'La Dolce Vita', siêu phẩm vừa được tung hô, vừa bị phỉ nhổ
Đạo diễn Federico Fellini đóng góp cho điện ảnh thế giới 2 tác phẩm thuộc hàng kinh điển, gồm Rome Open City (1945), khi ông còn là trợ lý đạo diễn và đồng biên kịch, và sau đó là La Dolce Vita (1960), phim do ông đạo diễn và đồng biên kịch. Tác phẩm thứ hai khiến người ta khó quên hơn.
Diễn viên chính của phim là tài tử Italy, Marcello Mastroianni, và nữ diễn viên được mệnh danh là “biểu tượng tình dục” Anita Ekberg, Hoa hậu Thụy Điển 1950. Thông tin La Dolce Vita sắp được quay phiên bản mới của thế kỷ 21 khiến giới yêu điện ảnh nức lòng chờ đón.
Được vỗ tay và bị phỉ nhổ
Bộ phim kể về Marcello Rubini, một nhà văn trung lưu ôm mộng văn chương, nhưng lại bỏ dở để làm nghề phóng viên viết các cột báo tin đồn thời thượng và chuyên đưa tin về những nhân vật sống xa hoa, hưởng lạc ở Via Veneto, một trong những khu phố giàu có và đắt đỏ nhất thành Rome.
Cư dân ở đó thuộc tầng lớp quý tộc đẳng cấp thế giới, các gương mặt giải trí, lớp nhà giàu mới phất và những người giao du với họ. Người phóng viên tên Marcello Rubini (Mastroianni đóng), đẹp trai, có hoài bão nhưng yếu đuối. Sau khi Mastroianni qua đời năm 1996, người ta công nhận vai diễn La Dolce Vita chính là đỉnh cao của sự nghiệp ông.
Còn Anita Ekberg, minh tinh thủ vai người đàn bà trong mơ của nhân vật nam chính, trước đó đã là một biểu tượng tình dục của điện ảnh. Bà được quảng bá là “Marilyn Monroe của hãng Paramount”, cũng rực sáng nhất ở La Dolce Vita. Trong phim này, minh tinh như vào vai chính mình, một cô đào Hollywood nóng bỏng, được đàn ông khao khát.
La Dolce Vita (Cuộc sống ngọt ngào) đã mang điện ảnh Italy đến với thế giới. Quan trọng hơn, phim mang một hơi thở điện ảnh mới đến với đất nước Italy vừa thoát khỏi chủ nghĩa phát xít, Thế chiến II, cái nghèo đói hậu chiến (ít nhất là ở Rome và miền Bắc Italy) và đang tiến đến đời sống sung túc hào nhoáng, những giá trị mới thách thức các nguyên tắc đạo đức Công giáo.
Bộ phim La Dolce Vita lấy bối cảnh thành Rome, được quay trên các đường phố, đại lộ đêm, các câu lạc bộ và quán cà phê. Giống như nhiều phim về sau của đạo diễn Fellini, các bối cảnh này làm nên những phần đắt đỏ nhất của trường quay huyền thoại Cinecittà, nơi được coi là trung tâm của nền điện ảnh Italy.
La Dolce Vita ra mắt ở Italy và được thế giới chú ý vào tháng 2/1960, khi truyền thông nước ngoài giới thiệu bộ phim đến độc giả, thính giá và khán giả của họ.
Sự đón nhận gây tranh cãi của bộ phim ở quê nhà, nơi nó chia rẽ khán giả, giới phê bình và các giáo sĩ Vatican. Tại buổi ra mắt phim ở Milan năm đó, Fellini đối mặt với hai luồng phản ứng: tán thưởng và nhục mạ, được vỗ tay và bị nhổ nước bọt.
Cùng với đó là niềm phấn khích tò mò của khán giả xung quang bộ phim, cho đến khi nó công chiếu tại London, sau khi giành giải Cành cọ vàng ở LHP Cannes danh giá.
Khán giả Anh đã chờ đợi một cú sốc lớn. Và họ bị sốc thật, phần vì sự thể hiện trung thực các vấn đề tình dục (có cả đồng giới, khi đó còn là bất hợp pháp tại Anh), vì sự báng bổ (nhất là từ góc nhìn của người Công giáo), và trên tất cả là tầm nhìn rộng lớn của phim.
Những dấu ấn văn hóa khổng lồ
Trước La Dolce Vita, đạo diễn Fellini đã giành 2 giải Oscar Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất. Sau phim này, ông giành thêm 2 giải nữa.
La Dolce Vita dù không đoạt giải Oscar Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất, vẫn đưa Fellini đến với một nhóm công chúng đông đảo hơn, không gói gọn trong nhóm khán giả của dòng phim nghệ thuật. Đồng thời, phim cũng đưa ông đến với khán giả nói tiếng Anh - một cộng đồng rất lớn, giúp mở rộng sức ảnh hưởng.
Không những thế, cũng từ La Dolce Vita, 3 khái niệm mới có nguồn gốc tiếng Italy đã được bổ sung vào tiếng Anh. Đó là “Felliniesque” (tính từ xuất phát từ tên đạo diễn Fellini) để chỉ trường phái đạo diễn phim lạ lùng, kỳ quặc. Thứ hai là “paparazzi”, thợ săn ảnh, xuất phát từ “Paparazzo”, tên người bạn làm nghề nhiếp ảnh của nhân vật Marcello trong phim.
Thứ ba là tên phim, “La Dolce Vita”. Đây đã trở thành một cụm từ có tính biểu tượng văn hóa, để mô tả một lối sống vật chất hời hợt, giống như bộ phim mô tả.
La Dolce Vita ra mắt ở thời điểm nằm giữa 2 vụ bê bối lớn của giới giải trí. Đó là Vụ Montesi ở Italy vào năm 1953 (một phụ nữ trẻ chết bí ẩn ở một bãi biển gần Rome) và Vụ Profumo ở Anh vào năm 1961 (bê bối tình dục của một chính trị gia và một nữ người mẫu 19 tuổi).
Những vụ việc này là tâm điểm của dư luận, sau vài năm càng khơi ra thêm nhiều bí mật không đẹp đẽ của ngành giải trí, chính trị và giới nhà giàu.
Trailer phim La Dolce Vita:
10 sự thật về La Dolce Vita: 2. Phim giành Cành Cọ Vàng của LHP Cannes 1960. 3. Cảnh nổi tiếng khi Anita Ekberg nhảy múa ở đài phun nước Trevi được quay trong tiết trời lạnh giá tháng Ba. Trong khi nữ diễn viên (mặc váy quây gợi cảm) đầm mình trong nước hàng giờ, bạn diễn nam của cô, Marcello Mastroianni, lại phải mặc áo mưa dưới bộ vest của anh và uống cạn một chai vodka để giữ ấm trước khi quay. 4. Tên gọi Paparazzo trong tiếng Italy được cho là bắt nguồn từ chữ “papateceo”, nghĩa là con muỗi. 5. Có một diễn viên khách mời là Christa Päffgen (nghệ danh Nico) về sau trở thành một siêu sao hợp tác với nghệ sĩ lớn Andy Warhol và Velvet Underground. 6. Trong buổi ra mắt ở Milan, khán giả đã la ó phản đối phim, một người đàn ông còn nhổ vào mặt đạo diễn Fellini. 7. Phim có doanh thu rất lớn với hơn 10 triệu USD trong năm đầu tiên và 8 triệu USD ở Mỹ. 8. Tây Ban Nha đã cấm chiếu phim vì lý do đạo đức cho đến tận năm 1981. 9. Neil Hannon trong ban nhạc The Divine Comedy (Thần khúc) đã hát lời thoại được dịch sang tiếng Anh của La Dolce Vita, ở cuối bài The Certainty Of Chance. 10. Nhiều phim về sau đã đề cập hoặc bắt chước La Dolce Vita, chẳng hạn Lost In Translation, Pulp Fiction và Celebrity. |
Hạ Huyền
Thể thao & Văn hóa