loading...
(Thethaovanhoa.vn) - Rồi tới luôn của Nal là ca khúc gây được nhiều chú ý nhất của nhạc Việt đại chúng trong tuần qua. Sau một tuần phát hành trên Zing MP3, Rồi tới luôn bất ngờ đạt 3 triệu lượt nghe và thẳng tiến vào vị trí quán quân Top 10 bảng xếp hạng #zingchart tuần 31.
Kể từ hôm nay, thứ Ba, 6/4/2021, báo Thể thao và Văn hoá ra mắt chuyên mục "Nhạc Việt ngày nay".
Trong khi đó, trên kênh YouTube cá nhân mang tên Nal Official, Rồi tới luôn được phát hành ngày 25/7 và cũng sau một tuần thì có mặt trong Top 13 thịnh hành YouTube Việt Nam.
Tính đến 9/8, Rồi tới luôn đạt khoảng 12 triệu lượt nghe trên YouTube.
Vui tai
Trong khi phần lớn những sản phẩm âm nhạc đại chúng dành cho giới trẻ hiện nay thường cuốn theo những nhịp điệu sôi động và âm hưởng mang tính thời thượng như R&B, rap, nhạc điện tử, hay những điệu ballad trữ tình... Rồi tới luôn dường như đi ngược. Ca khúc được sáng tác trên nền nhịp điệu cha cha cha. Dường như, cái nhịp điệu đã ở vào “thời xa vắng” của nhạc Việt đại chúng và chưa nhìn thấy cơ hội trở lại này lại bất ngờ xuất hiện. Có lẽ đó cũng là 1 trong những tác nhân khiến Rồi tới luôn tạo được sự khác biệt, khiến công chúng chú ý.
Dẫu khai thác nhịp điệu đã xưa, nhưng việc xử lý âm thanh có sự can thiệp của nhạc điện tử và các kỹ xảo âm thanh (cả ở phần nhạc nền cũng như giọng hát) đã tạo màu sắc mới, giúp cho điệu nhạc xưa này không hề cũ khi nó vang lên. Sự can thiệp của kỹ thuật xử lý âm thanh phòng thu nhiều lúc có vẻ như làm khó người nghe, khiến họ phải căng tai mới nghe rõ ràng được phần ca từ. Nhưng chính điều này có khi cũng lại là một dấu ấn để khán giả phải nhớ.
Trên nền điệu cha cha cha vui nhộn, ca khúc được viết mang màu sắc của giọng thứ, vừa tạo tính tươi vui, dí dỏm, lại vừa tạo nên sự trữ tình duyên dáng đan xen.
Dân dã
Ngay cái tên Rồi tới luôn đã thể hiện sự dân dã, chân chất của người dân sông nước miền Tây. Thế nhưng không chỉ có cái tên, nội dung ca từ cũng hết sức dân dã. Đó là lời cầu hôn của chàng trai với người yêu của mình, hết sức chân quê, thật thà: “Em đang cô đơn, thì bàn tay đâu đưa đây”. Rồi thì: “Em ơi em ở đâu anh mang trầu cau qua rước dâu luôn”. Còn nữa: “Người chịu anh đi, em sẽ được rất nhiều/ Đời không đắn đo em cần chi phải lo”. Và còn nữa: “Tính toán cho gần, cuộc đời đâu như thế/ Trên dưới phu thê, hai đứa về bên nhau”. Chàng trai không ước mơ gì cao sang, mà chỉ mong được nên vợ nên chồng, rồi “mai đây ta sang giàu, quá xá to thịt kho rau muống”...
Đoạn ca từ “Em nè em có muốn đi về làm dâu/ Đừng có bắt anh phải buồn rầu/ Xập xình xập xình nhạc đong đưa...” rất rộn ràng, dân dã.
Đậm đà
Rồi tới luôn vẽ lên bức tranh thôn quê phì nhiêu, con người hiền hòa, tràn đầy niềm vui sống. Ở đó có những chàng trai, những cô gái phơi phới tuổi xuân, có những ước mơ lứa đôi bình dị như bao đời nay.
Tô thêm chất dân gian cho ca khúc là cách phát âm đậm màu sắc địa phương của ca sĩ thể hiện. Ca khúc còn sử dụng câu hò một cách chủ ý: “Ơi hò ơi! Hò ơi! Ra Giêng em nên lấy chồng...”.
Việc sử dụng nhạc nền điệu cha cha cha cho ca khúc cũng là một cái hay. Bởi lẽ, ta gọi là cha cha cha theo cách gọi của âm nhạc phương Tây, và thực tế đúng là như vậy. Nhưng cũng trên thực tế, nhịp điệu được dùng trong bài hát này đã có từ hàng trăm năm, trước khi cha cha cha của âm nhạc phương Tây du nhập vào Việt Nam. Đó là những nhịp điệu âm nhạc rất đặc trưng, thiên về tiết tấu trong âm nhạc truyền thống của đồng bào Khmer. Sự kết hợp giữa âm điệu này với những lời ca dân dã đã tạo nên nét đặc trưng cho vùng sông nước Tây Nam Bộ.
Và vì vậy, việc Rồi tới luôn sử dụng những chất liệu về âm nhạc, ca từ là hoàn toàn có chủ ý và đã đạt được những hiệu quả nhất định.
MV "Rồi tới luôn":
Hơi thiệt
Dự là Rồi tới luôn sẽ trở thành bản hit quấy đảo miền Tây Nam bộ trong mùa cưới năm 2021 này nếu như không có sự cản trở của dịch bệnh Covid-19.
Trong quá khứ gần, cũng từng có ca khúc gắn liền với mùa cưới từng gây chú ý trong nhiều năm liên tiếp, đó là Vợ người ta của Phan Mạnh Quỳnh. Giữa Rồi tới luôn và Vợ người ta có nhiểu điểm chung. Cả 2 đều có tính giải trí cao, mang lại sự sảng khoái cho người nghe. Cả 2 đều mang chất dân gian ở những mức độ khác nhau. Cả 2 đều gợi lên hình ảnh những đám cưới chốn thôn quê bình dị của Việt Nam. Nhưng sự khác biệt là Vợ người ta khiến cho khán giả liên tưởng tới những đám cưới chốn thôn quê dân dã ở miền Bắc, còn Rồi tới luôn là những đám cưới chốn thôn quê dân dã ở miền Tây Nam bộ.
Cũng trong quá khứ, nhiều ca khúc đậm đà chất dân gian Nam Bộ nói về chuyện các đôi lứa kết duyên tơ hồng trăm năm đã ra đời, với sự gần gũi trong cả âm nhạc cùng lời ca, luôn tạo được sự lan tỏa trong cộng đồng. Những ca khúc này sống dài theo năm tháng, những thế hệ tiếp nối thế hệ xây đắp những lứa đôi hạnh phúc. Chẳng hạn có thể kể ra đây Ngày xuân vui cưới của ca sĩ, nhạc sĩ Quốc Anh hay Tơ duyên của nhạc sĩ Hoàng Trang, Đám cưới trên đường quê của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ...
Tất nhiên, mỗi giai đoạn, mỗi ca khúc, mỗi tác giả sẽ có những nét riêng. Tuy những nét riêng đó không thể so sánh nhưng rõ ràng, những ca khúc mang chất liệu dân gian, mang ước mơ về một cuộc sống lứa đôi hạnh phúc luôn có một chỗ đứng trong lòng công chúng. Cho nên việc “tung” Rồi tới luôn ở thời điểm mọi hoạt động đều bị ngưng trệ này dù được công chúng đón nhận một cách bất ngờ nhưng có lẽ vẫn hơi thiệt thòi cho chủ nhân của ca khúc. Song, nếu thực sự có “duyên”, nó sẽ còn ở lại trong lòng công chúng trong thời gian dài.
Tiếp tục đi
Chủ nhân của Rồi tới luôn là ca sĩ có nghệ danh khá lạ Nal. Nal tên thật là Hồ Phi Nal, sinh năm 1997 tại Đồng Tháp. Trước đây, Nal cũng đã từng giới thiệu ca khúc Cô đơn dành cho ai đượm buồn, cũng đã được khán giả đón nhận.
Có một điều đáng nói ở đây, ngoài giọng hát được đánh giá cá tính, Hồ Phi Nal còn có khả năng sáng tác. Ca khúc Rồi tới luôn cũng chính là sản phẩm do chàng trai trẻ này tự sáng tác và thể hiện.
Hiện tượng nghệ sĩ tự sáng tác, tự thể hiện tác phẩm của chính mình ngày càng xuất hiện nhiều hơn trong đời sống nhạc Việt. Đó là một tín hiệu vui, góp phần tạo sự phong phú, tính chuyên nghiệp và cho thấy sự đa năng của nghệ sĩ Việt trong lĩnh vực âm nhạc.
Một nhạc sĩ, ca sĩ còn rất trẻ như Hồ Phi Nal mà đã có những tác phẩm hướng tới việc khai thác chất liệu dân gian, những đặc trưng mang tính vùng miền để đưa vào tác phẩm là điều rất đáng khuyến khích. Việc sáng tác một ca khúc và thực hiện bản hòa âm mang đậm màu sắc vùng miền, mang đậm yếu tố dân gian vùng sông nước Tây Nam Bộ, mang sự kết hợp giữa màu sắc, nhịp điệu âm nhạc phương Tây với âm nhạc người Kinh và Khmer đã tạo nên một bức tranh đẹp trong ca khúc.
Hướng khai thác này chính là điều mà nhạc Việt đại chúng và cả những loại hình âm nhạc khác đã, đang và cần hướng tới. Chính vì vậy, việc một tác giả trẻ sinh năm 1997 sáng tác một ca khúc đậm chất dân gian là một tín hiệu mừng. Trong khi đó, việc công chúng đón nhận một ca khúc mang chất dân gian cũng là một tín hiệu đáng mừng tiếp theo.
Sự đón nhận từ công chúng hy vọng sẽ tiếp thêm động lực cho không chỉ chủ nhân Rồi tới luôn mà còn cho nhiều nghệ sĩ, đặc biệt là các nghệ sĩ trẻ hướng tới việc khai thác này trong tương lai. Để rồi từ đây, nhạc Việt đại chúng có thêm nhiều tác phẩm vừa gần gũi với đời sống và phù hợp với nhu cầu của công chúng, vừa có mối liên hệ với văn hóa dân gian và chất liệu âm nhạc dân tộc.
Điểm 7,6/10
|
Nguyễn Quang Long
loading...