Đạo diễn Roman Polanski dọa kiện tổ chức Oscar: Ngược chiều 'cơn bão' #MeToo
(Thethaovanhoa.vn) - Đạo diễn tai tiếng từng giành giải Oscar nhờ bộ phim Rosemary’s Baby đã bài xích #MeToo, phong trào khuyến khích nạn nhân bị quấy rối tình dục đứng lên tố cáo kẻ lạm dụng mình, là “mớ cuồng loạn” và “đạo đức giả”. Phản ứng này của Polanski đã gây sốc trong dư luận.
- Đạo diễn Roman Polanski tiếp tục bị 'tố' từng tấn công tình dục bé gái 10 tuổi
- Ở tuổi 84, đạo diễn lừng danh Roman Polanski lại bị cáo buộc tấn công tình dục
- Phim của đạo diễn Roman Polanski mở màn LHP Cannes
Roman Polanski cũng đang dự định khởi kiện Viện hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Điện ảnh Mỹ sau khi bị tổ chức này tước quyền thành viên hồi tuần trước.
Tổ chức Oscar đang quá nóng vội?
Trong bức thư gửi Viện, luật sư của Polanski, Harland Braun, cho rằng Viện đã không tuân theo điều lệ của chính mình và luật California khi không cho phép Polanski cơ hội tự bào chữa.
“Chúng tôi ở đây không phải để tranh cãi về quyết định trục xuất, mà bởi Viện coi thường chính những nguyên tắc đạo đức của mình, cũng như việc họ vi phạm các quy định của California”, Braun viết.
Ông Braun lưu ý rằng thân chủ của ông “đã thừa nhận trách nhiệm pháp lý và đạo đức với hành vi sai trái của mình năm 1977,” và theo thủ tục khiếu nại Viện vừa cập nhật hồi tháng Một, Viện phải cho Polanski 10 ngày để xuất hiện và trả lời về những hành vi bị cáo buộc.
Tuy nhiên, Brown cho biết ông hi vọng “sẽ tránh được những kiện tụng không cần thiết” và lưu ý “giải pháp thích hợp nhất là Viện hủy bỏ quyết định trục xuất ông Polanski bất hợp pháp và tuân theo Quy tắc ứng xử của mình bằng cách cho ông Polanski một thông báo hợp lý về những cáo buộc chống lại ông và một phiên điều trần công bằng để ông trình bày lập trường của mình về đề xuất trục xuất”.
Vị đạo diễn 84 tuổi, từng đoạt giải Oscar nhờ bộ phim Rosemary’s Baby, tuần trước đã bị trục xuất khỏi Viện cùng nam diễn viên Bill Cosby, người cũng bị Viện trục xuất “phù hợp với Tiêu chuẩn Đạo đức của tổ chức”.
Những vụ trục xuất diễn ra trong bối cảnh Hollywood đang rung chuyển bởi hàng loạt cáo buộc nhằm vào Harvey Weinstein, từ đó dấy lên phong trào khuyến khích phụ nữ toàn thế giới mạnh mẽ đứng dậy tố cáo những kẻ đã quấy rối tình dục mình.
"Tấn công ngược" vào phong trào #MeToo
Trong một cuộc phỏng vấn ở Ba Lan trước khi bị trục xuất, Polanski mỉa mai phong trào #MeToo là “mớ cuồng loạn” và “đạo đức giả”.
Cụ thể, khi được hỏi ông nghĩ gì về động thái của ngành công nghiệp điện ảnh trước vấn đề quấy rối tình dục, Polanski nói với tờ Newsweek Polska tuần này: “Tôi nghĩ đây là mớ cuồng loạn thỉnh thoảng lại xuất hiện trong xã hội. Đôi khi nó rất kịch tính, như Cuộc Cách mạng Pháp hay cuộc Thảm sát Ngày lễ Thánh Bartholomew ở Pháp".
“Tất cả mọi người đều cố gắng ủng hộ phong trào này, chủ yếu vì sợ hãi… Tôi nghĩ nó hoàn toàn đạo đức giả” – ông nói.
Polanski, người mang quốc tịch Ba Lan – Pháp và hiện đang sống tại Pháp, bị truy nã ở Mỹ vì tội cưỡng hiếp Samantha Geimer khi đó 13 tuổi vào năm 1977. Nhiều năm nay, vị đạo diễn này đã tìm cách đàm phán với chính quyền Mỹ.
Geimer, người từng tuyên bố đã tha thứ cho Polanski, cũng chỉ trích quyết định trục xuất của Viện là “hành động xấu xí và độc ác chỉ để làm màu”. Bản thân Polanski cũng gọi quyết định tuần trước là “ra vẻ cao đạo”, theo luật sư Jan Olszewski.
Olszewski cũng nói thêm rằng so sánh Polanski với Bill Cosby là “hoàn toàn sai lầm”. Cosby gần đây bị kết tội tấn công tình dục trong khi Polanski đã sống lưu vong từ năm 1978.
Tuy nhiên, vụ việc năm 1977 chỉ là cáo buộc tai tiếng nhất nhằm vào Polanski. Bên cạnh đó, còn có ba phụ nữ khác cáo buộc vị đạo diễn này quấy rối tình dục mình. Năm 2010, nữ diễn viên người Anh Charlotte Lewis cáo buộc Polanski “ép người mình” vào cô, và vào tháng 8/2016, một phụ nữ được xác định là Robin M. cho biết mình là “nạn nhân tình dục” của vị đạo diễn khi cô 16 tuổi. Tháng 10 năm ngoái, Renate Langer, cựu diễn viên Đức, cáo buộc Polanski cưỡng hiếp cô năm 15 tuổi.
Tài năng và cuộc đời Rajmund Roman Thierry Polanski sinh ngày 18/8/1933 tại Paris, Pháp. Bộ phim đầu tay của Polanski, Knife in the Water (1962), làm ở Ba Lan và được đề cử Oscar cho Phim nói tiếng nước ngoài xuất sắc nhất. Từ sau đó, ông nhận thêm năm đề cử Oscar, cùng hai BAFTAs, bốn Cesars, một Quả cầu vàng và một Cành cọ vàng tại LHP Cannes ở Pháp. Biến cố đời Polanski xảy ra năm 1969, khi người vợ đang mang bầu của ông, Sharon Tate, cùng bốn người bạn bị nhóm “Gia đình Manson” giết hại tàn độc. Sau cái chết của vợ, Polanski trở lại châu Âu và tiếp tục nghiệp đạo diễn. |
Thư Vĩ (Tổng hợp)