị bắt trong vòng tròn vĩnh cửu và được tôn là “người được chọn” thông qua vũ điệu chiến tranh. Trong một vũ điệu ngắn, các cô gái gọi hồn tổ tiên. Người được chọn được giao phó cho các bậc thông thái. Cô nhảy cho tới chết trước những bậc thông thái, trong “vũ điệu hiến tế”. “Vũ điệu hiến tế” này chính là bản NASA đã lựa chọn vào đĩa vàng Voyager Golden. |
Nguyên Trang - Hữu Trịnh