(Thethaovanhoa.vn) - Chương trình Ơn giời, cậu đây rồi! ngày càng ăn khách, nên khi khép lại sau 12 số phát sóng vào cuối tháng 12/2014, nhiều người cảm thấy tiếc nuối. Chính vì vậy, dư âm vui nhộn của nó chắc còn dài lâu hơn, khi mà “ơn giời cậu đây rồi” đã thành câu cửa miệng của nhiều người...
Qua các bình luận trên mạng, cái cảm giác “thèm ăn tiếp” đối với Ơn giời, cậu đây rồi! là có thật, dù chương trình chỉ vui là chính, chẳng cần ý nghĩa nhân văn hay thông điệp gì.
1. Nếu xét về rating, cũng giống như Gương mặt thân quen nhí, thì Ơn giời, cậu đây rồi! có xuất phát điểm bình thường, thậm chí một, hai số đầu khá thấp, dù thường xuyên có Hoài Linh, Xuân Bắc, Việt Hương, Chí Tài, Trấn Thành, Trường Giang, Thanh Thủy, Đại Nghĩa, Tự Long, Công Lý… “dẫn dắt”. Đây là những danh hài, những nghệ sĩ rất hút khách, nhưng có lẽ do chương trình truyền hình thực tế hiện nay quá nhiều, khán giả ít hoặc không kịp chú ý. Chỉ từ số 5 trở về sau, rating của Ơn giời, cậu đây rồi! mới tăng mạnh, rồi trở thành quán quân rating từ số thứ 8 (theo số liệu từ một nhân viên giấu tên của TNS Media Vietnam). Với Gương mặt thân quen nhí cũng vậy, những số cuối cùng rating tăng mạnh, dù những số đầu tiên rất bình thường.
Điểm chung của hai chương trình này là thi thố cho vui, Ơn giời, cậu đây rồi! còn không có kết quả chung cuộc, nên các nghệ sĩ và người chơi rất thoải mái trong việc “mua vui cũng được một vài trống canh”. Khi mới xuất hiện, khán giả có vẻ chưa quen với kiểu chương trình thi thố “vô kết quả” này nên đã phản ứng, nhưng càng về sau, cái cảm giác “nhẹ đầu”, vui là chính đã thu hút họ. Có lẽ khán giả truyền hình thực tế cũng chỉ cần có vậy.
Ơn giời, cậu đây rồi! số cuối cùng vừa phát sóng, có vẻ khán giả truyền hình vẫn còn “thèm ăn” những chương trình “nhẹ đầu” như thế này?
2. Bản chất của Ơn giời, cậu đây rồi! là tấu hài ứng biến trên truyền hình, nghĩa là không có kịch bản trước, mà chỉ dựa vào khung tình huống. Thật ra, với các khán giả miền Nam - đặc biệt tại TP.HCM, mảnh đất tấu hài - thì những tiểu phẩm tại các tụ điểm, muốn hút người xem, vẫn phải ứng biến là chính.
Thế là kinh nghiệm xem tấu hài tụ điểm đã được khơi gợi và nhắc nhớ bằng Ơn giời, cậu đây rồi!, nên cũng theo nhân viên TNS Media Vietnam, khu vực TP.HCM có lượng người xem đông đảo và ổn định nhất. Nối một nhịp cầu từ tấu hài tụ điểm (vốn đang bị thu hẹp dần) đến tấu hài ứng biến trên truyền hình là thành công và sức hút chính của Ơn giời, cậu đây rồi!.
Kết năm 2014, danh hài Hoài Linh đã trở thành “ông hoàng” sức hút đối với khán giả xem truyền hình thực tế, kế đến là Trấn Thành và một vài người khác. Thế nhưng, do xuất hiện quá nhiều, nên khi mới “cầm cân nảy mực” Ơn giời, cậu đây rồi! (như trở về chính ngôi nhà tấu hài của mình), Hoài Linh vẫn chưa kịp tạo sức hút, vì khán giả “bị rối” giữa các chương trình khác nhau. Nên cứ không phải có Hoài Linh, Trấn Thành là ăn khách, mà tự chương trình đó phải có cái gì đó khác lạ theo kiểu “vui là chính” thì mới có sức hút.
VĂN BẢY
Thể thao & Văn hóa