Ca khúc 'Like A Prayer' của Madonna: Nghệ thuật là để tranh cãi
(Thethaovanhoa.vn) - Tôn giáo, tình yêu, và những vấn đề nhạy cảm trong cùng một ca khúc pop, đó là điều mà chỉ Madonna mới có thể kết hợp và đưa lên đỉnh cao. Ca khúc không chỉ khẳng định vị thế mới của cô giữa giai đoạn sự nghiệp chao đảo mà còn định hình cả âm nhạc thế giới. Đó là Like A Prayer (Như một lời nguyện cầu).
Khi động chạm tới vấn đề nhạy cảm, hoặc sẽ bị dìm xuống đáy và nằm yên tại đó, hoặc sẽ bị dìm xuống đáy và bật lên cao hơn bao giờ hết. Nhưng đáng nói hơn, tính nghệ thuật của những thứ gây sốc thường bị đánh giá thấp. Madonna đã vượt qua cả 2 ải sâu này.
Nguyên tội
Đó là năm 1988. Sự nghiệp của Madonna phóng lên như tên lửa. Cô đã có 3 đĩa đơn nhạc nhảy thô mộc nhưng quyến rũ bất kỳ cái đầu hay chân nào, có bom tấn Like A Virgin và vai diễn của đời - theo nhiều nghĩa - trong Desperately Seeking Susan.
Nhưng cũng là năm 1988,Madonna không thu âm được ca khúc nào và chịu sự thất bại thảm hại về cả phê bình lẫn thương mại trong các bộ phim cô mới tham gia là Shanghai Surprise, Who’s That Girl và vở kịch Broadway Speed-The-Plow. Cuộc hôn nhân của cô với diễn viên Sean Penn kết thúc, và cô cũng bước sang tuổi 30, tuổi mà mẹ cô qua đời.
Sau khi lên tới đỉnh cao, Madonna có nguy cơ kết thúc danh vọng khi trượt dần xuống sườn bên kia sự nghiệp.
Và Madonna đã làm gì? Là một cô gái mạnh mẽ, cô quyết định rẽ sang một hướng nghệ thuật khác. Là một phụ nữ trưởng thành, cô quyết định đi sâu vào tâm trí mình, vào những góc khuất chưa từng dám tiết lộ. Cô quyết tâm đó phải là một bản thu hoàn toàn khác biệt, một album sẽ quyết định cái gì là phổ biến của âm nhạc những năm tới.
Nhìn lại nhật ký và hành trình cá nhân, Madonna nhớ lại: “Điều tôi muốn nói là gì? Tôi muốn album nói lên những thứ trong tâm trí tôi. Đó là quãng thời gian phức tạp trong đời tôi”.
Cụ thể, trên tạp chí Rolling Stone số tháng 3/1989, Madonna nói về cảm hứng phía sau Like A Prayer: “Một khi bạn là người Công giáo, bạn sẽ luôn là người Công giáo - xét về cảm giác tội lỗi và ăn năn dù bạn có tội hay không. Đôi khi tôi bị cuốn vào cảm giác tội lỗi dù không đáng vậy, và do đó, với tôi, đó là tàn tích từ việc được nuôi dạy theo giáo lý Công giáo. Bởi vì trong Công giáo, bạn sinh ra đã là một tội nhân và cả đời là tội nhân. Dù bạn có cố gắng thoát khỏi bằng cách nào đi chăng nữa, tội lỗi vẫn luôn ở trong bạn”.
Nhà sản xuất Patrick Leonard và Stephen Bray đều muốn mang phong cách của mình vào album bước ngoặt của Madonna, muốn trực tiếp sáng tác nhạc cho ca khúc chủ đề. Cả 2 đều đưa ra những thử nghiệm nhạc cụ và ý tưởng âm nhạc. Cuối cùng, Madonna cảm thấy những gì nhà sản xuất lâu năm của cô, Leonard, trình bày nghe hấp dẫn hơn. Trong khoảng 3 giờ đồng hồ, cô đã ngồi lại với Leonard, sáng tác nên Like A Prayer.
Madonna miêu tả Like A Prayer là về một cô gái trẻ đầy nhiệt huyết và yêu Chúa, ca khúc lấy cảm hứng từ Bí tích Thánh thể mà Chúa Jesus đã lập trong Bữa tiệc ly, nơi bánh và rượu chính là thân và huyết Người.
Nhưng nếu chỉ có vậy thì đã không phải là Madonna và tham vọng lớn lao của cô. Cô đã thay đổi nội dung ca khúc để nó mang tới nghĩa kép. Ấn sau bề ngoài có vẻ hời hợt, gây sốc, đây là ý định thử phản ứng người nghe…
MV gây tranh cãi “Like A Prayer”:
Tẩy chay
Vào thập niên 1980, đỉnh cao của danh tiếng với một ca sĩ là xuất hiện trên quảng cáo của Pepsi. David Bowie và Tina Turner quay cuồng trên nền Pepsi. Michael Jackson cháy cả mảng tóc trong chiến dịch của Pepsi. Tới lượt Madonna, năm 1989, cô có hợp đồng 1 năm làm đại sứ Pepsi, trị giá 5 triệu USD. Hợp đồng này bao gồm cam kết tài trợ cho chuyến lưu diễn thế giới sắp tới.
Madonna muốn sử dụng chính đoạn quảng cáo để tung Like A Prayer- trước cả ngày dự kiến ra mắt. Đây là lần đầu tiên trong ngành công nghiệp âm nhạc có chuyện này!Nó giống như một chiến thắng giành cho cả đôi bên: Madonna có màn ảnh ở khắp thế giới còn Pepsi được hưởng lây sự tò mò từ ca khúc mới. Giám đốc quảng cáo Pepsi khi đó, Alan Pottasch, vô cùng hào hứng khi “sự ra mắt chưa từng có của đĩa đơn được mong đợi từ lâu sẽ đặt Pepsi lên vị trí ưu tiên hàng đầu trong tâm trí khách hàng”.
Để xứng tầm với 2 cái tên lớn, màn ra mắt được chiếu trong buổi lên sóng toàn cầu của Grammy năm 1989. Vô cùng xúc động khi nhạc Like A Prayer vang lên, Madonna hồi tưởng lại tuổi trẻ của mình, từ một cô bé ngây thơ tới thiếu nữ bùng nổ. Cuối cùng, Madonna nói với cô gái nhỏ: “Tiếp đi, hãy ước điều gì đi”. Cả 2 cùng nâng Pepsi và Madonna nhỏ thổi nến sinh nhật.
Từ châu Âu, châu Á, châu Úc và Bắc Mỹ, khoảng 500 triệu con mắt đã dán vào màn hình xem Madonna và Pepsi - một quảng cáo mang tiêu chuẩn thánh ca thời đại điện tử, tôn vinh tham vọng toàn cầu của cả hãng đồ uống và ngôi sao âm nhạc.
Ngay ngày hôm sau, cô tung tiếp MV chính thức của Like A Prayer. Lần này, nó tạo nên cơn sóng còn lớn hơn thế, một vụ chấn động tới tận gốc rễ, khiến cả Giáo hoàng cũng phải ra mặt và Pepsi vội rút lại hợp đồng.
Madonna muốn trở nên khiêu khích hơn bao giờ hết. Trong MV, Madonna thấy nhưng không thể giúp một cô gái trẻ bị đám côn đồ da trắng cướp và sát hại. Một người da đen vội chạy lại cứu. Vì lũ cướp đã bỏ chạy hết, cảnh sát tưởng anh chàng da đen mới là hung thủ. Madonna chạy tới nhà thờ. Ở đó, cô thấy một vị thánh da đen - lấy cảm hứng từ Martin de Porres, vị thánh bảo trợ người đa chủng tộc và những người tìm kiếm sự hòa hợp giữa các chủng tộc.
- Nữ danh ca Madonna - Tuổi tác chỉ là những con số
- Tour diễn 'Madame X' của Madonna: 'Nữ hoàng nhạc pop' gặp rắc rối
- Album 'Madame X': Thêm một bản ngã của Madonna
Ngả mình trên ghế cầu nguyện, cô mơ thấy mình rơi vào không gian, được một phụ nữ, đại diện cho sức mạnh và quyến lực, đỡ lấy. Vẫn mơ màng, cô thấy tượng thánh biến thành người đàn ông da đen, hôn lên trán cô rồi rời nhà thờ… Tỉnh dậy, Madonna tới nhà giam khai báo với cảnh sát và người đàn ông được thả.
Không ngạc nhiên khi nhiều nhóm tôn giáo trên thế giới, bao gồm Vatican, ngay lập tức lên tiếng phản đối MV, cho rằng việc sử dụng hình ảnh Cơ đốc là báng bổ. Đích thân Giáo hoàng John Paul II cũng vào cuộc và kêu gọi mọi người ở Italy tẩy chay Madonna. Pepsi, trước áp lực dư luận, chính xác là đã bỏ của chạy lấy người, cho phép Madonna giữ lại 5 triệu USD nhưng không muốn liên quan gì tới cô nữa.
Báo giới và phê bình đứng về phía cô, coi đây là một video đẹp, pha trộn có tính toán giữa tôn giáo và tình yêu. Đặc biệt, nó phản ánh những vấn đề nhức nhối khác của nước Mỹ: Bạo lực và phân biệt chủng tộc. Bản thân Madonna, cô chỉ đáp rất đơn giản: “Nghệ thuật nên gây ra tranh cãi. Bản chất nó là vậy”. Khi nhận giải Bình chọn của khán giả tại giải MTV năm 1989 - mà trớ trêu thay là do Pepsi tài trợ - Madonna nhấn mạnh lần nữa: “Tôi thật sự muốn cảm ơn Pepsi vì đã gây ra rất nhiều tranh cãi”.
Di sản của “Like A Prayer” Like A Prayer đứng đầu các BXH trên thế giới, bao gồm cả Anh và Mỹ. Nó bán được hơn 5 triệu bản khắp thế giới và là 1 trong những đĩa đơn bán chạy nhất mọi thời đại. Được coi là ca khúc hay bậc nhất sự nghiệp của Madonna, Like A Prayer đứng thứ 55 trong danh sách 500 Ca khúc vĩ đại nhất mọi thời đại của Rolling Stone. Riêng MV của nó được MTV bình chọn là “MV đột phá nhất mọi thời đại”, được Rolling Stone xếp thứ 20 trong danh sách “100 MV hàng đầu” và đứng thứ 2 trong danh sách “100 MV vĩ đại nhất” của VH1. Hơn cả những con số, Like A Prayer thay đổi tận gốc rễ quan hệ giữa âm nhạc và tài trợ. Cô cũng tấn công vào định kiến quyền lực của nam giới, mang tới thông điệp trao quyền cho phụ nữ và cởi mở cho âm nhạc. Từ tiếng nói của thanh thiếu niên Mỹ, Madonna một bước trở thành nữ tu cao cấp của nhạc pop toàn cầu. Like A Prayer cũng mở đầu sự sáng tạo không cấm kị và sự trường tồn cho âm nhạc của Madonna. |
Thư Vĩ (Tổng hợp)