loading...
(Thethaovanhoa.vn) - Khi ta lên danh sách phim kinh dị, sẽ không danh sách nào hoàn chỉnh nếu thiếu phim Halloween (1978) của đạo diễn John Carpenter. Bộ phim không chỉ làm rạng danh cho dòng phim độc lập, mà 40 năm trước nó còn được xem là đã khai sinh ra một dòng phim kinh dị mới rất được thịnh hành đến ngày hôm nay - thể loại Slasher (Đâm chém).
Bắt nguồn hàng ngàn năm trước ở Châu Âu, Halloween được xem là lễ hội dành cho người chết, là ngày đặc biệt trong năm mà người sống và người chết gặp nhau.
Ấn tượng trước thành công vang dội của bộ phim kinh dị The Exorcist (1973), nhà sản xuất phim độc lập Irwin Yablans ấp ủ sẽ tạo nên một bộ phim kinh dị có tác động tương tự như The Exorcist. Yablans nảy ra câu chuyện về một gã tâm thần chuyên theo dõi và giết hại các cô giữ trẻ.
Một bộ phim kinh dị độc lập chi phí thấp
Sau khi xem bộ phim kinh phí thấp Assault On Precinct 13 (1976) của John Carpenter tại LHP Milan, Yablans và nhà tài phiệt Moustapha Akkad đã tìm đến Carpenter - lúc đó chỉ mới 29 tuổi - để mời anh tham gia.
Carpenter viết lời thoại cho các vai nam, còn Hill viết lời thoại cho các vai nữ. Bộ phim lấy bối cảnh hư cấu là thị trấn Haddonfield vùng Midwest (phía Bắc sông Mississippi), bang Illinois, vào đêm lễ Halloween. Và kịch bản được hoàn thành cật lực sau ba tuần.
Câu chuyện rất đơn giản xoay quanh nhân vật trung tâm là Michael Myers - một kẻ điên loạn bẩm sinh - hắn chạy trốn khỏi một bệnh viện tâm thần trong ngày Halloween, rồi tìm giết các thiếu niên, nhất là các cô giữ trẻ. Bác sĩ Sam Loomis phải nỗ lực lần theo dấu vết để tiêu diệt Myers.
Nhà tài phiệt Moustapha Akkad cực kỳ sửng sốt khi Carpenter quả quyết mình sẽ làm bộ phim kinh dị này với kinh phí chỉ trong khoảng 320.000 USD. Sửng sốt là bởi số tiền đó chỉ đáng giá bằng… một ngày quay trong bộ phim “bom tấn” Lion Of The Desert (Sư tử vùng sa mạc) mà Akkad đang sản xuất.
Tuy 320.000 USD được xem là mức kinh phí rất thấp vào lúc đó, nhưng bản thân Carpenter thì rất hài lòng, bởi kinh phí cho bộ phim đầu tay của ông, Assault On Precinct 13 chỉ có 100.000 USD. Đáng nể hơn là Carpenter đã dùng hơn nửa số tiền 320.000 USD kinh phí sản xuất để trả tiền thuê máy quay Panavision thời thượng rất đắt tiền có tỷ lệ màn ảnh rộng 2.35:1 mà ông rất thích.
Kịch bản ban đầu có tên The Babysitters Murders (Kẻ giết các cô giữ trẻ), nhưng vì kinh phí ít nên Yablans đề nghị câu chuyện chỉ xảy ra trong một ngày, để đỡ di chuyển bối cảnh và thay đổi trang phục. Mọi người quyết định rằng Halloween - đêm kinh sợ nhất trong năm sẽ là đêm hoàn hảo cho chuyện phim xảy ra, và nhất trí đổi tên phim thành Halloween cho tiện.
Bản thân Carpenter chỉ nhận có 10.000 USD cho thù lao đạo diễn, viết kịch bản và cả soạn nhạc phim, nhưng bù lại ông được nhận 10% lợi nhuận của bộ phim.
Chọn diễn viên và làm phim kiểu… nhà nghèo
Vai nữ chính Laurie Strode, dự định chọn Anne Lockhart nhưng cô ta lại không thích loại vai này. Có ai đó giới thiệu Jamie Lee Curtis - một diễn viên truyền hình vô danh 19 tuổi, và khi biết Jamie Lee là con gái của Janet Leigh (nữ diễn viên chính phim Psycho), nhà sản xuất Debra Hill đồng ý ngay vì: “Chọn Jamie Lee sẽ tốt cho việc PR phim, bởi khán giả yêu thích đã biết mẹ cô ta qua Psycho. Ít ra cô ấy cũng được thừa hưởng gene di truyền về… la hét”!
Đối với vai bác sĩ Sam Loomis, Carpenter muốn mời một gương mặt tên tuổi như Christopher Lee (nổi danh với vai Dracula) hay Peter Cushing, nhưng tất cả đều từ chối vì thù lao quá ít. Christopher Lee sau này cứ hối tiếc mãi vì quyết định “ngu ngốc” của mình.
Sự lựa chọn thứ ba của Carpenter là diễn viên người Anh Donald Pleasence (được khán giả Mỹ quen mặt khi ông đóng vai phản diện trong bộ phim James Bond 007, You Only Live Twice (1967).
Vai gã sát thủ “The Shape” - tên gọi tắt của nhân vật Michael Myers, đeo mặt nạ suốt phim - do Nick Castle, bạn của Carpenter khi hai người học chung tại Trường Đại học Southern California, thủ diễn.
Do chi phí quá thấp nên Carpenter không thể mời thêm những ngôi sao lớn, và hầu hết các diễn viên nhận thù lao rất ít cho vai diễn. Pleasence được trả 20.000 USD (chỉ cho 5 ngày quay!), Jamie Lee Curtis được 8.000 USD, còn Nick Castle thì quá “bèo”, chỉ… 25 USD một ngày quay!
Ít tiền nên Carpenter đã giao cho Tommy Lee Wallace phụ trách nhiều công việc như: Thiết kế sản xuất, tìm bối cảnh quay, và đồng dựng phim với ông. Trang phục diễn viên và đạo cụ được làm bằng thủ công từ những thứ đã có sẵn hay được mua với giá rẻ. Diễn viên phải tự mặc đồ riêng của mình, chỉ riêng trang phục của Jamie Lee Curtis là được mua khoảng… 100 USD tại cửa hàng J.C Penney.
Kinh phí ít đã chi phối địa điểm và thời gian làm phim rất ngặt nghèo. Bộ phim bấm máy vào mùa Xuân năm 1978 ở thành phố South Pasadena, bang California. Việc giả định đó là đêm Halloween lạnh lẽo ở Illinois thực sự không hề dễ dàng. Khổ nhất là phải tìm cho ra mấy trái bí ngô (biểu tượng truyền thống của lễ Halloween) vào thời điểm mùa Xuân lúc đó. Thậm chí nhiều cảnh quay phải sử dụng lá nhân tạo để giả mùa đông.
Ngoài ra Wallace còn phải tạo ra một chiếc mặt nạ “thương hiệu”, sẽ được sát thủ Michael Myers đeo suốt phim. Mặt nạ này cải biên từ chiếc mặt nạ Thuyền trưởng Kirk (trong phim Star Trek), được mua với giá 1,98 USD ở cửa hàng đồ chơi. Để làm cho khác đi, Wallace đã nới rộng hai lỗ mắt và thổi sơn màu xanh nhợt nhạt vào phần thịt trên mặt nạ. Khi xem Halloween, cái mặt nạ xanh xao không giống ai này thật sự trông rất ghê rợn. Nó làm tăng sự bí ẩn và khủng khiếp cho nhân vật.
Nhân viên trong đoàn phim được tận dụng để đóng các vai quần chúng. Thậm chí người trong đoàn ai có trẻ con, cũng được huy động để đóng các cảnh lũ nhóc chơi đùa trong đêm Halloween. Các loại xe sử dụng trong đoàn để di chuyển, xe nhà ăn, xe phục trang… đều được tận dụng hết vào các cảnh quay cho đỡ tốn kém.
Sau bao nhiêu thiếu thốn cực khổ, bộ phim đã đóng máy sau 21 ngày quay.
Điểm đặc biệt của phim kinh dị Halloween là trong phim có rất ít cảnh máu me bạo lực, nhưng lại đem đến cho khán giả cảm giác khiếp hãi kinh người. |
“Cỗ máy in tiền” gây chấn động!
Không một hãng phim lớn nào chịu phát hành Halloween, khiến nhà sản xuất Irwin Yablans phải phát hành nó qua công ty riêng của mình, Compass International.
Halloween ra mắt khán giả ngày 25/10/1978 với khởi đầu rất bình lặng, nhưng sau đó bộ phim nổi lên như một cơn bão tại các quầy vé mà không cần phải quảng cáo tốn kém - chủ yếu nhờ những lời truyền miệng của công chúng.
Các nhà phê bình ban đầu thờ ơ hoặc tẩy chay bộ phim cho đến khi Tom Allen, một nhà phê bình phim xuất sắc của tờ The Village Voice đã viết một bài phê bình sắc sảo đầu tiên về Halloween.
Bài tán dương của Allen đã gây chú ý các nhà phê bình khác, họ đổ xô đi xem và thật sự ấn tượng bởi sự lựa chọn góc máy táo bạo của Carpenter. Nhạc phim giản dị và ngạc nhiên khi có rất ít cảnh máu me bạo lực, nhưng lại khiếp hãi kinh người.
Bộ phim thu tổng cộng 47,3 triệu USD tại Mỹ, và 13 triệu USD nữa tại thị trường quốc tế, nâng tổng doanh thu thành hơn 60 triệu USD. Nếu tính trượt giá đến năm 2008, con số đó sẽ vào khoảng 203 triệu USD, biến nó trở thành bộ phim độc lập ăn khách nhất trong lịch sử điện ảnh. Năm đầu tiên phát hành băng video, chỉ riêng tiền cho thuê tại Mỹ, bộ phim đã thu về con số “khủng”: 18,5 triệu USD!
Thành công vĩ đại của Halloween đã trở thành bệ phóng cho sự nghiệp của rất nhiều người, đặc biệt là diễn viên Jamie Lee Curtis và đạo diễn John Carpenter. Bộ phim đã dẫn tới sự ra đời của 10 phần tiếp theo, và vô số phim kinh dị chi phí thấp khác từ thập niên 1980 cho đến hôm nay.
|
Bá Vũ
loading...