Ca sĩ Phi Nhung - Cuộc đời quá đỗi gian truân
(Thethaovanhoa.vn) - Trai qua gần 20 năm ca hát nhưng chương trình Sol vàng - Thương nhớ người dưng năm 2014 mới là live show lớn đầu tiên trong cuộc đời âm nhạc của ca sĩ Phi Nhung. Đối với cô chương trình này mang lại nhiều sức ép cho bản thân nhưng cũng là một kỉ niệm ngọt ngào cho quá trình phấn đấu không ngừng của cô trong bao năm.
Cuộc đời sự nghiệp ca sĩ Phi Nhung
Những tâm sự về cuộc đời gian truân của Ca sĩ Phi Nhung
Ca sĩ Phi Nhung qua đời tại Bệnh viện Chợ Rẫy
Nghệ sĩ Việt đau xót khi Phi Nhung qua đời vì Covid-19
Con gái Phi Nhung khóc thương mẹ qua đời vì Covid-19
Câu chuyện nghề nghiệp cũng như cuộc đời của Phi Nhung nhiều người cho rằng giống như một chuyện cổ tích về đam mê và lòng kiên trì vượt qua mọi khó khăn, trắc trở của cuộc đời. Phi Nhung lớn lên trong hoàn cảnh éo le và khó khăn, mẹ mất năm 11 tuổi nên phải bỏ học sớm để kiếm tiền nuôi 5 người em. Thời gian đó cô chỉ có một nguồn vui duy nhất là được nghe những bài cải lương dân ca mộc mạc vì ngay từ thời thơ ấu, ước mơ trở thành ca sĩ đã len lỏi trong tâm hồn. Và cũng từ đó, cô thấm nhuần được nét bình dị của quê nhà, để sau này khi trở thành ca sĩ, Phi Nhung chuyên hát những nhạc phẩm quê hương, trữ tình kể về những mối tình giản dị, hiền hòa…
Cùng đọc lại những lời tâm sự của chị trên Thể thao và Văn hóa để thấy được phần nào nỗ lực và hành trình vươn lên trong cuộc đời nghệ thuật của người ca sĩ xinh đẹp, tại hoa nhưng bạc mệnh.
* Nhìn qua kịch bản chương trình được chia làm 3 phần (Năm mười bảy tuổi, Ru lại câu hò, Làm dâu đất khách) dường như cũng ứng với cuộc đời chị?
- Đúng là cuộc đời tôi cũng nhiều gian truân. Tôi có tuổi thơ khá khốn khó rồi năm 17 tuổi sang Mỹ theo diện con lai và sau đó làm đủ mọi nghề để mưu sinh rồi cuối cùng cố gắng hết sức để có thể theo nghiệp ca hát.
* Nhiều người bảo cuộc đời chị giống như cổ tích, từ cô bé Lọ Lem trở thành ngôi sao ca nhạc. Nhưng để được như vậy, với chị, chắc không dễ?
- Sau khi sinh tôi, mẹ đi bước nữa và có thêm 5 đứa em. Năm 8 tuổi tôi mồ côi mẹ. Tôi thương mẹ lắm. Khi bà mất đi tôi một mình lo cho các em. Tôi đi buôn bán ở chợ, bán rau, bột ngọt… Lúc ấy tôi ở với ngoại mà ngoại thì nghèo lắm. Đối với người khác thì tôi không biết nhưng với tôi thì không cảm thấy có gì là buồn khổ cả. Gia đình tôi tuy nghèo nhưng không có ai bạc đãi tôi cả.
Đến năm tôi 17 tuổi, năm1989 thì tôi sang Mỹ theo diện con lai. Lúc đó âm nhạc cũng là một điều xa vời. Đồng tiền đầu tiên tôi kiếm được là từ công việc thợ may. Song song đó tôi còn làm nhiều việc khác, từ phụ bàn quán ăn cho đến làm bếp… Cứ thế cho đến khi ca sĩ Trizzie Phương Trinh một lần sang diễn ở Florida và nghe tôi hát, sau đó cô ấy có khuyên tôi nên đến California để nuôi giấc mộng làm ca sĩ. Và từ điểm khởi đầu đó đến ngày hôm nay cũng là một hành trình khá dài…
* Âm nhạc ngấm vào chị từ lúc nào?
- Chắc chắn là từ bé, khi nghe mẹ hát rồi cả mấy dì trong nhà nữa nên tôi cũng hay hát, toàn cải lương với nhạc trữ tình thôi. Tôi nhớ khi mẹ tôi mất thì tôi đi bán kẹo, thuốc lá, hột dưa ở quảng trường thành phố Pleiku và cũng hay lẩm nhẩm hát một mình.
Cũng ở đó, lần đầu tiên tôi được trông thấy cô Nhã Phương hát bài Mùa Xuân trên những giếng dầu. Lúc ấy tôi nói với tụi bạn rằng ước gì lớn lên mình cũng sẽ được hát trên sân khấu này. Mấy đứa bạn tôi lúc ấy nói tôi bị điên, bán không bán mà cứ đứng đó suy tư. Nhưng cuộc đời không ai đoán được. Năm 2008 tôi đã về và hát lại trên sân khấu ở quảng trường Pleiku. Nhiều người bạn của tôi ngày xưa vẫn còn bán hàng ở đó. Tôi mời họ lên sân khấu và khóc. Tôi nhớ mình cứ đứng đó và khóc, nhiều lắm.
* Từ lúc nào thì chị chính thức trở thành ca sĩ chuyên nghiệp?
- Chính thức thì khoảng năm 1997. Nhưng cũng phải nói thật, tôi chưa nghĩ mình là ca sĩ chuyên nghiệp, còn phải học hỏi nhiều. Tôi không được may mắn đi học như người ta. Mà tính tôi lại khá bảo thủ nên khi tính toán chuyện gì là rất kỹ. Có chắc thì mới làm.
Nguyên Minh
Thể thao & Văn hóa