Huyền thoại âm nhạc Mỹ tròn 80 tuổi: Bob Dylan - Người thầy của tâm hồn
(Thethaovanhoa.vn) - Blowin 'in the Wind, Mr. Tambourine Man và nhiều ca khúc khác của Bob Dylan là một phần cuộc sống của người hâm mộ thuộc nhiều thế hệ. Huyền thoại âm nhạc Mỹ vừa tròn 80 tuổi vào ngày 24/5 vừa qua.
Được nhiều người coi là nhạc sĩ vĩ đại nhất của kỷ nguyên âm nhạc đại chúng, là khuôn mẫu cho hình ảnh ca sĩ kiêm nhạc sĩ hiện đại, người hát rong trẻ tuổi dũng cảm muốn thay đổi thế giới – điều mà ông đã làm.
Những ca khúc đi vào lòng người
Với những người hâm mộ trung thành của Dylan, bài hát yêu thích của họ là bài hát ru - Forever Young. Dylan sáng tác ca khúc này vào năm 1966 cho con trai Jesse của ông. Forever Young nhận được sự đồng cảm của nhiều người nghe. Có lẽ họ thật lòng mong muốn điều tương tự cho con cái mình, bất chấp những gì cuộc đời có thể mang lại: “Cầu mong con luôn can đảm, đứng thẳng và mạnh mẽ, cầu mong con trẻ mãi không già”.
Giống như rất nhiều bài hát của Dylan, bài hát này đã được “cover” vô số lần với những nghệ sĩ đa dạng, từ Bruce Springsteen đến Harry Belafonte, Meat Loaf và Joan Baez. Ca khúc này còn có nhiều phiên bản bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau, và thậm chí một phiên bản kết hợp giữa tiếng Anh và Kölsch - phương ngữ được nói ở Cologne (Đức).
Những chàng trai trưởng thành trong những năm 1970 ở châu Âu kể lại rằng, họ đã bí mật hút những điếu thuốc đầu tiên của mình trên những con đường đất giữa những vườn nho và gảy guitar bài hát Blowin 'in the Wind quanh đống lửa trại tại các trại thanh niên. Hoặc, thay vì ghi nhớ những đoạn hội thoại nhàm chán trong sách giáo khoa, họ lén tìm lời bài hát của Dylan khi ngồi trong lớp học tiếng Anh. Hoặc, nghe Mr. Tambourine Man, bài hát có hình ảnh chiếc chuông gió của “dreamcatcher” (vòng bắt ước mơ của người da đỏ) vang lên nhẹ nhàng trong làn gió mùa hè ngoài hiên... Dù họ không hiểu được nhiều ý nghĩa của phần ca từ trong các ca khúc của Dylan, nhưng cảm nhận được âm nhạc một cách mãnh liệt.
Bob Dylan trưởng thành ở vùng nông thôn. Robert Allen Zimmerman chào đời ở Duluth, bang Minnesota, trong một gia đình Do Thái thuộc tầng lớp trung lưu. Vài năm sau đó, gia đình ông chuyển tới thị trấn khai thác mỏ Hibbing. Robert đã học chơi piano và guitar và mặc dù khá dè dặt, cậu thiếu niên đã thành lập ban nhạc rock 'n' roll và jazz đầu tiên của mình.
Sau khi tốt nghiệp trung học, Robert đăng ký học tại Đại học Minnesota ở Minneapolis để học nghệ thuật và âm nhạc. Nhưng thay vì ngồi trên giảng đường, Robert thích biểu diễn các bài hát của thần tượng mới của mình là Woody Guthrie, tự đệm guitar và chơi kèn harmonica.
Tại Minneapolis, Robert Allen Zimmerman tự đổi tên mình là Bob Dylan - lấy cảm hứng từ nhà thơ Dylan Thomas, như ông kể lại trong cuốn hồi ký Chronicles, xuất bản năm 2004. Minneapolis sớm trở nên quá nhỏ bé đối với Dylan và vào tháng 1/1961, chàng trai 19 tuổi rời đến thành phố New York. Vào thời điểm đó, Dylan đã tuyên bố rằng nuôi dưỡng hình ảnh của một người lang thang phù hợp với các bài hát của ông.
Với đam mê nhạc dân gian, ngày càng được bổ sung bằng các bài hát của chính mình, Dylan đã chơi nhạc tại các quán cà phê và câu lạc bộ ở khu nghệ sĩ Greenwich Village. Tại đây, ông gặp Joan Baez – nữ ca sĩ thời điểm đó đã là một ngôi sao của thế giới âm nhạc dân gian.
Biểu tượng của phong trào phản chiến
Khi Baez đưa Dylan đi lưu diễn vào tháng 8/1963, ông đã phát hành 2 album. Nhưng đến khi có những màn biểu diễn chung với Baez trên sân khấu trước hàng vạn người, ông mới có được bước đột phá và đánh dấu sự khởi đầu của một sự nghiệp “vô tiền khoáng hậu”
Trong một thời gian rất ngắn, chàng trai Dylan 20 tuổi đã trở thành một biểu tượng của phong trào biểu tình. Cùng với Joan Baez và Martin Luther King, Dylan đã tham gia vào cuộc diễu hành tại Washington, nơi hơn 200.000 người biểu tình chống cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam của đế quốc Mỹ và sự phân biệt chủng tộc. Martin Luther King đã có bài phát biểu nổi tiếng “Tôi có một giấc mơ”. Năm sau, album thứ 3 của Dylan, The Times They Are A-Changin, được phát hành.
Khoảng 15 năm sau, bài hát chủ đề cũng trở thành một bài hát phản chiến cho thanh niên châu Âu. Lời bài hát của Dylan dường như được sáng tác riêng cho các cuộc biểu tình của thanh niên chống lại ô nhiễm và năng lượng hạt nhân, cũng như cho cuộc nổi dậy của tuổi vị thành niên.
Một biểu tượng của phong trào phản chiến, tiếng nói của một thế hệ - đó là điều mà Dylan thực sự không bao giờ muốn, như ông đã viết trong cuốn tự truyện Chronicles: “Tất cả những gì tôi từng làm là hát những bài hát thể hiện những hiện thực mới mạnh mẽ. Tôi có rất ít điểm chung và thậm chí còn biết ít hơn về một thế hệ mà tôi được coi là tiếng nói của họ”.
Năm 1965 cũng đánh dấu một bước ngoặt âm nhạc: Khi Dylan chơi guitar điện thay vì acoustic lần đầu tiên tại Liên hoan Dân gian Newport, những người theo chủ nghĩa thuần túy dân gian đã phản đối ông. Tuy nhiên, buổi biểu diễn là một khoảnh khắc lịch sử: khi dân gian trở thành rock và nó trở thành huyền thoại.
Dylan ngày càng rút lui khỏi mắt công chúng. Sau một tai nạn xe máy vào năm 1966, ông mất tích trong nhiều tháng và ông cũng không xuất hiện tại Đại nhạc hội Woodstock năm 1969.
Trong những năm sau đó, Dylan đã thử nghiệm nhiều phong cách âm nhạc khác nhau và thử sức với diễn xuất trong phim chính kịch Pat Garrett and Billy the Kid 1973). Mặc dù là một người Do Thái, vào cuối những năm 1970, ông đã chuyển sang Cơ đốc giáo và bắt đầu sáng tác nhạc phúc âm. Sau khi cuộc hôn nhân đầu tiên đổ vỡ vào năm 1977, ông tái hôn vào năm 1986 và trở thành cha của 6 đứa trẻ.
Mặc dù trải qua khủng hoảng vào đầu những năm 1980, nhưng Dylan đã tái xuất vào cuối thập kỷ với The Never Ending Tour - bắt đầu vào tháng 6/1988 và tiếp tục cho đến ngày nay. Dylan chơi khoảng 100 buổi hòa nhạc mỗi năm và tiếp tục phát hành album. Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 đã khiến kế hoạch lưu diễn của ông trở nên khó khăn.
- 'Blowin’ In The Wind' của Bob Dylan: Ca khúc 'do thời đại gọi ra'
- Huyền thoại Bob Dylan đã bán đi 'kho báu âm nhạc đại chúng'
- Nghe 'Rough And Rowdy Ways' của Bob Dylan: Muôn hình vạn trạng trong một con người
Được vinh danh với những giải thưởng cao quý nhất
Trong những thập kỷ qua, Dylan đã giành được nhiều giải thưởng quốc tế lớn, trong đó có nhiều giải Grammy, giải Oscar cho ca khúc trong phim Things Have Changed và giải thưởng Pulitzer danh giá. Năm 2012, cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama đã trao tặng ông Huân chương Tự do của Tổng thống - danh hiệu cao quý nhất của xứ cờ hoa.
Và vào năm 2016, Dylan đã nhận được Giải Nobel Văn học, trở thành nhạc sĩ đoạt giải thưởng văn chương danh giá này. Ông đã “tạo ra những hình thức biểu đạt thơ mới trong truyền thống ca khúc vĩ đại của Mỹ” – theo tuyên bố của Ban giám khảo giải Nobel.
Với giải Nobel, Dylan đã phản ứng theo kiểu điển hình, tức là ban đầu không thấy xứng đáng nhận giải. Sau đó, ông đã cử Patti Smith đến lễ trao giải để biểu diễn ca khúc A Hard Rain's A-Gonna Fall của mình. Cuối cùng, ông đã nhận giải thưởng, trong một không gian nhỏ, không công khai. Thay vì có bài phát biểu thông thường (bắt buộc của Viện Hàn lâm Thụy Điển), ông đã gửi một bản thu âm, dành sự tôn vinh các khuôn mẫu âm nhạc và văn học.
Năm 2020, Dylan phát hành album mới nhất - Rough và Rowdy Ways (mặc dù đây có thể không phải là album cuối cùng của ông). Để đánh dấu sự kiện này, Dylan đã trả lời phỏng vấn hiếm hoi cho The New York Times. Khi được hỏi làm như thế nào để giữ được sức khỏe và cân bằng giữa tinh thần và thể chất, huyền thoại âm nhạc đáp: “Tôi thích suy nghĩ rằng trí óc là tinh thần và cơ thể là vật chất. Bạn tích hợp hai điều đó như thế nào, tôi không biết. Tôi chỉ cố gắng đi trên một đường thẳng và ở trên đó”.
Người hâm mộ khắp thế giới mừng sinh nhật Bob Dylan Nhân sinh nhật lần thứ 80 của Dylan, Duluth, bang Minnesota - thành phố quê hương ông tổ chức Lễ hội Duluth Dylan lần thứ 11 hàng năm, với những người hâm mộ được mời đến tham gia lễ tôn vinh cuộc đời và sự nghiệp kéo dài 6 thập kỷ của huyền thoại âm nhạc. Thêm nữa, những người hâm mộ trung thành của Dylan được mời tham gia một bữa tiệc bên ngoài ngôi nhà thời thơ ấu của ông ở Duluth, nơi ông sống cho đến khi lên 6 tuổi. Bên cạnh đó, còn có nhiều sự kiện trực tuyến diễn ra từ ngày 22/5 đến ngày 30/5. Năm nay, các nhà tổ chức của sự kiện còn tổ chức một cuộc thi sáng tác nhằm vinh danh Dylan, cùng với một cuộc thi thơ, bài giảng... Ở những nơi khác, tại New York - nơi Dylan chuyển đến vào năm 1961 để theo đuổi ước mơ trở thành ngôi sao ca nhạc - đài phát thanh WFUV tại Đại học Bronx’s Fordham đang phát 80 bài hát của Dylan suốt cả ngày. Và ở Dublin, Ireland - nơi Dylan thường xuyên lui tới trong nhiều năm - tổ chức buổi phát trực tiếp từ Đại sứ quán Hoa Kỳ với tựa đề “Dignity” (Phẩm giá) mang tên ca khúc năm 1994 của ông. |
Việt Lâm (tổng hợp)