(Thethaovanhoa.vn) - Gương mặt thân quen (GMTQ) đang “sốt”, khi thí sinh Hoài Lâm của chương trình đã vô tình góp phần thổi bùng lên vụ tranh cãi về chuyện đạo nhạc của một ngôi sao đang lên. Thêm phần trình diễn hóa thân thành nghệ nhân Hà Thị Cầu quá đạt, Hoài Lâm đang hút hết sự chú ý của khán giả.
1. GMTQ là một “ca” thú vị nhất của mùa năm nay. Vô tình chương trình này đã làm được hai việc cho âm nhạc, đưa ra ánh sáng chuyện đạo nhạc, và đưa khán giả tìm về với âm nhạc dân gian. Những gì GMTQ làm được năm nay không chỉ khiến khán giả vui, mà còn khiến những người làm nhạc tử tế phải cười tủm tỉm.
Hoài Lâm xuất hiện trong game show GMTQ với “danh” là con trai của danh hài Hoài Linh - giám khảo của chương trình. Vì GMTQ đặt tiêu chí vui là chính, không mang tính ăn thua, nên việc con trai của một giám khảo đi thi cũng không gây lấn cấn gì với khán giả. Hoài Lâm có gương mặt điển trai, và một giọng hát tàm tạm, có màn khởi đầu tại GMTQ cũng tàm tạm. Ban đầu anh hoàn toàn lép vế trước một Minh Thuận dày dạn kinh nghiệm, có duyên sân khấu, giỏi giao lưu với khán giả. Nhưng càng vào sâu, Hoài Lâm càng chứng minh mình có khả năng hóa thân đa dạng.
Hoài Lâm hóa thân thành nghệ nhân hát xẩm Hà Thị Cầu
Hoài Lâm đã hóa thân thành nam ca sĩ Quang Lê hát dòng nhạc quê hương thật mùi mẫn. Anh cũng đã hóa thân thành ca sĩ hải ngoại Nguyễn Hưng với những màn vũ đạo điêu luyện. Đáng nói là Hoài Lâm ngoài việc bắt chước giọng giống với “bản gốc”, anh còn giữ được giọng hát ổn định, và còn thể hiện phần diễn xuất rất tốt. Nhưng phải tới đêm diễn 31/5 khi Hoài Lâm hóa thân thành nam ca sĩ đang lên Sơn Tùng M-TP thì sân khấu đã thực sự bùng nổ. Ngoài việc hóa trang để có ngoại hình giống “bản gốc” Sơn Tùng, Hoài Lâm còn biểu đạt giọng hát và động tác rất giống nam ca sĩ này. Sau phần trình diễn được khán giả hò hét cổ vũ, giám khảo - nữ ca sĩ Mỹ Linh đã khen Hoài Lâm hát trực tiếp hay hơn cả Sơn Tùng.
2. Lời khen hào phóng của vị nữ giám khảo đã thổi bùng lên ngọn lửa trong cộng đồng fan của Sơn Tùng. Nhiều bạn trẻ thậm chí còn yêu cầu diva “xin lỗi thần tượng” của họ. Cũng từ đây nhiều anti fan của Sơn Tùng đã phanh phui ra những ca khúc “hit” của nam ca sĩ này có phần nhạc nền (beat) rất giống với các ca khúc Hàn Quốc nổi tiếng. Kết quả là báo chí vào cuộc, dấy lên một cuộc tranh luận về việc “đạo nhạc”, về đạo đức của người làm nghề sáng tác.
Đây quả là một vụ việc hi hữu của game show, nhưng cũng là một “chiến thắng” bất ngờ của GMTQ. Vì riêng tập 10, có tiết mục Hoài Lâm hóa thân Sơn Tùng đã có lượng người xem trên YouTube đạt tới 1,5 triệu lượt xem, một con số mà các chương trình truyền hình thực tế “hot” như Giọng hát Việt, Giọng hát Việt nhí chưa thể đạt tới.
Hoài Lâm thừa thắng xông lên, vào tập 11 phát sóng hôm 7/6 anh đã khiến BGK ngả mũ bái phục vì màn hóa thân thành nghệ nhân hát xẩm Hà Thị Cầu quá xuất sắc. Có thể nói đây là một thử thách khó nhất trong GMTQ suốt 2 mùa, cho đến thời điểm này. Hát xẩm vốn là một loại hình âm nhạc dân gian không dễ thể hiện. Để nắm bắt được cách hát đã khó, nắm được cái hồn của giai điệu còn học “mút mùa”. Đằng này một thí sinh nói giọng miền Nam như Hoài Lâm chỉ có 1 tuần được luyện tập. Không chỉ giám khảo chương trình, mà một số nhà nghiên cứu âm nhạc dân gian cũng phải ghi nhận nỗ lực của thí sinh tay ngang này.
Sau phần trình diễn của Hoài Lâm, đã có một cơn sốt chia sẻ phần trình diễn của anh trên mạng. Lượng truy cập vào các tiết mục của cố nghệ nhân Hà Thị Cầu cũng tăng đột biến. Đây cũng có thể coi là một hiện tượng hi hữu, nhờ game show bỗng dưng một nghệ nhân dân gian miền Bắc được các khán giả trẻ “truy tìm”. Tất nhiên, các nhà nghiên cứu không hy vọng nhiều gì vào điều này, nhưng khán giả trẻ cứ “search” (tìm) về văn hóa dân gian cũng đã là tốt rồi.
Linh Lan
Thể thao & Văn hóa