loading...
(Thethaovanhoa.vn) - Bên cạnh giai điệu và ca từ gây ấn tượng mạnh, Daechwita của Suga nhà BTS còn mang đến cho khán giả một "cái nhìn" rõ hơn về văn hóa và lịch sử của Hàn Quốc.
BTS: Để "anh cả" Jin và "em út" Jungkook cùng xuất hiện trong MV Daechwita, Suga đã phải làm điều này!
Vừa qua, ngày 22/5, Suga của BTS đã phát hành mixtape thứ hai trong sự nghiệp solo mang tên D-2 và MV (video âm nhạc) cho ca khúc Daechwita. Trước đó, anh đã có một buổi ngồi lại với tạp chí Time để chia sẻ về biệt danh Agust D và sản phẩm âm nhạc mới này.
Nguồn cảm hứng trong giai điệu
Daechwita được đặt theo tên của một bản xướng cổ đại của Hàn Quốc. Trong những giây phút đầu của MV, chữ "Daechwita" được xuất hiện dưới dạng nguyên âm Hán ngữ (theo nguyên âm Hán Việt đọc là "Đại Xuý Đả").
Được biết, bản xướng này được ra đời từ thời Joseon, là một dạng nhạc lễ được thực hiện bởi các bộ nhạc cụ như cồng chiêng, kèn và trống... Daechwita thường sẽ được "cất lên" trong lúc Đại Vương (cách gọi vua của triều đại Joseon) đi vi hành trong dân gian, khi các quý tộc đi lại hay lúc quân đội của triều đại Joseon diễu hành... để làm tăng tính long trọng, hùng tráng và nghiêm trang.
“Tôi đã nghĩ tới chủ đề Daechwita ngay từ khi bắt đầu làm ca khúc này. Thế nên, tôi đã ghi sample (mẫu) từ bản Daechwita gốc. Daechwita là một dòng nhạc truyền thống Hàn Quốc bao gồm nhạc trận mạc, thường được biểu diễn tại các lễ diễu hành" - Suga chia sẻ với tạp chí Time.
Và vì vậy, khán giả có thể dễ dàng nghe thấy được sự tương đồng giữa Daechwita của Suga với bản xướng cổ truyền cùng tên của văn hóa Hàn Quốc. Giai điệu của ca khúc đã phần nào mang đậm nét văn hóa của Hàn Quốc. Nên với MV, Suga cũng đã tiếp tục thể hiện điều này bằng cách vào vai một vị vua và qua địa điểm, bối cảnh hay trang phục.
“Ý tưởng ban đầu của tôi là làm sample loại nhạc được chơi trong lễ diễu hành của vua” - anh nói tiếp - “Cho nên, rất tự nhiên, yếu tố dân gian đã trở thành phần thiết yếu trong âm nhạc cũng như MV”.
Quảng bá văn hóa, lịch sử
MV của ca khúc Daechwita được quay trên phim trường, thế nhưng khán giả có thể thấy điểm nhấn nổi bật chính là sự tái hiện của Nhân Chính điện, nằm trong khuôn viên Xương Đức cung (Changdeokgung) tại Seoul. Đây là 1 trong 5 cung điện quan trọng được các vị vua của Joseon xây dựng. Xương Đức cung là một trong những điểm du lịch của Seoul và một phần của Di sản thế giới được UNESCO công nhận.
Không chỉ vậy, Suga còn tái hiện phía bên trong của cung điện này. Phân đoạn nam rapper sinh năm 1993 ngồi trên ngai vàng được cho là rất chi tiết và ấn tượng. Phía sau ngai vàng là bức bình phong có tên "Nhật Nguyệt ngũ phong đồ". Bức bình phong vẽ hình Mặt trời, Mặt trăng và năm ngọn núi.
Trong đó, Mặt trời để chỉ vua, Mặt trăng tượng trưng cho vương hậu. Năm ngọn núi trong tranh là Kim Cương sơn, Diệu Hương sơn, Trí Dị sơn, Bạch Đầu sơn và Tam Giác sơn. Năm ngọn núi trên ứng với 5 vị trí Đông, Tây, Nam, Bắc và tượng trưng cho ngũ hành. Năm ngọn núi này tạo nên tường thành vững chắc bảo vệ quốc gia, cũng như vị trí quan trọng của vua để trị vì giang sơn.
Ngoài ra, trang phục mà Suga mặc cũng cho thấy sự đầu tư kỹ lượng cho Daechwita. Cụ thể, anh đã mặc trang phục của các vị vua thời Joseon với 3 chi tiết nổi bật là 3 con rồng được trang trí ở giữa ngực và 2 bên vai. Tuy nhiên, bộ trang phục cũng có phần được cách tân để phù hợp với âm nhạc, hiện đại và mới mẻ hơn.
Qua sự nổi tiếng toàn cầu của BTS, sản phẩm âm nhạc mới của Suga sẽ được khán giả trên thế giới đón nhận. Nên Daechwita phần nào cũng sẽ làm làn tỏa văn hóa truyền thống, đưa làn sóng Hàn (Hallyu) đi khắp nơi.
Thành Quách
Tổng hợp
loading...