MC Phan Anh, Thái Thùy Linh chia sẻ 'Cá nhân làm từ thiện thế nào cho đúng?'
(Thethaovanhoa.vn) - Không thể phủ nhận những ồn ào từ thiện đã khiến tên tuổi của Hoài Linh bị ảnh hưởng, Công Vinh – Thuỷ Tiên hay Trấn Thành... cũng bị tác động từ sự việc nhạy cảm lần này. Vậy, cá nhân làm từ thiện thế nào cho đúng?
Với mong muốn tìm hướng đi đúng cho hoạt động từ thiện cá nhân, để yêu thương nối dài những yêu thương chứ không phải những ồn ào, thị phi hay trách móc…, báo Đại Đoàn Kết đã tổ chức buổi toạ đàm trực tuyến với chủ đề “Cá nhân làm từ thiện thế nào cho đúng?” diễn ra vào lúc 14h chiều nay (24/9).
Khách mời của chương trình gồm: TS Lưu Bình Nhưỡng, ĐBQH khoá XIV; Đại tá, Tiến sĩ, luật sư Lê Ngọc Khánh và một số nghệ sĩ nổi tiếng thường xuyên tham gia các hoạt động từ thiện: MC Phan Anh; ca sĩ Thuỷ Tiên; ca sĩ Thái Thuỳ Linh.
Tuy nhiên, theo thông báo của BTC, đến phút cuối, nữ ca sĩ Thủy Tiên đã không thể tham gia vì lý do sức khỏe. Thay vào đó, Thủy Tiên ủy quyền cho luật sư tham gia sự kiện này nhưng đại diện BTC cho rằng như vậy là không phù hợp nên chương trình diễn ra mà không có ca sĩ Thủy Tiên.
"Phút cuối ca sỹ Thuỷ Tiên thông báo có vấn đề sức khoẻ, cử luật sư đại diện tham gia. Tuy nhiên, cuộc toạ đàm này chúng tôi không nhằm vào vấn đề cá nhân gây tranh cãi. Bởi vậy, sự có mặt của luật sư đại diện Thuỷ Tiên là không phù hợp" - nhà báo Lê Anh Đạt, Quyền Tổng Biên tập báo Đại Đoàn Kết cho biết.
Vấn đề mấu chốt của việc làm từ thiện
Tại buổi tọa đàm này, Đại tá, Tiến sĩ, Luật sư Lê Ngọc Khánh nêu quan điểm: "Có mấy vấn đề, trước hết vấn đề từ thiện là hết sức cần thiết. Xã hội cần góp sức. Vì Nhà nước không thể nào đáp ứng ngay lập tức và kịp thời với nơi khó khăn. Vì vậy hoạt động của các nhà hảo tâm là rất cần thiết. Về hành lang pháp lý chúng ta có tương đối đầy đủ. Như Nghị định 64 của Chính phủ. Nghị định 93 cũng nêu rõ cá nhân được làm từ thiện. Nghị định 93 là nghị định tôi rất quan tâm và đã nói rõ mọi cá nhân được làm từ thiện – nhưng có một điều là chúng ta phải lập quỹ. Đây là vấn đề mấu chốt.
Theo tôi muốn làm từ thiện tốt trước hết chúng phải có tâm, sau đó chúng ta phải lập quỹ theo quy định của Nghị định 93. Chúng ta có nhóm sáng lập viên lập quỹ.
Vừa rồi nói chuyện sao kê. Sao kê vừa rồi của các nghệ sĩ nêu lên rất đúng, rất tốt rồi nhưng chưa đủ đâu. Sao kê chưa hết. Sao kê, ngân hàng thì tiền vào ngân hàng và tiền ra ngân hàng. Nhưng khi đã ra khỏi ngân hàng rồi thì làm sao có thể kiểm soát được. Ví dụ một cá nhân vận động quyên góp được 100 tỷ, rút ra 100 tỷ từ ngân hàng nhưng sau khi rút ra thì tiêu vào việc gì, tiêu cho ai? Thì ai biết. Vì vậy chi cho ai, chi việc gì cần có danh sách, cần có sự ký nhận đầy đủ. Vì vậy, sau khi rút tiền từ ngân hàng ra thì tiêu cho ai, làm gì phải hết sức rõ ràng?
Các cụ nói cây ngay không sợ chết đứng. Ví dụ nghệ sĩ Kim Cương, 50 năm làm từ thiện nhưng chưa có điều tiếng gì. Tôi cũng đã từng đi làm từ thiện, cũng đã quyên góp nhưng chúng tôi không bao giờ cầm tiền. Mà sau khi quyên góp rồi, chúng tôi phải chuyển cho các đơn vị chức năng như Hội chữ thập đỏ. Chúng tôi chỉ kiểm soát bằng các thông tin từ người nhận cụ thể".
Ông Lưu Bình Nhưỡng nêu ý kiến: “Từ thiện liên quan đến lòng tốt, uy tín và cái tâm của con người. Tôi khẳng định, lòng tốt vô hạn về không gian và thời gian.
Ở đây, nhìn lại các quy định đã đưa ra trong Nghị định 64,có thể thấy rõ việc cá nhân thành lập quỹ từ thiện đã là không đúng pháp luật rồi, chưa bàn đến việc chúng ta có trục lợi hay không. Lòng tốt nếu thiếu lý trí sẽ trở nên nguy hiểm.
Ở đây tôi muốn nhấn mạnh 3 ý: Một là, phải khẳng định làm từ thiện mang tính trách nhiệm xã hội, tôi cho rằng, hiện nay dựa trên cơ sở uy tín của người nổi tiếng cũng là tốt, không nên cấm cá nhân làm từ thiện, nhưng quan trọng là cần phải có cơ chế pháp lý để kiểm soát việc làm đó.
Thứ hai, phải quy định những người đủ năng lực để làm, và làm theo cách nào, chứ không để cho người ta tự mò mẫm, anh Phan Anh, chị Thủy Tiên hay chị Thái Thùy Linh thời gian qua lam từ thiện đều đang mò mẫm. Phải xã hội hóa để toàn xã hội được làm từ thiện.
Và thứ ba, phải có cơ sở pháp lý để xử lý, để những người làm từ thiện bám vào đó thực hiện, chứ không phải thích làm kiểu gì thì làm. Như vậy để tránh tình trạng trục lợi. Còn cũng không nên cấm cá nhân làm từ thiện.
Quan trọng, khi ra một chính sách phải nghiên cứu rất kỹ, quan điểm của tôi là cần phải xã hội hóa công tác từ thiện nhưng phải có cơ chế để kiểm soát việc làm từ thiện của cá nhân..
MC Phan Anh và ca sĩ Thái Thùy Linh nói gì?
Khi được hỏi về nguyên nhân, mục đích cũng như tố chân cần có khi làm từ thiện, MC Phan Anh chia sẻ: “Đối với tôi, điều khó khăn nhất khi làm thiện nguyện cho cộng đồng là mình phải ghi nhận được tham sân si và chế ngự được tham sân si đó. Khi hỗ trợ bà con 2016, mọi người tôi có tham không, tôi nói rằng mình có. Đây không phải là tham tiền, nhưng tham về sự ghi nhận của mọi người dành cho mình.
Trong 1 ngày tôi nhận 8 tỷ đồng, tôi liền tự nhủ nọi việc đang quá sức mình, mình có làm được không? Nhưng tôi vẫn thích số tiền chảy vào tài khoản của mình, tức là thích sự ghi nhận của mọi người, thích sự tin tưởng của mọi người”, Phan Anh nói.
Tôi tham sự ghi nhận của mọi người dẫn đến không còn tỉnh táo nữa, tôi chỉ cá nhân, sức mình có hạn, không lường trước vấn đề của mình. Rồi có cả sân nữa, mình thấy ai đó ý kiến về mình, mình ghét người ta, thế là mình sân, mình si mờ trong việc đó.
Cuối cùng nó thành hành trình không thiện nguyện nữa mà rơi vào việc khác. Nhiều lúc tôi tự hỏi, ôi sao mình làm việc tốt mà sao mình vướng vào thị phi này. Lúc đó, tôi quên mất niềm vui và hạnh phúc khi bắt đầu hành trình thiện nguyện là mang lại ấm áp cho bà con. Tôi đã từng không ghi nhận được tham sân si của mình trong vấn đề đó.
Bởi vậy, tôi nghĩ rằng khi bắt đầu làm thiện nguyện phải hiểu rõ rằng bạn đang làm điều gì, làm cho ai và bạn thấy hạnh phúc với việc đó thôi là đủ rồi. Phải gạt bỏ mọi tham sân, sân, si trong người.
Thái Thuỳ Linh chia sẻ về từ thiện cá nhân: “Với cá nhân tôi, ngay từ những lần đầu tự đứng ra tổ chức chương trình thiện nguyện, Linh đã xác định nhiệm vụ là làm sao lan tỏa những giá trị, ý nghĩa cao đẹp, hiệu quả của thiện nguyện đến mọi người.
Với tôi, việc sắp xếp được thời gian rất khó khăn để dung hoà việc nhà, đi làm, nuôi dạy con và cống hiến cho xã hội. Đôi khi tôi áy náy vì không thể trả lời hết mọi người, không thể giúp hết được. Tôi may mắn đã đi qua khúc khó khăn đi tìm câu hỏi tại sao mình ở hiền mà không gặp lành. Năng lượng tôi bị tụt giảm vì không trả lời được câu hỏi này. Tôi nghĩ chìa khoá quan trọng là xã hội luôn có những người yêu và ghét nên hãy xác định làm vì ai, giúp cho họ được chưa. Nếu không làm vậy sẽ dừng lại con đường này rất sớm”.
Ca sĩ Thái Thuỳ Linh nói thêm: “Tôi có ban kiểm toán giám sát thu chi. Hiện nay chiến dịch Người Việt thương nhau có 7 người trong ban kiểm toán để cùng nhau kiểm tra chéo. Tôi được ngân hàng cấp số tài khoản 4 số để mọi người đều có thể kiểm tra được. Tôi có giải pháp: Tối ưu nguồn lực, ai giỏi gì làm đó, tôi chỉ là người khởi xướng và kết nối mọi người lại”.
MC Phan Anh tiếp tục chia sẻ: “Tôi làm từ thiện và hiểu pháp luật. Năm 2016, người ta đã hỏi rất nhiều rằng liệu tôi có vi phạm pháp luật không. Chúng ta được quyền làm pháp luật không cấm. Các cá nhân đứng lên kêu gọi là việc được khuyến khích, quan trọng là làm thế nào cho đúng. Tôi ủng hộ tuyệt đối phải minh bạch, đó là điều kiện tiên quyết. Tôi minh bạch không phải để bảo vệ mình mà còn bảo vệ niềm tin của mọi người dành cho mình. Nên việc sao kê là điều đương nhiên.
Tôi lập một website đã 5 năm rồi để bảo vệ bản thân và bảo vệ mọi người. Nếu phát hiện tôi ăn chặn, hãy cứ thưa kiện. Tôi mong những thị phi chấm dứt để những người làm từ thiện chân chính được tiếp thêm động lực thay vì vùi dập.
Cách thức của cộng đồng đang làm bây giờ khiến người làm từ thiện nản chí hay không? Nếu chúng ta đã làm thì mọi người có quyền đòi hỏi trách nhiệm, minh bạch. Đó là điều công chúng có quyền đòi hỏi ở nghệ sĩ”.
Mình nghĩ mình trong sáng nên cứ làm nhưng mình đâu phải kế toán. Mình không làm từ thiện chuyên nghiệp nhưng phải cố gắng có người có nghiệp vụ trong ê-kíp, đừng ôm vào. Có lúc tôi từng nghĩ mình đủ giỏi vì gì cũng làm được. Nhưng câu chuyện làm từ thiện đòi hỏi nhiều thứ, không thể đơn độc, nên cần người chuyên nghiệp để hỗ trợ”.
Làm từ thiện thế nào cho đúng?
Khi được hỏi, với những gì đang diễn ra trên thực tế về cá nhân làm từ thiện, theo anh/ chị cách nào để cá nhân làm từ thiện thế nào cho đúng, để những người tiếp theo không rơi vào những thị phi như đã có, ca sĩ Thái Thùy Linh nêu quan điểm: "Làm thiện nguyện không hiệu quả thì đừng làm. Làm hiệu quả mà không minh bạch thì cũng vứt. Ý thứ ba là phải đóng góp chia sẻ cho cộng đồng bằng thay đổi cách tư duy về thiện nguyện. Chúng ta đang sống trong một cộng đồng thích thị phi. Chỉ khi cùng nhau xây dựng cộng đồng thích những hoạt động thiện nguyện minh bạch thì mới không còn thị phi. Mỗi người phải góp sức thay đổi cộng đồng đó.
Xoay quanh câu hỏi trên, ông Lưu Bình Nhưỡng nói: "Làm từ thiện phải làm từ tâm, đừng thấy thị phi mà từ bỏ. Muốn chống thị phi phải tiếp tục làm đúng. Nhân chương trình Tọa đàm của Báo Đại Đoàn Kết, tôi cũng mong bạn đọc cần lĩnh hội một số yếu tố sau: Khi làm từ thiện, cần đề cao tinh thần đạo đức, đi làm từ thiện mà không có đạo đức thì không làm được. Thứ hai phải dựa vào pháp luật để làm. Thứ ba, phải có phương pháp làm từ thiện, không phải muốn làm thế nào cũng được.
Như vậy có 3 yếu tố quan trọng để làm từ thiện hiệu quả, đó là: Đạo đức, pháp luật và phương pháp tốt".
Đại tá, tiến sĩ Lê Ngọc Khánh thì cho rằng, nếu không minh bạch thì chúng ta không thể làm được gì. Về việc làm từ thiện, nó có vấn đề lòng tin. Tôi phải nói thật, một số người dân có một chút mất lòng tin với các tổ chức xã hội nên họ có lòng tin vào các nghệ sĩ về các người nổi tiếng. Nhưng vừa rồi một số nghệ sĩ, người nổi tiếng lại làm mất lòng tin của dân chúng. Vì vậy họ mất lòng tin vào công tác thiện nguyện.
Nếu chưa minh bạch, chúng ta phải đối diện với dư luận. Đòi hỏi của dư luận là rất đúng. Vấn đề chúng ta có trong sáng hay không, có công tâm hay không? Nếu chúng ta đủ cả sự trong sáng, cả sự công tâm thì đừng có sợ thị phi".
***
Trở lại với câu chuyện nghệ sĩ làm từ thiện, trong đợt cứu trợ đồng bào miền Trung, Thuỷ Tiên kêu gọi được 178 tỷ đồng cho 7 tỉnh thành. Tuy nhiên, nhiều người nói rằng vợ chồng Thuỷ Tiên – Công Vinh nhận được nhiều hơn số tiền công bố.
Trước những ồn ào đó, nữ ca sĩ gốc Kiên Giang tuyên bố sẽ đến ngân hàng để livestream công bố in sao kê. Vợ chồng nữ ca sĩ có mặt tại ngân hàng ở quận 7, TP. HCM vào 17/9 có sự chứng kiến của luật sư và cơ quan báo chí.
Giọng ca gốc Kiên Giang làm thủ tục ký nhận 18.107 trang sao kê, đựng trong 8 thùng carton. Vợ chồng Thủy Tiên – Công Vinh cho biết trong 40 ngày quyên góp cho nạn nhân bão lũ miền Trung, từ ngày 13/10 - 23/11/2020, số tiền cô nhận được là 177 tỷ 520 triệu đồng.
- Công Vinh – Thủy Tiên tuyên bố kiện những người vu khống
- Thủy Tiên – Công Vinh in hơn 18.000 trang sao kê tiền, phản bác nhận hơn 300 tỷ đồng
- Công Vinh bác bỏ tin Thuỷ Tiên nhận hơn 300 tỷ đồng từ thiện
Công Vinh cũng phản bác thông tin cho rằng sau khi kết thúc các đợt từ thiện, khán giả vẫn ủng hộ đồng bào miền Trung bằng việc chuyển tiền vào tài khoản của Thủy Tiên. Cựu cầu thủ nổi tiếng nói đã sao kê giấy ngân hàng cho thấy 3 tháng sau khi kết thúc chuyến từ thiện miền Trung, từ ngày 24/11/2020 đến ngày 24/2 năm nay, số tiền trong tài khoản của Thủy Tiên là hơn 4,6 triệu đồng.
An Nhiên