Nghệ sĩ Quyền Linh (Kỳ 1): Từ nhóm bạn ngôi sao thời 'ăn quán ký sổ'…
Quyền Linh có lẽ thuộc thế hệ nghệ sĩ có nhiều chuyện cười ra nước mắt, dù cùng thời với Lê Công Tuấn Anh, Lê Tuấn Anh, Phước Sang, Trịnh Kim Chi... Trong khi nhóm bạn của anh là ngôi sao dòng phim “mì ăn liền” với “sô chậu” kín lịch, khán giả si mê bủa vây, thì anh chỉ đóng vai quần chúng, lạc lõng giữa tiếng tung hô của khán giả.
Một lần may mắn được đóng vai quần chúng “có âm thanh” trên màn ảnh rộng mà cả đêm không ngủ được. Trong khi bạn bè giàu có như đại gia, anh vẫn nghèo rớt mồng tơi, được họ bao nhậu, bao ăn ở, đùm bọc như anh em trong nhà.
Cái chết của Lê Công Tuấn Anh (còn gọi là Lê Công) như một “cơn địa chấn” dội vào lòng nhóm bạn thân thời bấy giờ. Bởi sinh thời, Lê Công Tuấn Anh là một người hết lòng vì bạn bè, cả vật chất lẫn tinh thần.
Những chuyện chưa kể…
Trong nhóm bạn của Quyền Linh lúc bấy giờ, Lê Công Tuấn Anh thực ra không có tên đệm là “Công”, mà tự thêmvào để phân biệt với Lê Tuấn Anh, bởi cả hai đều rất nổi tiếng thời bấy giờ. Và cách để nhóm bạn gọi thân mật, Lê Công Tuấn Anh (Lê Cu), Lê Tuấn Anh (Lê Chim), hai cái tên tếu táo ấy vẫn được dùng đến tận bây giờ, dù người còn người mất.
Điều Quyền Linh nhớ nhất là Lê Công Tuấn Anh là một người bạn hào phóng và kiếm được rất nhiều tiền thời kỳ dòng phim “mì ăn liền” gây sốt. Hai cái tên Lê Công Tuấn Anh và Lê Tuấn Anh là những bảo chứng phòng vé, là hai gương mặt gây thương nhớ với khán giả trong cả nước.
Lê Công Tuấn Anh là người hào phóng đến độ“rút ruột ra đãi bạn bè từ ăn, đến ở, bao nhậu” - lời Quyền Linh. Anh thuê hẳn một căn nhà ở trong hẻm quận 3 (TP.HCM) để những đứa bạn đi diễn đêm về, tạt qua nhà nghỉ ngơi, ăn uống. Căn nhà chỉ để nhóm bạn thân ai cần chỗ ở thì cứ về đó mà nghỉ ngơi. Quyền Linh khi đó dù chơi thân trong nhóm bạn này, nhưng chỉ “chuyên trị” những vai quần chúng, vì vẻ đẹp rất Ấn Độ của anh không lọt vào mắt xanh của những đạo diễn dòng phim “mì ăn liền”.
Cái chết của Lê Công Tuấn Anh gây sửng sốt với người hâm mộ, nhóm bạn thân cũng điêu đứng không kém khi nhận tin dữ. Quyền Linh nhớ khi đó đang lưu diễn ở tỉnh Gia Lai. Lúc nhận tin dữ, đoàn đã bán xong vé, chỉ chờ tối diễn. Nhưng ngay trong đêm cả đoàn quyết định trả tiền vé cho khán giả, vì ai mà diễn nổi trong tâm trạng ấy. Cả đoàn ngồi xe ô tô về Sài Gòn ngay trong đêm để lo tang lễ cho bạn, nhóm khóc như mưa vì quá sốc trước quyết định của Lê Công Tuấn Anh.
Lê Công Tuấn Anh là một người hào phóng, hoạt bát, dân chơi thứ thiệt. Khi nhậu hết tiền, đưa bạn sợi dây chuyền trên cổ đổi lấy tiền về nhậu tiếp. Quyền Linh cũng tiết lộ rằng, Lê Công Tuấn Anh không là người dễ nghĩ đến cái chết hoặc dễ buông xuôi mọi thứ. Thậm chí, đó là một người rất mực chu đáo, hào phóng, tình cảm với bạn bè, đồng nghiệp.
Trong dòng hồi ức của Quyền Linh, mái nhà chung của anh và nhiều nghệ sĩ thời bấy giờ là Nhà hát Kịch TP.HCM, do thầy Trần Ngọc Giàu làm trưởng đoàn. Thầy giống như người anh, người cha, người chú thân thiết với tất cả anh chị em trong đoàn như một đại gia đình. Còn Lê Công Tuấn Anh khi ấy là một ngôi sao lớn, nhưng chỉ nổi tiếng ở sân khấu và phim ảnh vậy thôi. Về đến đoàn, Lê Công lại tự đi chợ, xắn tay vô bếp nấu ăn cho cả anh em hậu đài. Hoặc hôm nào nhận được cát-sê lớn là bao cả đoàn đi nhậu tới bến luôn.
Thời ấy, ở vị trí ngôi sao, nhưng khi đi diễn ở vùng sâu vùng xa, Lê Công không đòi hỏi phải có vị trí này vị trí kia, anh sẵn sàng trải chiếu ra đất nằm ngủ ngon lành.
Thời ấy Lê Công chạy show đến mức đói ngủ triền miên. Có bận đang diễn kịch cùng Quyền Linh trên sân khấu, hết phân cảnh thì Lê Công vô hậu đài. Một mình Quyền Linh diễn trên sân khấu mà đợi mãi không thấy ra. Hoảng quá, vì tình huống này không có trong kịch bản. Quyền Linh vội nhắn hậu đài đi tìm, vì không thể độc diễn mãi. Sau một hồi chạy tìm, thì thấy Lê Công đang ngủ ngon lành ở một góc sân khấu, chẳng có dáng dấp gì của một ngôi sao. Còn một lần khác, khi đoàn phim đi quay ở tỉnh, đợi 2 tiếng không thấy Lê Công đâu, đành gác máy. Một lúc sau thì thấy anh đang nằm ở bụi chuối, ngủ say sưa.
Những lần đi diễn cùng thì Quyền Linh kiêm thêm việc giữ đồ đạc cho Lê Công. Hồi đó Lê Công đi lại bằng xe Jeep và Vespa, chạy show mệt đến mức không có thời gian thay cả thắng, bởi chương trình nào dù là tạp kỹ, cứ có Lê Công là cháy vé. Quyền Linh chia sẻ rằng “câu thoại” thi thoảng của anh lúc đó với Lê Công là: “Ê mày còn tiền không?” Thế là sẽ được dúi cho vài trăm ngàn tiêu vặt, nhờ thế mà đủ sức theo nghề.
Gần một thập niên đóng vai phụ
Vở kịch Tôi chờ ông đạo diễn của đạo diễn Lê Hoàng phần nào nói lên nỗi cám cảnh của Quyền Linh khi “đói vai”. Quyền Linh được mời đóng vai phụ, là con của nghệ sĩ Minh Hạnh trong vở kịch. Sau vở kịch rất đúng hoàn cảnh của chàng diễn viên trẻ Quyền Linh khi ấy, Lê Hoàng đã mời anh vào tiếp một vai phụ trong vở kịch nổi tiếng của tác giả Lưu Quang Vũ là Bông cúc xanh trên đầm lầy. Nhân vật mà anh thủ vai mờ nhạt đến mức anh không thể nhớ nổi mình đã đóng vai diễn đó như thế nào?
Rồi một ngày đẹp trời, Lê Hoàng mời Quyền Linh vào một vai diễn điện ảnh, thật sự là “cú sốc đầu đời”, khiến anh hạnh phúc, lâng lâng, chân lúc nào cũng ở trạng thái… chưa chạm đất. Lúc ra trường quay, chuẩn bị vào vai, Quyền Linh gặp riêng chị hóa trang thì thầm: “Chị giúp em hóa trang đẹp chút, lần đầu tiên em đóng phim điện ảnh. Em chờ mòn mỏi 5 năm rồi chị ơi!”. Lúc ê-kíp chuẩn bị xong, đọc kịch bản cũng đã ngấm, thì thư ký trường quay xuất hiện đưa cho Quyền Linh một cái mặt nạ trùm kín mít gương mặt, chỉ để hở đôi mắt. Bởi vai diễn của Quyền Linh là gián điệp, nên từ đầu đến cuối phim sẽ không được để lộ gương mặt. Suốt bộ phim ấy, cảm giác như bước xuống hố sâu chơi vơi, buồn khó tả.
Sau phim này, Lê Hoàng lại mời tiếp Quyền Linh vào một vai khác, quay ở hồ Con Rùa. Vẫn tuyến nhân vật gián điệp đó, bị đối thủ đập chết, rút mặt nạ ra và hết phim. Quyền Linh gãi đầu gãi tai một hồi, cười xòa khi có dịp hội ngộ Lê Hoàng: “Em và anh chỉ có duyên ngoài đời, không có duyên trong nghệ thuật”.
Dù được đào tạo bài bản ở trường lớp, cùng thế hệ đồng thời cũng là bạn thân của vài ngôi sao, nhưng Quyền Linh dường như chỉ biết “thổn thức” với ước mơ diễn viên chưa thành sự thật. Khi vẫn còn đang khắc khoải, như chết đuối vớ được cọc, một đạo diễn phim truyền hình mời vai. Nhớ lời mẹ thường nhắc: “Sao mẹ thấy mày theo phim ảnh mà không thấy mặt trên tivi bao giờ?” Lúc ấy Quyền Linh mới đánh trống lảng nói con đóng kịch, đóng phim điện ảnh ở màn ảnh rộng. Quyền Linh đọc kịch bản ngấu nghiến, cả đêm không ngủ được. Đến khi ra trường quay, hỏi em đóng vai gì? Đạo diễn hồ hởi: “Anh cho mày xuất hiện từ đầu đến cuối phim luôn”. Dù đạo diễn không hề biết chơi chữ, nhưng vai diễn của Quyền Linh là anh lính bồng gươm đứng cạnh vua, chỉ có một lời câu thoại: Dạ!
- Ngẫm từ việc nghệ sĩ Quyền Linh giã từ showbiz: Vun đắp điều thiện
- Nghệ sĩ Quyền Linh: Giải Cánh diều rất to nhưng không có tiền
Không thể ngồi ở nhà ăn bánh mì ký sổ và chờ đạo diễn gọi, Quyền Linh cứ lê lết ở Hãng phim Giải phóng tìm cơ hội, những mong một cái liếc mắt mời gọi. Lúc ấy, Quyền Linh thấy các nghệ sĩ Thương Tín, Giáng My, Nguyễn Chánh Tín… như những tượng đài sừng sững, thật choáng ngợp. Quyền Linh cũng có dịp hợp tác với Thương Tín trong Đoàn Kịch nói Kim Cương, anh đóng vai quần chúng. Khi nhận cát-sê, ngồi đếm tiền cạnh Thương Tín, mới biết thù lao của đàn anh là 100.000 đồng/đêm, còn mình chỉ có 3.750 đồng/đêm. Đến khi đóng phim Chân dung màu đỏ của đạo diễn Hồ Nhân, lúc ấy Quyền Linh tạm ứng 200.000 đồng, mà đã run tay, quay sang thấy Thương Tín cầm cả cọc tiền, không thể đếm nổi là bao nhiêu nữa.
Đóng vai phụ, vai quần chúng hoài cũng trở nên khôn lỏi một chút, luôn tìm cách đứng gần vai chính hoặc vai thứ để hình ảnh được khán giả nhìn thấy nhiều hơn.
Quyền Linh kể: “Đóng quần chúng chuyên nghiệp từ năm 1986 cho đến 1994, gần một thập niên đi tìm vai diễn có thân phận. Tưởng chừng giấc mộng ấy đã không thành thì được gặp Trịnh Kim Chi, được đóng một vai diễn có thân phận, vì Lê Công Tuấn Anh bỏ vai. Đó cũng là vai đầu tiên giúp tôi trở thành diễn viên chính thức”.
(Còn tiếp)
Hoàng Thủy