Đạo diễn Minh Cao: Công nghệ cháy nổ, bom đạn Việt Nam còn sơ khai
(Thethaovanhoa.vn) - Đạo diễn Minh Cao được biết đến với các bộ phim như: Anh em nhà bác sĩ, Người đẹp Bình Dương, Cuộc đối đầu hoàn hảo, Thiên sứ… là người từng cầm máy, quay nhiều phim có cảnh khói lửa trước khi làm đạo diễn. Anh cho biết 3D là giải pháp giảm thiểu rất nhiều mối nguy hiểm, nhưng sự cẩn trọng là điều phải tâm niệm, bởi cả Hollywood vẫn còn dùng cảnh cháy nổ thật bên cạnh việc sử dụng khá phổ biến công nghệ 3D trên máy tính.
Những cảnh cháy nổ “rùng rợn”, khốc liệt nhiều nguy hiểm thì dùng 3D là an toàn nhất, chưa kể là những vật liệu cháy nổ phải cần lưu trữ, bảo quản đúng nơi đúng chỗ, nếu không nó sẽ gây ra những tai nạn khôn lường.
TT&VH có cuộc trò chuyện với ĐD Minh Cao.
* Anh đã từng làm phim có nhiều cảnh về khói lửa, cháy nổ?
- Từ khi làm đạo diễn đến nay, tôi chỉ mới thực hiện một vụ nổ trong phim Sơn ca không hát bằng kỹ thuật 3D vi tính, nhưng thời còn làm quay phim, tôi thực hiện rất nhiều cảnh quay có cảnh nổ bom đạn, cảnh khói lửa.
* Các cảnh khói lửa, bom đạn nổ mà anh từng quay phim được thực hiện như thế nào?
- Thời đó, những đoàn làm phim của chúng tôi thường mời các chuyên viên khói lửa của các hãng phim, hay nói nôm na là chuyên viên dân sự để thực hiện những cảnh đơn giản. Còn những cảnh dữ dội thì thường mời Trường Sĩ quan Công binh hoặc Quân đoàn 4 thực hiện.
Đạo diễn nói mức độ hiệu quả cần đạt được, các chuyên viên quân sự sẽ tùy liệu mà bỏ vào bao nhiêu tro trấu, đào sâu bao nhiêu để chôn trái nổ… Tuy nhiên, cũng rất nguy hiểm, nếu diễn viên vì diễn xuất mà lơ đãng hoặc mất bình tĩnh, không tuân thủ khoảng cách đã quy định thì rất dễ gây ra những thương vong.
* Anh nhìn nhận thế nào về công nghệ khói lửa hiện nay của điện ảnh Việt Nam?
- Ở trường điện ảnh trong thời gian qua và hiện nay không đào tạo chuyên viên khói lửa, đa số là tự mày mò học hỏi, làm với tính chất thủ công. Còn nói về công nghệ thì thế giới còn áp dụng kỹ thuật 3D trên máy tính để thực hiện hoặc hỗ trợ, giảm bớt những cảnh nguy hiểm không cần thiết. Công nghệ khói lửa hay nói chung là hiệu ứng, kỹ xảo cho phim chiến tranh, phim hành động của chúng ta còn khá sơ khai.
* Theo anh, 3D có phải là mục tiêu để chúng ta phấn đấu?
- Tôi có thời gian du học ở Mỹ, có đến tham quan một xưởng làm 3D của hãng Sony, họ cho mình xem vài đoạn phim 3D giống như thật, có nhiều cảnh hiệu quả hình ảnh còn “khốc liệt” hơn cả cảnh thật. Hiện nay, những phim hành động có cảnh cháy nổ, xe hoặc người bay lên cao “banh xác”, chắc chắn là phải dùng kỹ thuật 3D để dựng, tuy nhiên có những cảnh như màn sương, khói bụi thì dùng cảnh thật sẽ mang lại hiệu quả cao hơn… Hiện nay việc pha trộn cảnh quay thật và dựng 3D trên vi tính là phương án được dùng nhiều nhất trên thế giới. Theo tôi đó cũng là điều mà điện ảnh chúng ta cần vươn tới.
* Anh có thể kể một vài phim Việt có sử dụng công nghệ 3D và cho ra hiệu quả tốt?
- Một loạt phim do đạo diễn Nguyễn Quang Dũng thực hiện như: Nụ hôn thần chết, Giải cứu thần chết, Mỹ nhân kế là có dùng 3D. Cảnh diễn viên Thanh Hằng bay vào hàng rào và vật nhọn đâm xuyên qua người, hoặc cảnh xe hơi lật nhào xuống đèo trong phim Nụ hôn thần chết tạo nên những hiệu quả mạnh là những ví dụ…
* Nhưng theo anh, tại sao hiện nay Việt Nam chưa áp dụng rộng rãi công nghệ 3D?
- Hiện nay ở TP.HCM theo tôi biết có anh Tú (Việt kiều) đang dạy 3D ở ĐH Quốc tế RMIT, hoặc anh Bách ở hãng phim HK là những người làm hiệu quả hình ảnh bằng 3D rất giỏi. Tuy nhiên, 3D vẫn chưa phổ biến trong làng phim hiện nay, biết là thô sơ, nguy hiểm nhưng mình chưa thoát ra được bởi lý do kinh phí. Ví dụ thực hiện một cảnh nổ trên núi rồi đá ào ào lăn xuống, khá nguy hiểm, nếu thực hiện nổ thật thì với mức giá hiện nay khoảng 1,5 triệu đồng (cho 4 giây) thì dựng 3D phải tốn khoảng 5 triệu đồng.
* Qua tai nạn cháy nổ thảm khốc vừa rồi, theo anh bài học lớn nhất là gì?
- Không được chủ quan và phải tuân thủ những quy định về phòng chống cháy nổ. Việc sử dụng 3D là giải pháp giảm thiểu khá nhiều việc sử dụng cảnh cháy nổ thật, bớt nguy hiểm hơn, nhưng cũng không phải là tất cả, chừng nào còn dùng những vật liệu tạo hiệu ứng cháy nổ thì phải cẩn trọng với chúng…
* Cám ơn anh về cuộc trò chuyện này.
Bình Minh (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa